Siêu bão Hagupit đã yếu đi 3 cấp, hiện có hai phương án dự báo diễn biến của bão sau khi vào biển Đông là đi dọc bờ biển Nam Trung bộ hoặc sẽ suy yếu trên biển Đông nhưng vẫn gây mưa trên đất liền.
Tính từ khi đổ bộ vào bờ, do ma sát với các đảo miền Trung Philippines nên siêu bão Hagupit đã giảm 3 cấp. Hiện bão đang mạnh cấp 10, hoàn lưu của bão cũng có dấu hiệu thu hẹp lại nhưng đang còn những diễn biến rất phức tạp. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đã chỉ đạo các cơ quan chức năng “nhất quyết không được để sót một con tàu nào trong vùng dự báo nguy hiểm của bão”.
60% bão sẽ quét dọc bờ biển Nam Trung bộ
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (TT DBKTTV) Trung ương cho hay, đến 17h chiều nay bão Hagupit đang mạnh giữa cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, 12. Tuy nhiên, hoàn lưu gió mạnh từ cấp 8 trở lên đã thu hẹp lại, còn khoảng 100 km.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay lúc 16 giờ chiều nay (8/12), vị trí tâm bão Hagupit ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km/h), giật cấp 11 - 12.
Đường đi của bão Hagupit lúc 17h chiều 8/12. Nguồn: TT DBKTTV Trung ương
Dự báo của các Trung tâm dự báo lớn trên thế giới về diễn biến của bão Hagupit hiện đã tương đối giống nhau, đều cho rằng khi đi vào giữa biển Đông, bão Hagupit sẽ lệch về phía Nam, thời gian vào biển Đông khoảng vào sáng mai (9/12).
Ông Hoàng Đức Cường cũng thông tin: “Các dự báo đều hướng tới vùng biển Nam Trung bộ của Việt Nam. Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản đều dự báo sáng mai vào biển Đông, cường độ bão giao động từ cấp 9, cấp 10, khi bão tiệm cận đến bờ biển Việt Nam cường độ còn khoảng cấp 8”.
Các dự báo cũng cho rằng tốc độ di chuyển của bão càng vào sâu biển Đông càng đi nhanh hơn, khi tiệm cận bờ biển Nam Trung bộ Việt Nam có thể tăng lên 20 km – 25 km.
Như vậy, các trung tâm dự báo lớn trên thế giới đều có dự báo bão đi vào Nam Trung bộ Việt Nam, càng vào sâu biển Đông rồi sau đó là đất liền càng giảm cấp độ. Còn dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương vẫn đang có hai phương án với xác suất 60% - 40%.
Ở khả năng chiếm xác suất khoảng 60%, bão sẽ di chuyển dọc theo ven biển Nam Trung bộ. Khoảng ngày 12/12, bão có thể đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, có thể gây mưa cho Nam bộ khoảng 50 mm. Tuy nhiên, ở phương án này tồn tại một biến thể của bão là khi đi đến giữa biển Đông, bão sẽ thu hẹp nhanh lại. Nếu điều này xảy ra thì bão Hagupit sẽ mạnh lên giống như bão Durian hồi năm 2006, tàn phá rất nặng nề các tỉnh phía Nam.
Về biến thể xấu ở phương án này, theo ông Hoàng Đức Cường, đến ngày 10/12 tức khoảng trước khi bão ảnh hưởng đất liền 2 ngày sẽ có dự báo chắc chắn hơn.
Ở khả năng thứ 2 với xác suất khoảng 40%, bão Hagupit sẽ đi đến gần kinh tuyến 110, cách đất liền trên 100 km thì suy yếu và tan. Vùng nhiễu còn sót lại có thể kết hợp với không khí lạnh gây mưa khoảng 100 mm ở khu vực Quảng Ngãi – Bình Định.
‘Không được để sót một con tàu nào trong vùng nguy hiểm của bão’
Nhận định siêu bão Hagupit rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp, Bộ NN – PTNT đã sớm cử 3 đoàn công tác đi vào các tỉnh phía Nam trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão. Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho hay, hiện 3 đoàn này đã vào đến nơi, vừa làm công tác phòng chống bão vừa làm công tác phòng chống hạn hán đang xảy ra ở các tỉnh trên.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo cuộc họp chống bão tối ngày 8/12. Ảnh: Bảo Anh
Theo báo cáo của Bộ Tham mưu – Bộ đội Biên phòng, số liệu mới nhất tính đến cuối giờ chiều nay (8/12), biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm được hơn 45.400 phương tiện với tổng số hơn 196.600 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Bộ Quốc phòng duy trì hơn 3.600 phương tiện cùng người sẵn sàng túc trực ứng cứu các trường hợp khẩn cấp trong bão.
Hiện tỉnh Quảng Nam còn 2 chiếc tàu đang trên đường chạy lên đảo Bom Bay của quần đảo Hoàng Sa. Quảng Ngãi có 159 tàu, đến 17h chiều nay 8 chiếc đã về bờ. Bình Định hiện chỉ còn 16 chiếc với 130 lao động.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương chiều nay, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương nhận định, dự báo bão Hagupit vào biển Đông đã rõ ràng. Tuy nhiên, sau khi vào biển Đông còn nhiều phương án khác nhau như tan, yếu, co cụm lại thành cơn lốc…
Lo ngại ở khả năng diễn biến của bão Hagupit giống như diễn biến của bão Durian hồi năm 2006, tàn phá nặng nề các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng nói: “Chúng ta phải rất đề phòng với phương án bão vào Nam bộ, chỉ cần áp thấp nhiệt đới quật ở bờ biển Vũng Tàu, TP.HCM cũng rất nguy hiểm”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh về yêu cầu các địa phương nhất quyết không được để sót một con tàu nào trong vùng dự báo nguy hiểm của bão: “Trong ngày mai (9/12) và ngày 10 – 11/12, công tác chống bão chính tập trung vào tàu thuyền trên biển, khẳng định với người dân là bão sẽ vào, đủ mạnh để nhấn chìm tàu thuyền trên biển trên đường bão đi qua. Yêu cầu các địa phương kiểm đếm không để sót một con tàu nào ở vùng nguy hiểm từ vĩ tuyến số 10 đến vĩ tuyến số 17”.