Dù làng đã được xếp vào hàng đầu những thôn nghèo nhất huyện, quá nhiều trẻ con nheo nhóc bỏ học, nhưng những ông bố bà mẹ vẫn cứ mê muội nhậu suốt đêm ngày.
Cho rằng men rượu giúp mình hạnh phúc, lại thể hiện được bản lĩnh, nhiều người dân tộc Ja Rai và Ba Na ở làng Đê Bơ Tứk đã bán dần bán mòn nương rẫy, trâu bò, chỉ để lấy tiền mua rượu. Dù làng đã được xếp vào hàng đầu những thôn nghèo nhất huyện, quá nhiều trẻ con nheo nhóc bỏ học, nhưng những ông bố bà mẹ vẫn cứ mê muội nhậu suốt đêm ngày.
Người dân uống rượu lúc 7h sáng.
Cách thành phố Pleiku 50km về hướng bắc, làng Đê Bơ Tứk (xã Đăk Jơ Ta, huyện Mang Yang, Gia Lai) lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi. Đặt chân đến làng Đê Bơ Tứk, chúng tôi thấy có những vạt rẫy lúa chín vàng ươm đang cần người thu hoạch. Những gian nhà che tạm bợ bằng ván lụp xụp. Mấy thanh niên đã uống rượu mặt đỏ ửng, ngồi ép nhau trên những chiếc xe máy tháo ống bô, phóng vèo vèo trên đường ngay từ đầu buổi sáng.
Bỏ rẫy ngồi nhà uống rượu
Trong căn nhà gỗ xiêu vẹo, tài sản giá trị nhất là chiếc xe đạp cũ han rỉ, 6 người cả đàn ông, đàn bà ngồi túm tụm quanh bát cá khô uống rượu. Thấy khách lạ, một ông chạy ra kéo chúng tôi vào nhà, ngật ngừ tự giới thiệu: “Mình là chủ nhà, mình tên Rượu như tên loại nước này. Cha mình thích rượu nên đặt tên mình như vậy!”. Nói rồi anh Rượu giới thiệu tiếp số “ma men” đang ngồi xung quanh là vợ, hàng xóm, họ hàng với mình.
Dù đã chuẩn bị mọi giải pháp chống say trước khi đến làng Đê Bơ Tứk nhưng sau 3 cốc rượu “làm luật” để cùng nhập hội, chúng tôi không khỏi thất sắc khi thấy cốc rượu kế tiếp. Vừa “khà” sau hớp rượu, anh Rượu kể: Đã cưới vợ nhiều năm nhưng không có con. Ngày xưa nhà mình nhiều đất lắm, thiếu tiền nên vợ chồng bán hết mua rượu về uống, giờ chỉ còn ít đất ruộng, thu hoạch đủ ăn một tháng. Thỉnh thoảng mình đi rừng để kiếm tiền, thời gian còn lại ở nhà uống rượu.
Tiếp lời, Mạo, một thanh niên ngồi cạnh khoe rằng cứ mỗi lần đi rừng là mang theo rượu để uống, khi nghỉ giữa dốc là 5 người uống hết 5 lít, lên tới đỉnh dốc thì uống hết 6 lít. “Có khi uống nhiều ngày liên tục, cứ say ngủ xong dậy lại uống tiếp. Bây giờ tay run luôn rồi!”- anh Mạo nói.
Kiệt quệ vì rượu
Được mệnh danh là “sâu rượu” trong làng, anh Rinh (anh ruột của Rượu) nốc xong một ly cười sảng khoái, để lộ hàm răng đã gãy hết hàng cửa, kể: “Hôm nhậu từ sáng tới chiều, say quá mình ngã từ cầu thang nhà sàn xuống, mặt đập vào cây gỗ, gãy mất 3 cái răng bên trên và 3 cái răng bên dưới!”.
Ngoài gãy mất bộ răng cửa, anh Rinh bị bệnh gan, nằm đau hơn 3 tháng không làm rẫy được. Vậy mà, Rinh nói, hễ ai gọi đi uống rượu là tới ngay với lý do uống cho... đỡ đau. Hỏi: Bệnh tật nặng như vậy sao không đến bác sĩ chữa ? Rinh xua tay bảo không có tiền nên không đi khám, cứ để đó rồi bệnh tự khỏi. Chỉ cần 1 lít rượu, vài con cá khô là không cần bác sĩ làm gì.
Đa số nhà trong làng chỉ được che chắn tạm bợ.
Chủ một tiệm tạp hóa trong làng Đê Bơ Tứk cho biết mỗi ngày quán của ông bán từ 15-20 lít rượu. Ngày cưới xin, lễ hội, số lượng rượu bán ra có thể đến hàng trăm lít. Cứ sáng ra mở cửa là có người đến mua, nhiều người uống say nằm ra ngủ, chiều dậy uống tiếp. Mà trong làng có hơn chục quán tạp hóa bán rượu như thế.
Nói về làng Đê Bơ Tứk, ông Đinh Văn Trứ, Chủ tịch UBND xã Đăk Jơ Ta cho biết làng gồm 139 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số, thì có tới 129 hộ nghèo, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn xe máy do say rượu. Xã đã áp dụng nhiều cách nhằm giúp bà con nơi đây thoát nghèo như tổ chức chương trình tập huấn làm nông nghiệp, giải thích tác dụng xấu của rượu, hướng dẫn cách trồng lúa, ngô. Có lần khuyến nông huyện đã xuống tận nơi cầm tay chỉ việc. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức, phong tục tập quán và đất bạc màu khiến người dân vẫn bị cái nghèo đeo bám. “Nhiều khi tổ chức họp thôn, cán bộ xã xuống thông báo nhưng chỉ vài người tới dự. Lát sau quay lại thấy nhiều người đã say, chân đi xiêu vẹo, vậy làm sao tuyên truyền, vận động không uống rượu được nữa”- ông Trứ nói.
Theo các thầy cô giáo trường THCS Đắk Jơ Ta, quanh năm khi nào cũng thấy người dân trong làng Đê Bơ Tứk uống rượu. Con cái muốn học hay bỏ cha mẹ cũng không quan tâm. Trong trường có hai chị em đang học, mỗi ngày giáo viên đều phải vào tận nhà đón đi. “Cả bố và mẹ của hai em học sinh này uống rượu suốt ngày. Mỗi sáng tôi vào đón đi học đều thấy bố các em đã ngồi uống rượu rồi”, một cô giáo than.
Ông Lê Hồng Tá, trưởng trạm y tế xã Đăk Jơ Ta cho biết: Nhiều đợt tuyển thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự các làng khác đều đạt, chỉ thanh niên làng Đê Bơ Tứk không ai được đi do uống nhiều rượu, thể chất suy yếu, còi cọc, không đạt tiêu chuẩn. Số người ốm đau, bệnh tật do rượu gây ra ở làng Đê Bơ Tứk cứ ngày càng tăng. |