Theo đúng như lịch hẹn, sang ngày làm việc thứ hai, chúng tôi được cán bộ trại giam số 3 (Bộ Công an) sắp xếp cho gặp gỡ với Lê Văn Luyện.
Vẫn biết rằng, tội ác mà hắn gây ra là không thể dung thứ, thế nhưng trước khi gặp Luyện, chúng tôi vẫn luôn hy vọng rằng, trong buổi tiếp xúc này, thà hắn cứ tỏ ra ăn năn, sám hối còn hơn là cứ giữ cái vẻ mặt lầm lì, thái độ lạnh lùng như ngày còn ở trại tạm giam...
Bạc tóc vì... suy nghĩ
Khi nhận được thông báo có người muốn gặp, Lê Văn Luyện tỏ vẻ khá bất ngờ, bởi kể từ ngày chuyển sang trại giam số 3, ngoài lần đầu tiên cả gia đình "tiễn" hắn về "nhà mới" thì từ đó đến nay người thân chưa có điều kiện quay lại thăm gặp.
Lê Văn Luyện đã cởi mở hơn, không còn tỏ ra "cứng đầu" như những lần gặp báo chí trước đây.
Trong bộ quần áo kẻ sọc của tù nhân, Lê Văn Luyện chậm rãi theo chân cán bộ trại giam vào phòng chờ. Thấy chúng tôi bước vào, Luyện cất tiếng chào, rồi tỏ vẻ khiêm nhường, dường như hắn cũng đoán được chúng tôi là đoàn nhà báo. Quả thực, khác với những lần trước đây tiếp xúc với báo chí bằng thái độ bất hợp tác, lần này, Luyện đã cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn. Trong câu trả lời của hắn đã có "dạ", "vâng", có đại từ nhân xưng... chứ không còn cộc lốc, xấc xược như kiểu: "không biết"; "chả sao cả"... như ngày trước.
Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu bằng việc hỏi thăm sức khỏe. Luyện cho biết, hắn vẫn ăn ngủ, lao động bình thường. Hắn cười gượng, bảo rằng: "Em bây giờ còn khoảng 57kg, giảm gần chục cân so với đợt xử án nhưng người khỏe ra, không bệu như trước. Một ngày em được "giao khoán" làm 12 bộ mi mắt giả, nhưng em thường làm vượt lên 13 bộ. Em sẽ cố gắng, nếu làm thạo việc, có khi còn vượt nhiều hơn nữa".
Khi được hỏi "vừa qua Luyện ăn Tết như thế nào?", hắn hơi chùng giọng xuống, nói đều đều: "Đây là năm thứ hai em đón Tết ở trại giam số 3. Ngày Tết, các phạm nhân khác được nhiều người thân vào thăm, còn em thì chẳng có ai thăm hỏi, nên các cán bộ cũng thương và cho quà, bánh để đón Tết". Ngừng một lát, sau tiếng thở dài, Luyện nói tiếp: "Lâu quá rồi, bà nội và mẹ em không vào đây thăm em được. Từ quê em đến đây quá xa, bà thì già yếu rồi, nhà lại nghèo".
"Vậy chắc em nhớ nhà lắm hả?", tôi hỏi. Luyện vừa đáp, vừa đưa tay chỉ lên mái tóc cắt "cua" của mình, bảo rằng: "Nhớ lắm chứ! Từ khi chuyển ngoài trại Bắc Giang vào đây, đêm nào em cũng suy nghĩ, bây giờ tóc đã có nhiều sợi bạc rồi. Cũng có thể do em lao động cải tạo và thức đêm nên giảm cân, không béo như trước nữa".
Đôi lông mày rậm và phút cúi mặt
Lê Văn Luyện cho biết, trong gia đình, mẹ và bà nội là người hay khóc nhất. Khi chúng tôi nói với hắn "Ở quê, mỗi lần có ai hỏi và nhắc đến em là bà nội lại khóc". Bất chợt, tôi nhận thấy ánh mắt hắn cũng rưng rưng, rồi cụp xuống rất nhanh. Hắn ngồi lặng thinh phía đối diện, trên mặt bàn, đôi bàn tay của kẻ từng được dư luận "gắn" cho biệt danh "sát thủ máu lạnh" cứ vê vê, rồi đan chặt vào nhau như thể muốn lấy lại sự tĩnh tâm.
Lúc này, tôi cũng đang trong tâm trạng dừng tất thảy những suy nghĩ để mong muốn rằng mình có thể cảm nhận được dù ít, dù nhiều sự ăn năn, hối cải trong kẻ sát nhân máu lạnh kia...
Thời gian cứ lặng lẽ trôi. Phải đến gần một phút sau, Luyện mới cất lời chậm rãi, vừa đủ để chúng tôi có thể nghe được: "Em thương bà nội! Bà năm nay đã ngoài 70 tuổi, cũng già yếu rồi. Chỉ sợ sau này không còn cơ hội được gặp lại bà!...".
