Nhiều người dân Hà Nội có sở thích chơi đào rừng, nhưng cũng có người vì tò mò ra xem những cành đào được dán tem truy xuất nguồn gốc ra sao.
Thời điểm gần Tết Nguyên đán 2021, vấn đề khai thác, vận chuyển và buôn bán đào rừng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Theo quy định mới nhất ban hành, việc khai thác đào rừng bị cấm tuyệt đối để bảo vệ tài nguyên rừng tự nhiên.
Quy định này cũng nêu rõ chỉ cấm việc khai thác và buôn bán đào mọc trong rừng tự nhiên, có nghĩa là không phải do người dân trồng. Tuy nhiên, để xác định đâu là đào rừng tự nhiên, đâu là đào rừng được người dân mang về nhà trồng từ những năm trước đó thì lại không phải dễ dàng. Nhiều gia đình ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai… gặp khó trong vấn đề khai thác chính đào trong vườn nhà trồng để mang xuống phố phục vụ người dân chơi Tết.
Loạt đào rừng đầu tiên xuống phố và được truy xuất nguồn gốc, dán tem rõ ràng.
Để gỡ rối cho người dân, chính quyền đã đưa ra phương án xác minh, dán tem truy xuất nguồn gốc đối với những loại đào từ các tỉnh nói trên trước khi mang ra thị trường. Tuy nhiên, theo nhiều người bán đào rừng, việc truy xuất cần rất nhiều thủ tục nên năm nay số lượng đào vận chuyển từ vùng Tây Bắc xuống Hà Nội bán Tết muộn hơn mọi năm.
Đường Lạc Long Quân (Tây Hồ), đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm) là những địa điểm bán nhiều đào Tây Bắc nhất ở khu vực Hà Nội, đa số các cành đào lớn vừa mới được vận chuyển xuống cách đây 1 đến 2 ngày. Anh Mạnh vừa bán hàng, vừa cầm trên tay tờ giấy có dán tem mác kiểm định các gốc đào, cành đào mình vừa vận chuyển xuống. Anh cho biết anh mới đưa đào xuống Hà Nội chưa đầy 1 ngày, lượng khách đến xem đông nhưng người mua không nhiều. “Đa phần họ tò mò đến xem tem đào như thế nào, có người còn tra luôn mã vạch tại chỗ nhưng không mua”, anh Mạnh nói.
Theo anh Mạnh, có thể thời tiết ấm, chưa cận những ngày Tết nên người dân đến xem là chủ yếu. Do mất công truy xuất nguồn gốc, năm nay ngoài đào cành, anh Mạnh còn đánh cả những gốc đào từ Sơn La chuyển xuống để bán phục vụ người dân.
“Giá các cành đào rừng chỉ từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng, còn các cây đào có tuổi đời từ 7-10 năm tôi bán vài triệu/cây”, anh Mạnh chia sẻ.
Nhiều người tới xem đào chỉ vì tò mò truy xuất nguồn gốc.
Tại một khu vực bán đào rừng khác, lượng khách đang tấp nập vào xem và mua hàng. Tại đây những cành đào lớn được bày bán đã bắt đầu nở hoa nên thu hút được sự chú ý của nhiều người. Chủ quầy đào cho biết giá đào cành Tây Bắc rất khó xác định, gặp khách có thể bán được cành lên đến 15 triệu đồng, nhưng có những cành giá chỉ vài trăm.
Tiểu thương này cũng thẳng thắn cho rằng hiện không còn đào rừng để khai thác số lượng cành đào mà người dân hay gọi là đào rừng là do người dân trồng với mục đích ăn quả. Tuy nhiên, do hiệu quả kinh tế thấp nên đã chuyển đổi sang việc cắt cành đem bán dịp Tết.
Để vận chuyển được sống lượng hơn 1.000 cành đào xuống Hà Nội, tiểu thương này đã phải xin rất nhiều thủ tục giấy tờ bắt đầu từ trưởng bản, đến ủy ban xã, kiểm lâm… vì vậy lô đào của anh cập bến Hà Nội chậm hơn 1 tuần so với dự kiến.
Dưới đây là một số hình ảnh đào rừng xuống phố tại Hà Nội:
Không chỉ mang cành đào, nhiều tiểu thương còn đánh cả gốc đào chở xuống Hà Nội bán trong dịp Tết.
Anh Mạnh cho biết đây đều là những gốc đào gia đình trồng, giống đào phai chứ không phải đào từ rừng tự nhiên.
Đào rừng bắt đầu về Hà Nội nhiều, thu hút sự quan tâm của người dân.
Mỗi cành đào đều được dán tem truy xuất nguồn gốc của cơ quan chức năng.
Nhiều cành đào bắt đầu nở hoa rất đẹp, thu hút nhiều người đến ngắm và chụp ảnh.
Những cành đào lớn được đốn hạ mang xuống Hà Nội bán.
Trong ngày đầu xuống Hà Nội, cửa hàng này được rất nhiều người đến chọn đào Tây Bắc về chơi Tết.