Lập chốt công an trong bệnh viện: Bệnh nhân - bác sĩ càng xa nhau?

Ngày 20/04/2018 11:43 AM (GMT+7)

Người như thế nào mới có thể đánh bác sĩ khi đang đưa con đến bệnh viện để cấp cứu? Tôi nghĩ rằng đó là một câu hỏi cần thiết trước khi đưa ra một quyết định, một thái độ về những hình ảnh người nhà hành hung bác sĩ tại bệnh viện.

Đó có thể là một người đàn ông vì quá thương xót con mà mất kiểm soát trước những điều phiền toái khiến con mình không được cấp cứu kịp thời.

Đó cũng có thể là một kẻ tâm thần, ghét bác sĩ bẩm sinh.

Dù ở trường hợp nào kể trên, việc một người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ cũng không thể phổ biến. Một người cha đưa con vào bệnh viện bỗng nhiên đánh chính người đang cứu chữa cho con mình: hoặc anh ta không bình thường, hoặc anh ta bị làm cho phát điên.

Tôi không đủ dữ liệu để biết người đàn ông này thuộc diện nào trong 2 trường hợp đó. Nhưng điều tôi thấy rõ ràng nhất là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc lập chốt công an trong bệnh viện là không bình thường.

Lập chốt công an trong bệnh viện: Bệnh nhân - bác sĩ càng xa nhau? - 1

Làm sao để mối giao cảm giữa người nhà bệnh nhân với bác sĩ là mối giao cảm tin tưởng và biết ơn, chứ không phải tìm cách để gia tăng ý thức quyền lực cho bác sĩ? 

Trong xã hội loài người, những nghề nghiệp nào dễ bị đánh nhất? Hẳn nhiên, đó là những ngành nghề dễ xung đột lợi ích với người khác. Nhà báo tọc mạch đời tư của người khác, dễ bị đánh. Công nhân xây dựng - vệ sinh môi trường làm việc thiếu khoa học, bới tung đường hoặc làm cản trở giao thông của người khác, dễ bị đánh. Còn nghề làm thầy - thầy thuốc, thầy giáo - chắc chắn ít bị đánh hơn. Vì họ cứu người, dạy người.

Dễ và khó, đều không có nghĩa là hoàn toàn không xảy ra. Nhà giáo bị đánh, thầy thuốc bị đánh, nhà báo bị đánh, công nhân môi trường bị đánh, cảnh sát giao thông cũng bị đánh. Vậy tại sao chỉ có thầy thuốc là được đề nghị được bảo vệ đặc biệt? Đề nghị đó đã sai ngay ở tính khả thi. Bởi không thể lập chốt mỗi điểm nhà báo đi tác nghiệp, không thể cử cảnh sát đi theo xe rác hay chốt chặn ở các công trường, không thể có anh cảnh sát vác dùi cui đi trong sân trường, và ngồi uống nước chè cả ngày trong phòng khám.

Cảnh sát chỉ nên lập chốt bảo vệ ở đâu? Ở những vị trí bảo vệ mục tiêu, tức những nơi trọng yếu, có khả năng bị tấn công cao như ngân hàng, trụ sở các cơ quan nhà nước. Hoặc đó là những điểm có nguy cơ xung đột, mất an ninh như các khu vực biểu diễn, các sự kiện của đám đông.

Bệnh viện không bao giờ là địa điểm có nguy cơ bị tấn công. Đó cũng không phải môi trường dễ nảy sinh xung đột, vì tính chất của mối quan hệ giữa y bác sĩ và người nhà bệnh nhân là mối quan hệ tương trợ, giúp đỡ nhau. Vậy thì đặt chốt cảnh sát ở bệnh viện làm gì?

Chốt cảnh sát trong bênh viện sẽ mang lại điều gì? Sự yên tâm của nhân viên y tế khi tác nghiệp ư? Chẳng bác sĩ nào có thể yên tâm với chốt cảnh sát ở nơi làm việc của mình. Bởi khi họ yên tâm với cái chốt cảnh sát, tức là họ không yên tâm với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân mà họ đang cứu chữa. Điều gì sẽ xảy ra khi các nhân viên y tế luôn nghi ngại, sợ hãi bệnh nhân của mình? Họ sẽ có tâm lý đối đầu, và dễ dàng chuyển hoá thành thái độ thù địch với bệnh nhân. Và chính cái thái độ đối đầu, thiếu niềm tin của nhân viên y tế mới là nguồn cơn lớn nhất khiến người ta điên tiết.

Một người bình thường đưa con đi chữa bệnh, khi ức phát điên thì mới ra tay với bác sĩ. Bởi nếu không ức phát điên thì một kẻ giang hồ máu lạnh cũng không muốn làm hại ân nhân của con mình. Mối giao cảm giữa người nhà bệnh nhân với bác sĩ là mối giao cảm phụ thuộc, tin tưởng, và biết ơn. Một mối giao cảm như vậy rất khó để tạo ra bạo lực. Bạo lực chỉ xảy ra khi quan hệ giữa nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân không thể giao cảm với nhau theo cách thông thường. Điều đó chỉ xảy ra nếu nhân viên y tế coi việc cứu người là một quyền lực.

Đã có những bác sĩ bị đánh tại nơi làm việc không phải bởi kẻ điên, mà bởi những người bình thường không kiềm chế được cơn giận dữ và lo lắng. Điều đó không khỏi có những khi xuất phát từ ý thức quá mức về quyền lực của những nhân viên y tế.

Và với sự có mặt của những người mặc sắc phục cảnh sát trong bệnh viện, với sự tự tin được bảo vệ, cái ý thức quyền lực của kẻ mạnh trong các nhân viên y tế có thể dễ hình thành hơn. Và vì thế, họ có thể dễ bị đánh hơn, một khi đã mất đi hoặc đã quên đi những giao cảm tốt đẹp với chính cái cộng đồng mà họ đang là thành tố quan trọng và đáng được trân trọng nhất.  

Vụ bác sỹ bị hành hung ở Bệnh viện Xanh Pôn: Bác sĩ nói gì trước khi bị đánh?
Lãnh đạo Bệnh viện Xanh Pôn khẳng định trong quá trình tiếp đón bệnh nhi, bác sỹ Vũ Hữu Chiến đã làm đúng quy trình, giải thích đúng chuyên môn.
Phạm Trung Tuyến
Nguồn: Khám phá

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ bị hành hung ở bệnh viện Xanh Pôn