Tôi hỏi tiếp: "Chắc em suy nghĩ về lỗi lầm của mình nhiều?". Không để người hỏi chuyện phải đợi lâu, Luyện khẽ nhíu đôi lông mày rậm, đáp: "Vâng, giờ em đã nhận thức được tội ác của mình. Em thương bố mẹ, ông bà nhiều. Tại em mà cả gia đình phải khổ, nhiều người thân bị liên lụy và phải đi tù".
"Vậy, Luyện có muốn gửi lời xin lỗi đến gia đình em Bích không?" - hắn cúi mặt xuống bàn, tay chắp trước ngực, đáp giọng hơi trầm: "Giờ em có xin lỗi cả trăm nghìn lần cũng không đền hết tội!".
“Em không biết vì sao có tin đồn em bị đánh chết”
Trung tá Phạm Mạnh Quê, Đội trưởng Đội giáo dục - hồ sơ (trại giam số 3) người đồng hành cùng chúng tôi trong suốt buổi tiếp xúc với Lê Văn Luyện cho biết: "Sau khi chuyển trại về đây thụ án, phạm nhân Lê Văn Luyện được tổ chức cho học giáo dục công dân và học các quy định, nội quy của trại giam. Hàng ngày, cán bộ quản giáo thường xuyên tiếp xúc, trò chuyện, chia sẻ những tâm sự mà Luyện muốn trải lòng, nhằm cảm hóa y. Cho đến nay, phạm nhân Lê Văn Luyện cũng đã có những chuyển biến nhất định trong nhận thức".
Thấy Lê Văn Luyện tỏ vẻ ăn năn, anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi quay sang hỏi: "Thế bây giờ em đã an tâm cải tạo rồi chứ? Còn muốn chống đối cán bộ trại giam nữa không?". Luyện ngập ngừng, kèm theo cái lắc đầu: "Em... không dám nữa! Giờ em chỉ mong cải tạo tốt để bố mẹ và ông bà an tâm".
Khi chúng tôi hỏi: "Em có sợ bị các phạm nhân khác đánh đập vì tội ác đã làm không?", Luyện chỉ cúi mặt, đưa tay lên gãi gãi đầu rồi im lặng.
Còn nhớ, trong một số lần tiếp xúc với báo chí trước đây, Lê Văn Luyện vẫn thể hiện sự lạnh lùng, vô cảm, ánh mắt sắc nhọn cùng với câu nói: "Mặc đời trôi đến đâu thì trôi". Thế nhưng, lần này thì khác, ngay từ lúc đầu gặp PV báo ĐS&PL tại trại giam số 3 (bộ Công an, đóng tại địa bàn huyện Tân Kỳ, Nghệ An), Luyện không còn đưa ánh mắt dò xét hay có những câu nói bỗ bã. Càng về cuối buổi tiếp xúc, Luyện càng trở nên cởi mở, dễ chia sẻ hơn. Hắn ấp úng bảo: "Em cũng không biết vì sao lại có tin đồn em bị đánh chết. Từ khi về trại giam này, em cũng sợ bị các phạm nhân khác "xử"... Nhưng thực tế thì em không bị phạm nhân nào bắt nạt hay đánh đập gì cả. Bây giờ, đêm nào em cũng suy nghĩ, day dứt. Cũng chỉ vì em chẳng ra gì nên mới gây ra tội ác khiến cả nhà phải đi tù theo...".
Luyện trải lòng tiếp: "Gia đình em có 3 anh em trai, em là cả và thương thằng cu út nhất. Ngày em bị bắt, nó mới 3 tuổi, chưa hiểu gì cả. Trước đây, hồi còn ở nhà, em hay chơi đùa với nó, kiệu nó lên vai đi khắp nơi. Tháng 9 năm nay là nó đủ tuổi đi học lớp 1, không biết có còn nói ngọng như trước nữa không. Tự dưng em thấy nhớ nó quá!...".
Khi được hỏi về thông tin "trước khi bị bắt, Luyện có người yêu ở huyện Thường Tín, Hà Nội và tình cảm rất thắm thiết?", Luyện phủ nhận: "Đó chỉ là tin đồn thôi. Em cũng có thích một người ở quê nhưng không dám nói".
Không còn "muốn chết" nữa Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, đại tá Phạm Tiến Dũng - Giám thị trại giam số 3 cho biết: "Những ngày đầu khi Lê Văn Luyện được chuyển từ trại tạm giam Công an tỉnh Bắc Giang về đây, Luyện vẫn giữ thái độ vô cảm, ít nói. Luyện hầu như không nói chuyện hay va chạm với các bạn tù. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi các quản giáo và cán bộ tiếp xúc với Luyện nhiều hơn, Luyện đã trò chuyện, cởi mở hơn và bắt đầu thể hiện sự ăn năn, hối lỗi. Luyện không còn nói chỉ muốn chết nữa mà thay vào đó là muốn cải tạo tốt để phần nào chuộc lại lỗi lầm đã gây ra". |