Lấy 10 mẫu cá tầm kiểm tra chất tăng trọng

Ngày 13/06/2013 10:17 AM (GMT+7)

Trước nghi án cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc có tồn dư chất tăng trọng, Bộ NN7PTNT lấy 10 mẫu cá tầm tại thị trường Hà Nội để kiểm tra.

Ngoài ra, ở TP.HCM, lực lượng chức năng bắt quả tang 4 con lợn bị bơm nước trước khi đưa ra thị trường. Nhiều thịt trâu, bò cũng bị phát hiện đã bơm nước.

Phân tích 30 mẫu thủy sản

Trước thông tin cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc đội lốt cá tầm Việt Nam làm mưa làm gió trên thị trường và nguồn thực phẩm này có thể tồn dư chất tăng trọng, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản và Nghề muối cho hay sẽ kiểm tra tổng cộng 30 mẫu thủy sản tại Hà Nội.

Cụ thể, 30 mẫu này gồm 10 mẫu cá tầm, 10 mẫu cá quả và 10 mẫu cá trê được bày bán tại các chợ đầu mối và chợ bán lẻ. Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, kết quả kiểm tra, phân tích sẽ được Cục này công bố trong thời gian sớm nhất.

Cũng trong tháng 5/2013, Bộ NN&PTNT đã thành lập 3 đoàn kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) tại 9 tỉnh, thành trên cả nước và đã phát hiện nhiều sai phạm.

Cụ thể, trong 25 bếp ăn tập thể, siêu thị và cơ sở chế biến nông sản thì có tới 17 cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về ATTP. Các sai phạm bao gồm: thiếu bảo hộ lao động, cơ sở vật chất không đảm bảo như nền nhà đọng nước, nhà kho chung nhà vệ sinh, nguyên liệu để dưới sàn nhà, không có chứng nhận Vệ sinh ATTP, không biết rõ nguồn gốc nguyên liệu đầu vào…

Lấy 10 mẫu cá tầm kiểm tra chất tăng trọng - 1

Sẽ sớm công bố kết quả kiểm tra chất tăng trọng trong cá tầm (ảnh: NLĐ)

Bơm nước vào lợn, gà, trâu, bò

Đặc biệt, lực lượng liên ngành vừa phát hiện nhiều vụ việc bơm nước vào thịt lợn, thịt trâu, thịt bò và thịt gia cầm sau giết mổ mặc dù đây là hành vi bị cấm từ trước đến nay.

Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành tại Cà Mau đã kiểm tra và phát hiện 35 trường hợp bơm nước vào lợn sau giết mổ. Huyện Thới Bình là địa phương phát hiện số vụ vi phạm nhiều nhất với 4 trường hợp.

Tại TP Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 4 con lợn tại một cơ sở giết mổ ở huyện Hóc Môn đang bị bơm nước trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tại Long An, một trong những tỉnh cung cấp lượng thực phẩm lớn cho TP Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một cơ sở giết mổ bơm nước vào thịt trâu, bò. Do đó, nhiều loại thịt tại TP.HCM cũng bị phát hiện đã bị bơm nước.

Đây là hành vi bị cấm bởi bơm nước vào gia súc sau giết mổ sẽ làm thịt dễ nhiễm các loại vi sinh, chất lượng thịt giảm.

Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT cho hay, nguồn nước không đảm bảo còn là môi trường để sinh sôi các yếu tố độc hại khác.

Bức xúc trước thực trạng này, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, bơm nước vào lợn và gia cầm để thu lợi bất chính là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật và gây mất vệ sinh ATTP. “Hệ thống thú y và các đơn vị có trách nhiệm “gác cổng” vấn đề VSATTP của Bộ và các địa phương, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo vệ người tiêu dùng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói

Ngay sau khi phát hiện sự việc bơm nước vào thịt gia súc, gia cầm, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y đã yêu cầu thú y các địa phương thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát vận chuyển gia súc từ nơi xuất phát. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước thì phải ngừng ngay việc cấy giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển.

Lực lượng thú y “đứng chốt” tại  các chốt, trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc với mục đích giết mổ, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra gia súc trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ gia súc.

Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước phải ngừng ngay việc vận chuyển giết mổ, tổ chức nuôi nhốt cách ly để theo dõi và truy xuất nguồn gốc. Các lực lượng chức năng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, tiêu thụ thịt gia súc tại các chợ, siêu thị và truy xuất nguồn gốc đối với những miếng thịt có màu sắc bất thường.

Theo Thu Hoài
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan