Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm sau thông tin ông N.T tại TP.HCM nhận lương hưu “khủng”.
Liên quan tới vụ ông N.T (ngụ quận 7, TP.HCM) nhận lương hưu hơn 100 triệu đồng/tháng, đại diện Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP.HCM cho biết, đó là mức lương hưu tương xứng với khoản tiền mà ông T. đã đóng BHXT trong quá trình làm việc tại một công ty nước ngoài.
Theo đó, với mức lương dành cho vị trí tổng giám đốc là hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, ông T. đã đóng BHXT lên tới 250 triệu đồng/tháng vào thời gian trước năm 2007. Sau đó, Luật BHXH thay đổi, đã quy định mức đóng BHXH không được vượt quá 20 lần mức lương cơ sở thì số tiền ông T. đóng BHXH mới giảm về mức dưới 23 triệu đồng.
Ông T. nhận lương hưu “khủng” vì đã có lương tháng tham gia BHXH cao. (Đồ họa: NLĐ)
Điều đáng nói là thông tin liên quan tới lương hưu của ông T. lại có phần đối nghịch với vụ việc một giáo viên mầm non hưởng lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng. Sự chênh lệch này đã khiến nhiều người thắc mắc về cách tính lương hưu khi tham gia BHXH.
Luật sư Lê Quang Vũ - Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo (TP.HCM) cho biết, theo Luật BHXH, một người được nhận lương hưu hàng tháng khi họ là công chức, viên chức, người lao động đến tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên. Lương hưu cao hay thấp phụ thuộc vào mức lương tháng đóng BHXH và thời gian đóng BHXH.
“Người có mức lương cao và thời gian đóng BHXH dài thì mức lương hưu nhận được sẽ cao; ngược lại, người có mức lương thấp và thời gian đóng BHXH ngắn thì mức lương hưu nhận được sẽ thấp”, luật sư Vũ cho hay.
Cô Trương Thị Lan, người nhận mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau gần 37 năm cống hiền cho ngành giáo dục. (Ảnh: NLĐ)
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, lương hưu được tính là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH nhân với tỉ lệ %. Điều 62 Luật BHXH năm 2014 quy định, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được xác định theo theo từng giai đoạn đối với những người thực hiện chế độ tiền lương của nhà nước (công chức, viên chức…) hoặc theo bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian đối với người lao động.
Theo Khoản 1 Điều 56 Luật BHXH thì tỉ lệ % lương hưu hàng tháng hiện nay được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH.
Từ các quy định trên, luật sư Vũ phân tích: “Theo như báo chí phản ánh, trường hợp cô Lan có thời gian dạy học là 37 năm, tuy nhiên thời gian đóng BHXH của cô Lan chỉ là 22 năm 8 tháng với mức lương bình quân thấp. Khi nhân với tỉ lệ 69% thì chưa được 1,3 triệu đồng (lương cơ sở), nên lương hưu của cô Lan được tính bằng mức lương cơ sở hiện hành là 1,3 triệu đồng theo Khoản 5 Điều 56 Luật BHXH 2014”.
“Trong khi đó, ông N.T có thời gian làm việc bắt đầu từ năm 1992 và nghỉ hưu vào năm 2015. Ông N.T đã đóng BHXH được 23 năm 3 tháng, và kết quả là được hưởng mức lương hưu hàng tháng hơn 100 triệu đồng do mức lương hàng tháng đóng BHXH của ông N.T rất cao (có tháng lên đến 250 triệu đồng/tháng). Thời điểm ông T. đóng BHXH trước ngày 1/1/2007 cũng chưa bị khống chế mức trần đóng BHXH”, luật sư Vũ phân tích thêm.
Theo luật sư Vũ, trước ngày 1/1/2007, mức lương đóng BHXH không bị khống chế mức trần nên nhiều người có mức lương đóng BHXH lên đến hàng trăm triệu đồng. Sau đó, từ ngày 1/1/2007, Luật BHXH mới đã khống chế mức lương tối đa đóng BHXH là 20 lần mức lương cơ sở.
Ví dụ, mức lương tối đa được phép đóng BHXH của một người tại TP.HCM hiện nay là 1,3 triệu đồng (mức lương cơ sở) nhân 20 lần bằng 26 triệu đồng. Như vậy, với quy định mới, mức lương hưu 100 triệu đồng/tháng sẽ không còn thực tế đối với những cá nhân đóng BHXH từ sau năm 2007.
Cụ thể, kể từ ngày 1/1/2007, những người có mức lương tối đa đóng BHXH là 26 triệu đồng/tháng thì mức lương hưu tối đa được nhận là 75% của 26 triệu đồng, tức 19,5 triệu đồng.