Trước đồ án quy hoạch phân khu đô thị của thành phố, nhiều người dân phố cổ Hà Nội đang sống cảnh chật hẹp tỏ ra vui mừng, nhưng đa phần đều lo sau này mất "cần câu cơm".
Cặp vợ chồng cùng con gái gần 30 năm sống dưới gầm cầu thang
Nhiều năm nay, người dân sống tại khu phố cổ Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội không còn xa lạ gì với vợ chồng ông Hà Đình Thành (66 tuổi) bán trà đá ngay đầu đường.
Vợ chồng ông Thành sở dĩ thành người "nổi tiếng" bất đắc dĩ bởi sống trong ngôi nhà rộng chưa đầy 3m2 ở ngay dưới chân cầu thang ở ngõ 33 Hàng Vải suốt gần 30 năm qua. Ngày qua ngày, cả gia đình sống nhờ vào việc bán trà đá. Ngôi nhà nhỏ chỉ kê được tấm phản làm giường là nơi nghỉ ngơi cho cả vợ chồng ông cùng người con gái vào mỗi buổi tối.
Vợ chồng ông Thành gần 30 năm sống gầm cầu thang trong ngõ 33 phố Hàng Vải.
Ông Thành cho biết, gia đình ông có 8 anh em. Do lấy vợ muộn nhất nên ông ở nơi chật hẹp nhất. "Các em trong nhà lấy vợ trước nên ở rộng rãi hơn. Đến lượt tôi lấy vợ sau cùng nên ở chật chội hơn. Cuộc sống là vậy phải chịu, yên phận chứ biết làm sao được", ông Thành nói.
Chính vì nhà chật, ở chân cầu thang khu nhà tập thể nên vợ chồng ông Thành sợ không dám đẻ đông con. Cả hai chỉ có duy nhất cô con gái năm nay 26 tuổi, hiện đang làm cho một công ty tư nhân.
Nhiều năm qua, cả gia đình ông bán nước mưu sinh.
Vừa rót nước cho khách, ông Thành cho biết, sống dưới gầm cầu thang không vui vẻ gì nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đành cam chịu. Vì ngại ngùng với bạn bè mà bao năm qua con gái ông không dám dẫn ai về chơi nhà. Ông mong sao sau đến đời con gái công việc ổn định để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Khu ngõ 33 phố Hàng Vải nơi gia đình ông Thành sinh sống.
Căn nhà 3 người nhà ông Thành ở nằm dưới gầm cầu thang suốt gần 30 năm qua.
Khi nghe về đề án quy hoạch phân khu đô thị, là người sống ở phố cổ như ông Thành đồng tình với chủ trương của thành phố Hà Nội cũng như mong muốn được chuyển đến một nơi ở mới khang trang hơn. Tuy nhiên, ông lại lo lắng sẽ mất kế sinh nhai khi không biết đến nơi ở mới sẽ làm gì để kiếm sống.
"Nếu quy hoạch giãn dân phố cổ khả thi, mọi người di chuyển thì gia đình tôi cũng chấp hành. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo đó là dù ở đây khổ nhưng còn có công việc. Nếu ở chỗ mới sau này chẳng biết làm gì. Vợ chồng lại không biết làm gì kiếm sống khi tuổi đã cao", ông Thành chia sẻ.
Trắng đêm kê chậu hứng nước mưa
Cũng sống trong cảnh chật hẹp, vợ chồng chị Lý ở phố Hàng Khoai, quận Hoàn Kiếm nhiều năm nay sống bằng nghề bán bún phở. Căn nhà rộng khoảng 30m2 là nơi sinh sống của 3 hộ gia đình với 15 nhân khẩu. Gia đình chị Lý ở tầng cao nhất có diện tích khoảng 10m2 nhưng lại là gác xép của căn nhà. Để có thể vào trong chị Lý phải leo lên, chui qua 1 ô thoáng mới có thể vào nhà.
Gia đình chị Lý có 4 người sống trên gác xép. Đây là lối lên duy nhất.
Hằng ngày vợ chồng chị Lý cùng hai con mở ô thoáng chui lên trên nghỉ ngơi.
"Nói thật nếu ở nơi khác khi đến đây sẽ cảm giác vô cùng chật chội. Nhà 10m2 có 2 vợ chồng cùng 2 đứa con. Mọi vệ sinh, tắm rửa đều bên dưới nên rất bất tiện", chị Lý chia sẻ.
Còn với gia đình bà Trần Thị Dung ở số 6 Cửa Đông cũng không khỏi khổ sở khi tường nhà bị nứt toác, đe doạ đổ từng ngày. Mỗi lần mưa bà Dung phải khổ sở lau dọn.
Bà Dung trèo lên khu gác xép của gia đình.
"Tôi lấy chồng rồi sống ở đây 15 năm qua nhưng quá khổ. Những ngày nắng thì đỡ, chứ mưa thì khổ vô cùng. Tôi đi làm phải để sẵn chậu, khăn dưới sàn nhà rồi dặn con để nguyên chậu cho mẹ, tránh chỗ dột ra. Nhiều hôm trắng đêm không ngủ được phải thức canh nước mưa. Tôi cũng lo lắng mảng tường nứt toác nên đi làm nhiều lúc không yên tâm phải dặn con cái ở nhà", bà Dung nói.
Nước thấm dột khiến nhà bà Dung khổ sở mỗi khi mưa.
Mảng tường nứt toác khiến bà thêm lo lắng.
Nhiều người dân phố cổ thổ lộ mong muốn có chỗ ở ổn định, khang trang hơn. Thế nhưng đa phần đều lo lắng về việc làm, mưu sinh thế nào.
"Ở nơi khác rộng rãi hơn ai cũng muốn nhưng nếu thành phố quy hoạch giãn dân phố cổ thì nhiều người không biết làm gì sống cả. Từ trước đến nay, cả nhà trông chờ vào việc bán hàng. Giờ mà đi nơi khác chẳng biết làm gì, bên cạnh đó con cái đi lại cũng là điều trở ngại", chị Lý nói thêm.
Cảnh quần áo giăng kín góc sân chung khu tập thể phố cổ Hà Nội.
Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, từ năm 2012, thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương thực hiện đồ án giãn dân phố cổ nhưng trải qua quá trình triển khai, theo dõi, phát triển thì đến ngày nay dự án mới chính thức được phê duyệt.
Người đàn ông hơn nửa cuộc đời sống trong ngôi nhà chỉ biết quỳ giữa phố cổ Hà Nội
"Từ việc này mới thấy được tính quan trọng cũng như phức tạp, cần cân nhắc của lãnh đạo thành phố khi tiến hành phê duyệt đối với đề án. Gắn với đề án giãn dân tại quận Hoàn Kiếm đã triển khai trong nhiều năm qua, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tới người dân trong việc nâng cao bảo tồn, phát huy di sản đô thị trên địa bàn quận", ông Long nói.
Theo ông Long, UBND quận Hoàn Kiếm cũng đã dành nguồn lực rất lớn trong việc giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân sống trong khu di tích, trường học, công sở…
"Số lượng dân cư ở quận Hoàn Kiếm hiện nay giảm hơn trước. Nhiều người đã chọn nơi ở mới để đảm bảo nhu cầu cuộc sống, còn lại cơ sở cũ phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, thương mại dịch vụ", ông Long nói.
Sáng 22/3, TP Hà Nội tổ chức hội nghị công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Các đồ án này có quy mô nghiên cứu trên 2.700 ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số và cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội, kỹ thuật. Để đạt được mục tiêu giảm dân số theo quy hoạch, lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cho hay thành phố sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ, bao gồm việc di dân ra bên ngoài khu vực nội đô; triển khai đồng bộ chủ trương di dời trường đại học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành... Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng cho biết, với việc quy hoạch được thông qua, Thủ đô đặt quyết tâm "không xây dựng nhà cao tầng trong nội đô". Theo ông Hùng, trong 10 năm tới, Hà Nội sẽ giảm khoảng 215.000 người trong 4 quận nội thành. Kế hoạch này hoàn toàn khả thi và phù hợp với thực tiễn. Theo đó, 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ ngành. Trong 6 năm qua, dân số quận Hoàn Kiếm cũng tự giảm 20.000 người do quy luật phát triển. |