Nằm trong khuôn viên ngôi cổ tự Từ Hiếu (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) có một khu lăng mộ đặc biệt đầy huyền bí, được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 19. Đó là nơi yên giấc nghìn thu của những vị thái giám triều Nguyễn.
Lối vào khu lăng mộ huyền bí nhuốm màu thời gian, rêu phong
Chùa Từ Hiếu nằm trên ngọn núi Dương Xuân thuộc phường Thủy Xuân (Huế). Đây là địa điểm du lịch, tâm linh nổi tiếng của Huế, nhưng ít người biết tại ngôi cổ tự này còn có một nghĩa trang của những con người mang thân phận đặc biệt, đó là những vị thái giám triều Nguyễn. Trong ảnh: Có tổng cộng 25 ngôi mộ tại khu nghĩa trang đặc biệt này
Vào thời Nguyễn, mỗi triều vua có trung bình khoảng 200 thái giám phục vụ, thường có hai nguồn để tuyển thái giám. Thứ nhất, những người sinh ra đã ái nam ái nữ (được gọi là giám sinh). Trong ảnh: Văn bia trên một ngôi mộ thái giám vẫn còn rõ những chữ cổ
Thời đó, ở bất cứ làng nào tại Huế nếu sinh được giám sinh thì đó là phúc của cả một làng. Khi giám sinh này tuyển vào hoàng cung, nhà vua sẽ ban thưởng bổng lộc. Tuy nhiên, nếu có giám sinh mà không khai báo thì sẽ bị phạt rất nặng. Chính vì vậy mà vào thời nhà Nguyễn, các giám sinh được gọi là “ông bộ”. Dân gian Huế hiện còn lưu truyền câu thành ngữ “đẻ ông bộ cho làng nhờ”. Tuy nhiên, việc sinh được giám sinh rất khó, nên nguồn thứ hai chính là việc tuyển chọn từ bên ngoài. Đó là những gia đình nghèo khổ, nên phải cho con làm thái giám…Trong ảnh: Nghĩa trang nằm trong khuôn viên của cổ tự Từ Hiếu, Huế
Về cuối đời, do ý thức được thân phận hẩm hiu của mình, một vị thái giám tên là Châu Phước Năng thời nhà Nguyễn đã dành dụm tiền bạc, đồng thời kêu gọi các vị thái giám khác quyên tiền để sửa sang Thảo Am đường (vốn là nơi tu hành của hòa thượng Nhất Định) để làm nơi an nghỉ, hương khói cho chính mình.
Việc này được vua Tự Đức và thái hậu Từ Dũ chấp nhận, đồng thời cũng quyên góp hỗ trợ. Vua Tự Đức cho đổi tên Thảo Am đường thành chùa Từ Hiếu. Do đây là ngôi chùa được các thái giám quyên tiền sửa sang và một phần đất bên trong là nơi an nghỉ của những thân phận đặc biệt này, nên dân gian còn gọi là chùa thái giám. Trong ảnh: Bậc trên cùng là ngôi mộ của vị thái giám Châu Phước Năng
Toàn bộ khu nghĩa trang của thái giám ở chùa Từ Hiếu có diện tích khoảng 1.000 m2. Ở ngay trung tâm khu nghĩa trang có tấm bia đá khắc ghi công lao đóng góp của các thái giám. Khu lăng mộ này được chia làm thành 3 bậc, tương ứng với vai trò và sự đóng góp khác nhau của các vị thái giám.
Bậc trên cùng là của thái giám Châu Phước Năng, người đóng góp nhiều nhất cho chùa, vì vậy ngôi mộ này cũng to hơn những ngôi mộ nằm cạnh bên.
Rêu phong, bụi thời gian phủ lên các công trình thuộc khu nghĩa trang cổ xưa khiến khung cảnh nên đây càng thêm huyền bí, ma mị. Toàn bộ khu nghĩa trang thái giám có 25 ngôi mộ, trong đó có 2 ngôi mộ gió (mộ không có thi hài)
Trong tổng số 25 ngôi mộ, có 21 ngôi có thể đọc được chữ trên văn bia, đặc biệt là ngôi mộ số 22 chữ trên bia còn khá rõ. Trên bia của ngôi mộ này ghi: "Hoàng triều cung giám viện, quảng vụ Nguyễn Hầu, quê ở thôn Nhi, Hà Nội, mất tháng giêng năm Khải Định thứ 5". Nghĩa trang nằm cạnh chùa, bao quanh là rừng thông. Những âm thanh của gió, của lá cây khi về chiều tạo cảm giác lạnh người, rờn rợn.
Dù lần sửa chữa gần nhất cách đây đã 14 năm, song khu lăng mộ vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn. Hệ thống tường thành bao bọc khu lăng mộ cùng cửa tam quan vững được giữ được sự cổ kính nguyên trạng.
Với sự tác động của dòng chảy thời gian, khí hậu, thời tiết, toàn bộ bờ tường và cổng tam quan, cũng như từng nấm mộ thái giám đã được phủ lên một lớp rêu phong xám xịt lạnh lẽo. Khung cảnh lăng mộ ở đây luôn âm u, huyền bí…
Từ bao nay, chùa Từ Hiếu được xem là một địa chỉ tâm linh, tham quan du lịch nổi tiếng, có lượng du khách ghé thăm khá lớn tại Huế. Tuy nhiên, khu lăng mộ âm u, hoang lạnh nằm ngay trong khuôn viên ngôi cổ tự này lại là một bí ẩn, không phải ai cũng biết về nó và đã từng đặt chân đến đây khám phá sự huyền bí này. Hiện không phải du khách nào tới Huế, đi vãn cảnh chùa Từ Hiếu đều biết đến nơi hoang lạnh, bí ẩn này