Sau Tết Nguyên đán, nhiều giúp việc bất ngờ xin nghỉ khiến các gia đình lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi ngày làm việc chính thức đã bắt đầu.
Đau đầu vì giúp việc nghỉ làm sau Tết không báo trước
Sau mỗi dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều gia đình ở Hà Nội lại đau đầu vì người giúp việc nghỉ, không quay trở lại để tiếp tục công việc. Đáng nói là đa số những người giúp việc nghỉ thường không báo trước, thậm chí chỉ khi gia đình ở Hà Nội liên lạc thì họ mới thông báo sẽ nghỉ làm.
Điều này đã khiến không ít gia đình lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười” vì việc tìm giúp việc thay thế ngay thời điểm sau Tết Nguyên đán không phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa, khi ngày đi làm việc đã cận kề, họ không thể bế cả con lên cơ quan để vừa trông con, vừa làm việc.
Chị Minh Nguyệt (ở tòa nhà C2, Khu đô thị Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đến nay chị vẫn chưa tìm được người giúp việc, dù đã nhờ nhiều mối quan hệ, đăng tải cả lên mạng xã hội từ hôm mùng 3 Tết.
Vừa nghỉ Tết xong, nhiều gia đình đã đăng tải tìm người giúp việc.
Chị cho biết cô giúp việc của gia đình quê ở Phú Thọ, trước khi về quê ăn Tết có hứa hẹn là sẽ quay trở lại vào ngày mùng 4 Tết. Để động viên và giữ người, trước khi nghỉ Tết chị Nguyệt còn cho ứng luôn lương tháng 2, mua tặng 2 bộ quần áo mới, vậy mà giờ coi như vừa mất người, vừa mất tiền.
“Ngày mùng 3 Tết tôi có gọi cho cô ấy (giúp việc) xem mai xuống mấy giờ để đi đón, khi ấy mới biết giúp việc sẽ không xuống nữa. Hỏi lý do thì cô ấy nói có việc gia đình, tôi vẫn động viên cô ấy cố gắng xuống giúp đỡ gia đình, chứ không đặt vấn đề đòi lại tiền, thế nhưng đến hôm nay cô vẫn chưa liên hệ lại”, chị Nguyệt chia sẻ.
Hai vợ chồng chị Nguyệt hiện đang làm cho một công ty liên doanh nước ngoài, thời gian rất khắt khe. Trong khi đó cả hai con của chị (1 cháu 6 tuổi, 1 cháu 4 tuổi) hiện nghỉ học tại nhà. Ngày đi làm đầu tiên năm Tân Sửu, hai vợ chồng phải thay nhau mỗi người làm 1 buổi rồi về trông con.
Bài toán tìm giúp việc sau Tết với nhiều gia đình không hề đơn giản. Ảnh minh họa
Cũng giống như chị Nguyệt, chị Lan (giáo viên một trường THPT song ngữ ở Nam Từ Liêm) cũng rơi vào tình trạng tương tự khi cô giúp việc quê Thái Bình xin nghỉ việc vô thời hạn. Chị Lan cho biết, trước Tết cô giúp việc nghỉ rất sớm từ ngày 25 Âm lịch và có hẹn ngày mùng 5 sẽ lên, tất cả vấn đề tiền nong đã thanh toán đầy đủ. Thế nhưng sau mấy ngày nghỉ Tết, chị liên hệ lại thì cô giúp việc trả lời sẽ không quay lại Hà Nội nữa.
“Cô ấy nói rằng lý do nghỉ việc không phải là vấn đề tiền lương, phụ cấp mà là do Hà Nội có ca lây nhiễm trong cộng đồng nên các con không cho quay lại đi làm, bắt ở nhà luôn và cũng không đi làm giúp việc nữa. Nhận được câu trả lời đó, tôi chỉ biết thông cảm, rồi liên hệ tìm người giúp việc khác”, chị Lan chia sẻ.
Nỗi lòng của những người giúp việc
Với nhiều gia đình, khi bất thình lình giúp việc nghỉ không báo trước sẽ khiến mọi sinh hoạt bị xáo trộn, nhất là ngay sau Tết học sinh các cấp thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội đều nghỉ học. Tuy nhiên, khi trao đổi với một số người giúp việc họ cũng có những nỗi khổ riêng, dù rất muốn đi làm.
Cô Trọng (quê Phú Thọ) giúp việc cho gia đình chị Nguyệt ở C2, khu đô thị Mỹ Đình 2 cho biết bản thân cô vẫn muốn đi làm vì gia đình thuê cô thoải mái, thậm chí sẵn sàng cho ứng tiền lương cả nửa tháng cho mình về quê ăn Tết. Thế nhưng, cô lại rơi vào hoàn cảnh éo le khi chồng con bắt phải ở nhà, bao giờ hết dịch mới được đi làm.
Khi nghỉ việc mỗi người đưa cho mình một lý do riêng. Ảnh minh họa/nguồn: Internet.
“Tôi cũng rất muốn đi làm, nếu không đi thì cũng muốn xuống nói chuyện và trả lại số tiền chủ nhà đã ứng cho mình trước Tết nhưng con tôi “cấm cửa” bảo rằng Hà Nội đang dịch bệnh nên không được đi đâu”, cô Trọng nói.
Theo chia sẻ của người phụ nữ này, ngày mùng 4 Tết cô đã chuẩn bị quần áo để đi rồi vì chủ nhà giục quá, nhưng các con cô lại cấm cản. “Dịch bệnh kinh tế khó khăn, các con tôi đều chưa đi làm nên tất cả gia đình ngồi ở nhà hết, vì thế tôi muốn đi làm để kiếm thêm thu nhập trang trải. Thế nhưng, khi chuẩn bị đi thì con tôi nói rằng: “Các cháu nghỉ học ở nhà, bà không ở nhà trông các cháu sao. Nghe xong câu đó tôi nỡ lòng bào cất bước ra đi, đành xin lỗi chủ nhà dưới Hà Nội”, cô Trọng tâm sự.
Qua khảo sát, một số giúp việc nghỉ làm sau Tết thì được biết đa số mọi người không quay trở lại Hà Nội vì lý do dịch bệnh. Họ sợ bệnh sẽ lây cho bản thân, sau đó là gia đình và rồi cả nhà đều phải đi cách ly.
Ngoài ra, với diễn biến dịch bệnh rất phức tạp nhiều tỉnh cho học sinh các cấp nghỉ học để phòng chống dịch, vì thế những người giúp việc cũng phải nán lại gia đình ở quê để trông con, cháu nên không quay trở lại Hà Nội làm việc.
Được biết, lương bình quân khi đi làm giúp việc hiện nay từ khoảng 4,5 triệu đến 7 triệu đồng, tùy vào điều kiện gia đình cũng như khối lượng công việc và mức lương do hai bên tự thỏa thuận và hiện chưa có quy định nào về việc trả lương cho giúp việc.
Theo quy định của UBND Thành phố Hà Nội, tất cả người dân đến Thủ đô từ vùng có dịch phải đến các trạm y tế để khai báo y tế. Đặc biệt, những người dân ở tỉnh Hải Dương nếu di chuyển đến Hà Nội trước giờ cách ly (0h ngày 16/1) đều phải khai báo và theo dõi sát sao sức khỏe. Riêng đối với người đến từ huyện Cẩm Giàng thì phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, tự cách ly 14 ngày theo quy định. Đối với các địa phương khác, khi di chuyển về Hà Nội vẫn hoạt động bình thường và tự theo dõi sức khỏe. Trường hợp có biểu hiện bất thường, nhất là khi có triệu chứng của COVID-19 thì cần khai báo với trạm y tế gần nhất. |