Lỗ hổng y tế học đường

Ngày 15/01/2015 09:10 AM (GMT+7)

Trường khám sức khỏe qua loa. Nhiều trường đầu năm đưa học sinh đi khám sức khỏe xong rồi về cất hồ sơ vào tủ, coi như hết nhiệm vụ.

“Sau khi xảy ra sự việc đau lòng ở Trường THCS Phan Bội Châu khiến một học sinh (HS) có tiền sử bị động kinh tử vong, đối chiếu với hồ sơ khám sức khỏe của HS này lưu ở trường, tôi mới thấy công tác quản lý sức khỏe HS của các trường đang có lỗ hổng lớn”. Đó là trao đổi của bà Chung Bích Phượng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú (TP.HCM), với lãnh đạo các trường học trên địa bàn mới đây.

Không quan tâm tiểu sử sức khỏe học sinh

Theo bà Phượng, trong hồ sơ quản lý sức khỏe, mỗi HS đều có một phiếu theo dõi quản lý sức khỏe. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, phòng nhận thấy dù là mẫu phiếu mới hay cũ thì các trường cũng không quan tâm đến tiểu sử sức khỏe của HS. Các trường chỉ ghi tên trường, lớp, tên HS, quận nào là xong, các mục về tiểu sử sức khỏe đều bị bỏ trống. Điều này dẫn đến khi xảy ra tình huống một HS phát bệnh đột ngột, các trường sẽ không có cơ sở để xử lý tốt đối với sức khỏe em HS.

Trong các cấp học, duy nhất bậc mầm non có bộ theo dõi sức khỏe của các bé rất rõ và thực hiện xuyên suốt, còn khối tiểu học và THCS dường như không có.

Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cũng thừa nhận thông tin về sức khỏe HS rất quan trọng nhưng nhiều trường chưa chú trọng. Nhiều trường đưa HS đi khám sức khỏe đầu năm xong, về cất hồ sơ vào tủ là coi như hết nhiệm vụ.

“Đáng lẽ các trường phải yêu cầu đơn vị khám phải đưa ra kết luận những em nào cần quan tâm đặc biệt. Từ cơ sở này, các trường thông báo tường tận đến các giáo viên và phụ huynh biết, để khi những em này có dấu hiệu bất thường thì có cách sơ cứu kịp thời và đúng cách. Có như thế mới hạn chế nguy cơ tử vong như trường hợp đau lòng nói trên” - ông Tân lưu ý.

Lỗ hổng y tế học đường - 1

Học sinh Trường THCS Chánh Hưng (quận 8, TP.HCM) được thăm khám tại phòng y tế của trường. Ảnh: P.ANH

Giáo viên nắm không xuể

Một thực tế của y tế học đường đang diễn ra ở các trường là kinh phí chi khám sức khỏe đầu năm cho HS còn hạn chế, mỗi em chỉ mười mấy ngàn đồng. Vì vậy chất lượng khám sức khỏe còn hạn chế. Theo quy định, các trường phải kết hợp với các đơn vị y tế có chuyên môn như bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng… để khám toàn diện sức khỏe cho các em. Từ đó phân loại HS theo từng nhóm sức khỏe để nhà trường theo dõi nhưng thực tế hiện nay việc thăm khám này chủ yếu để theo dõi về các bệnh thông thường như cận thị, răng miệng, thừa cân béo phì... Còn những bệnh khác phụ huynh phải tự đưa các em đi khám bên ngoài và thông báo với nhà trường.

Về vai trò của giáo viên trong việc theo dõi sức khỏe HS trong nhà trường, bà Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng (quận 8), cho biết về nguyên tắc 100% giáo viên phải nắm hồ sơ bệnh án của HS nhưng thực tế chủ yếu chỉ giáo viên chủ nhiệm nắm. Nhà trường cũng chỉ sinh hoạt với các giáo viên chủ nhiệm chứ không thể làm việc xuể với hàng trăm giáo viên được.

Phó hiệu trưởng một trường THCS ở quận 3 cho biết Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, truyền thông về y tế nhiều nhưng chủ yếu cho cán bộ quản lý hoặc nhân viên y tế chứ không đến giáo viên. “Liên quan đến những tình huống rủi ro đối với HS, việc sơ cứu ban đầu là quan trọng nhất nhưng đây là điểm yếu của giáo viên. Sở nên có những lớp tập huấn, tuyên truyền sâu cho giáo viên về những kỹ năng sơ cấp cứu, cách xử lý tình huống, lưu ý… đối với những dạng bệnh quen thuộc hoặc tai nạn phổ biến. Có như thế mới hạn chế rủi ro xảy ra” - vị này góp ý.

Hai nguyên nhân gây đột tử

Sáng 13-1, đang tập đánh cầu lông cùng các bạn trong giờ thể dục, em HTTN (14 tuổi, lớp 8A4 Trường THCS Lam Sơn, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bất ngờ ngã xuống sân, miệng sùi bọt và tử vong sau đó. Hiện cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân gây đột tử của nữ sinh này.

Theo ThS-BS Trần Văn Sóng, Phó khoa phụ trách khoa Cấp cứu BV 115 (TP.HCM), đột tử ở trẻ hay người lớn tuổi thường có hai nguyên nhân chính là do tim mạch và do não.

Về tim mạch, trẻ đột tử thường do trên nền bệnh lý tim bẩm sinh như mạch vành, hở van tim… chưa phát hiện được, khi cơ thể gắng sức sẽ gây quá tải tim, gây ra ngất và tử vong… Có một số bệnh lý viêm mạch máu làm hẹp mạch máu nhỏ, trung bình, trong đó có mạch vành làm thiếu máu nuôi cơ tim, khi gắng sức sẽ gây nhồi máu cơ tim; hoặc viêm mạch máu tạo nên cục máu đông, khi gắng sức cũng gây thiếu máu và nhồi máu cơ tim… Đó là những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ.

Bên cạnh đó còn có rung thất hoặc nhanh thất cũng khiến trẻ đột tử. Ở trẻ, việc rung thất, nhanh thất thường do bệnh lý di truyền - bệnh Brugda nhưng thường gặp ở trẻ nam là chính.

Bệnh lý về não, trẻ bị vỡ dị dạng mạch máu não do những túi phình, đây không phải là bệnh lý do cao huyết áp mà do bẩm sinh. Thứ hai là do tình trạng viêm não cấp tính nhưng nó diễn tiến chậm là sốt, đau đầu, vào hôn mê và chết.

Về sơ cứu, hiện nay bệnh tiềm ẩn rất nhiều nguyên nhân, do vậy thầy cô giáo cần phải tìm hiểu để xử trí cho đúng. Trẻ cần phải khám chuyên khoa để bác sĩ tư vấn cụ thể nhằm sắp xếp học tập, thể dục cho trẻ đúng. Thí dụ như trẻ bị động kinh thì phải được bác sĩ nội thần kinh khám. Trẻ động kinh thường xảy ra co giật là do gia đình không quan tâm đúng mức, nếu trẻ điều trị đúng thì lâu lâu mới lên cơn. Với trẻ hoạt động một chút than mệt thì thầy cô giáo đừng nghĩ trò lười mà nên cho đi kiểm tra tim mạch. Một siêu âm tim đơn giản thì có thể biết tim bẩm sinh và trẻ này cần hạn chế hoạt động gắng sức.

DUY TÍNH ghi

24% đây là số nhân viên y tế học đường ở TP.HCM còn làm kiêm nhiệm. Hiện ở TP.HCM, 100% trường học đã có nhân viên y tế học đường.

Theo Phạm Anh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan