Ngày 1/1 Tết Âm lịch hàng năm, hầu hết các chợ tạm đều nghỉ, riêng ở thôn Phong Thạnh, xã Gia Nghĩa, huyện Tuy Phước, Bình Định có một phiên họp chợ duy nhất trong năm, đó là Chợ Gò.
Đây là nơi vui xuân của người dân trong vùng cùng những người con Bình Định xa quê lâu ngày trở về. Phiên chợ mang đậm nét văn hóa miền đất Võ, có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.
Chợ Gò năm bên núi Trường Úc vào buổi họp mặt đầu năm.
Phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam
Chợ Gò họp trên một gò đất dưới chân núi Trưòng Úc, cạnh bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại, TP Qui Nhơn. Nơi đây đã sinh thành và nuôi dưỡng nên hồn thơ Xuân Diệu, hay ông tổ hát bội Đào Tấn, những người con đã làm rạng danh vùng đất Bình Định.
Khi những chùm pháo hoa trong đêm giao thừa cuối cùng vụt tắt, bà con quanh vùng í a í ới gồng gánh mớ trầu, buồng cau, bó rau muống, miếng thịt lợn…đến chợ bày bán. Trong thời khắc giao mùa, giữa cái lạnh se se của những cơn gió xuân lướt qua mặt, những cụ ông, cụ bà bán hàng bó sát chiếc áo ấm vào người, những bàn tay chai sạn nhăn nheo run run cầm chiếc đèn dầu le lói soi sáng đêm xuân, rọi vào mâm trầu cau của mình để giới thiệu với khách hàng.
Ai đến trước bày bán hàng trước, ai đến sau thì nối đuôi nhau bày hàng, cứ thế chủ các gian hàng xếp trật tự mà không lời qua tiếng lại tranh giành như các phiên chợ thường nhật. Những khách hàng mua lộc đầu năm là các đôi trai gái ở tuổi đôi mươi, họ khoác tay nhau mua mớ trầu chùm cau và chút vôi để thêm duyên thắm tình nồng của tình yêu đôi lứa.
Ngoài những gian hàng bán trầu cau và vôi ra, còn có hàng chục gian hàng bán đồ ăn thức uống. Toàn là các sản phẩm chính tay bà con miền quê tự trồng, tự làm. Những đặc sản “chính hiệu” địa phương như nem Chợ Huyện, rượu nếp và rượu gạo Trường Úc… Dù đi xa hay đi ngược về xuôi, người dân bản xứ vẫn thuộc hai câu ca dao: Rượu ngon Trường Úc mê ly/Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành.
Người đi chợ mua lấy may mắn đầu năm nên không ai mặc cả, không ai trả giá, họ không cò kẻ bớt một thêm hai như các phiên chợ buôn bán hàng ngày. Nhìn tổng quan chợ Gò có tính cách hội chơi vui xuân dân gian hơn là một phiên chợ trao đổi mua bán. Một điều đặc biệt là từ người bán đến khách hàng đều mặc quần áo mới, họ nói cười vui vẻ mặt tươi như hoa, các chị em phụ nữ phấn son trang sức lộng lẫy như đi dự đám cưới hay tiệc tùng.
Chúng tôi thấy, các mặt hàng trong chợ chỉ thiếu quần áo, vải, lụa là, còn lại các hàng hóa được chế biến từ nông nghiệp như các loại rau, củ, quả, đu đủ, bầu, mướp, thịt heo, bún song thần An Thái, nem nướng chợ Huyện...thì không thiếu gì cả. Hầu như các ngành nghề và món ngon mùi vị quê hương Bình Định đều tập trung về chợ Gò.
Một giờ sáng người dân đã nhen nhóm chợ
Rạng sáng, mặt trời ló dạng phía Đông, những tia nắng từ đỉnh núi Trường Úc chiếu xuống dần xua đi cái lạnh hơi sương. Lúc này khu vực gò đất bỏ trống hằng ngày trở thành một phiên chợ náo nhiệt. Hàng ngàn người dân từ khắp nơi đổ về tham dự chợ phiên, tạo nên không khí náo nhiệt, người mua kẻ bán tươi cười với nhau, người bán không phải vì mục đích sinh lợi, người mua cũng không phải mua về dùng mà là hái lộc đầu năm.
