Từng là loại cây mọc tự nhiên trong rừng, trước kia đói kém, người dân và bộ đội thường đào về ăn, ngày nay củ mài trở thành một loài cây có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập cho người nông dân.
Củ mài trong Đông y là một vị thuốc có tên gọi hoài sơn. Ngoài ra, dân gian còn gọi loại cây này bằng những cái tên khác nhau như củ mài, chính hoài, củ lỗ… Trước đây, củ mài mọc tự nhiên trên rừng. Thời kỳ đói kém, củ mài là một trong những lương thực giúp đồng bào ta chống đói. Trong thời kỳ kháng chiến, bộ đội ta cũng thường đào củ mài trong rừng để có được nguồn lương thực.
Cây củ mài thuộc họ nhà dây leo quấn, rễ củ, thân nhẵn, màu đỏ hồng, hơi góc cạnh, mọc củ ở nách lá. Lá mọc so le, có hình tim. Củ mài bên ngoài vỏ màu nâu xám, bên trong thịt mềm màu trắng. Khi dùng làm thuốc, đào củ mài vào mùa hè – thu, đây là thời điểm cây đã bị lụi, mang củ về rửa sạch, gọt vỏ, phơi sấy cho đến khi khô.
Trước đây củ mài mọc tự nhiên, là thứ ăn cứu đói của người nghèo
Ở nước ta, củ mài mọc tự nhiên rất nhiều ở các tỉnh miền núi (từ Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Quảng trị tới Lâm Đồng, Bình Phước…). Không chỉ là một loại thực phẩm bổ dưỡng, củ mài còn là một vị thuốc rất quý, được sử dụng nhiều trong những thang thuốc bổ lưu truyền hàng ngàn năm. Thay vì việc lên rừng đào mang về ăn, giờ đây người nông dân đã nghĩ cách trồng loại cây này, biến nó trở thành nguồn thu nhập chính cho gia đình.
Ở nước ta, củ mài mọc tự nhiên rất nhiều ở các tỉnh miền núi
Mùa trồng khoai mài bắt đầu từ tháng Chạp (âm lịch), đến tháng 2, tháng 3, hạt mới nẩy chồi. Qua thời gian sinh trưởng từ 9 - 10 tháng khi thân cây héo dần, lá rụng là lúc đó báo hiệu một chu kỳ phát triển kết thúc và cho thu hoạch.
Ngày nay, củ mài được người nông dân mang về trồng, mang lại giá trị kinh tế cao
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, xã Kim Long, huyện Châu Đức, Vũng Tàu) chia sẻ, trồng củ mài không đòi hỏi kỹ thuật cao, dễ chăm sóc, nhân công ít, vốn đầu tư thấp nhưng mang lại thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây khác.
Củ mài là giống cây hợp với thổ những đất rừng, có nhiều chất mùn và độ dốc thoai thoải. Củ của loại cây này không ưa nước, trồng khá giống với khoai lang. Khi trồng củ mài, người nông dân tạo luống với độ sâu vừa phải, trải phía dưới 1 lớp vỏ bao xi măng để hạn chế củ mọc sâu xuống đất, sau đó bón lót bằng phân chuồng và phân lân, kali, đạm rồi gieo hạt xuống và lấp đất kín hạt giống. Phía trên luống phủ rơm, rạ, cây khô có tác dụng hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho đất. Trong quá trình chăm sóc, chỉ cần làm cỏ và vun gốc cho cây.
Giá bán lẻ củ mài rơi vào khoảng 75 – 100 ngàn đồng/kg, tùy kích cỡ
Chia sẻ trên báo Dân Việt, anh Tuấn cho biết gia đình anh hiện đang có khoảng 14 ha, trong đó có 3 ha trồng khoai mài tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức; 11 ha trồng khoai mài tại xã Tóc Tiên, xã Sông Xoài, xã Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ, giá thu mua củ khoai mài tại vườn là 13.000 đồng/kg, không hạn chế số lượng. Doanh thu giao động từ 650 triệu đến 800 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư trực tiếp (không tính tiền thuê đất) cho một ha trồng khoảng 300 triệu thì lợi nhuận không hề nhỏ so với những cây trồng khác.
Những món ngon, bổ dưỡng từ củ khoai mài
Theo ghi nhận từ thị trường, hiện nay, giá bán lẻ củ mài rơi vào khoảng 75.000 – 100.000 đồng/kg, tùy kích cỡ. Người bán giới thiệu củ khoai mai có thể chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe như nấu chè đậu, nấu súp, nấu canh, hầm các món mặn, làm bánh...
Bán khoai mài trên chợ mạng, chị Ngọc Ánh (ở Hà Nội) cho biết: "Củ khoai mài lạ miệng, lại có nhiều chất dinh dưỡng, vừa mát vừa bổ dưỡng tốt cho sức khỏe, vì thế mà mấy năm gần đây nó được nhiều người tìm mua. Vào mùa, mỗi ngày tôi có thể bán vài yến khoai mài".