Cũng qua phiên chợ, nhiều chàng trai trẻ chen chúc liếc mắt đưa tình các thiếu nữ đang khoác những chiếc đầm, chiếc váy mới rực rỡ, nhiều đôi trai gái rủ nhau lên núi Trường Úc ngồi tâm sự, họ cầu năm mới may mắn và cùng ôn lại những chiến tích lịch sử hào hùng năm xưa của cha ông.
Cụ Nguyễn Thị Sô (76 tuổi, ngụ thôn Trung Tín), chủ gian hàng trầu cau cho biết: “Chợ Gò tuy một năm nhóm có một ngày, nhưng 40 năm qua, mỗi dịp Tết đến là tôi đều chọn trong vườn nhà mình những buồng cau, lá trầu đẹp nhất rồi gánh ra chợ Gò bán lấy lộc đầu năm. Theo tục lệ, khách hàng mua 12 lá trầu để tượng trưng 12 tháng trong năm, hai trái cau chín đỏ, một ít vôi Trường Úc và một chùm trái sung với ý nói lên sự sung túc giàu sang của mọi gia đình làm ăn trong năm mới”.
Ngồi cạnh đó, bà Lâm Thị Hòa (65 tuổi, ngụ Tuy Phước) bán đủ loại rau củ quả do vợ chồng bà trồng ở nhà, thấy chúng tôi ghé qua, bà Hòa tươi cười chào, chỉ tay vào thau nước có 6 – 7 chú cá chép đang tung tăng bơi lội, quẫy đuôi như mời chào khách hàng mua về phóng sinh. Còn ông Lâm Văn Xuân (69 tuổi) luôn miệng xuýt xoa những con tôm đồng đang nhảy tanh tách trong thau mà ông vừa đánh được ở mẻ lưới đầu năm...
Cây nhà lá vườn bày bán tại buổi chợ. Ảnh: T.G
Tuy chỉ nhóm có một ngày trong năm nhưng với sự sầm uất đa dạng và mang đậm nét văn hóa cổ truyền dân tộc, chợ Gò đã qua mặt hàng ngàn các chợ khác trong nước để được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xếp trong “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”.
Hội tụ các trò chơi dân gian
Không nói không rằng, những người đi chợ không ai quen ai nhưng khi gặp mặt họ cười nói với nhau như đã từng quen và trao nhau những lời chúc may mắn trong năm mới. Ngoài ra, chợ Gò không chỉ để mua sắm lấy lộc đầu năm mà còn có đủ các trò chơi vui xuân mang màu sắc dân gian như: Hát bài chòi, chơi lô tô, đánh cờ người, đấu võ…
Tương truyền, Chợ Gò có từ thời anh em nhà Tây Sơn. Ngày đó, Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn nơi đây để tập trung lực lượng đánh quân Nguyễn Ánh. Tại khu vực này, Nguyễn Huệ giao cho hai phó tướng là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng chỉ huy binh sỹ đóng quân phòng thủ ở cửa biển Thị Nại đề phòng giặc.
Một tiết mục văn hóa trong phiên chợ.
Ngày ngày thấy quân lính tâm sự nỗi xa nhà, cảnh người vợ trẻ ôm con chờ chồng, người mẹ già chiều chiều ra đứng ngóng con, Nguyễn Huệ hiểu được nỗi buồn của quân sĩ, nhân dịp Tết đến xuân về, ông cho mở lễ hội giải trí vui xuân, nhằm động viên tinh thần quân sĩ. Nghe vua Quang Trung tổ chức và thân chinh khai mạc lễ hội, người dân trong vùng nô nức kéo đến tham dự. Họ đem những sản phẩm cùng đặc sản từ tay mình làm ra dâng lên nhà vua cùng các tướng sỹ thưởng thức.
Cũng từ đây, vua Quang Trung tập hợp lương thảo và tiến quân thần tốc ra Bắc phá tan quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789. Để tưởng nhớ công lao của nhà Tây Sơn cùng với ý nghĩa của lễ hội dân gian được đích thân nhà vua khai mạc, 224 năm qua người dân địa phương cứ đến mùng 1 Tết là tổ chức buổi chợ Gò vui xuân.