Đây là một trong những loại quả rừng nổi tiếng của vùng đất Tây Nguyên. Với giá trị dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon, quả kơ nia được nhiều người ưa chuộng.
Cứ vào khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm, khi quả kơ nia trên rừng chín rụng, người dân các tỉnh Tây Nguyên lại rủ nhau đi nhặt hạt về chế biến để bán.
Ông Rạc (ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) kể lại rằng, trước đây khi đi làm nương rẫy, người dân nơi đây nhặt quả kơ nia đập vỏ ăn sống cho đỡ đói. "Đây cũng là thứ quả ăn vặt của lũ trẻ trong làng thời còn nghèo đói, chúng thường hay nhặt những quả kơ nia chín rụng ở dưới gốc, dùng đá đập dập, bóc bỏ phần thịt quả, tách vỏ hạt và nhấm nháp phần nhân trắng bên trong, rất thơm và bùi. Sau này, khi cây kơ nia ít dần, nhiều người đã nhặt quả về nhà lấy hạt đem phơi khô để ăn dần và bán ra thị trường", ông Rạc cho hay.
Quả kơ nia mọc hoang dại trong rừng sâu
Đây từng là thứ quà vặt "cứu đói" của bà con các dân tộc ở Tây Nguyên lúc nghèo khó
Theo tìm hiểu, cây kơ nia có tên khoa học là Irvingia malayan, có nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây kơ nia có ở Quảng Nam đến một số tỉnh Nam Bộ, nhưng tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Đắk Lắk...
Cây kơ nia mọc hoang dại trong rừng sâu, thân gỗ lớn, tán cây thường có hình trứng, xanh quanh năm và có sức sống mãnh liệt, chịu hạn tốt, rễ cọc ăn sâu, nhiều rễ tỏa ngang nên ít bị đổ do mưa, bão. Loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với người đồng bào Tây Nguyên, đã đi vào không ít thơ, ca, nhạc, họa. Trong đó, bài hát Bóng cây Kơ nia khá nổi tiếng.
Hạt cây kơ nia vừa béo vừa bùi, thơm ngon
Quả kơ nia nhìn khá giống trái xoan, nhỏ bằng ngón chân cái người lớn, khi chín có màu vàng nhạt. Quả thường xuất hiện vào khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm. Khi chín, loại quả dại này rụng xuống đất, có vị ngọt, bên trong có nhân hạt có thể ăn được lúc còn tươi.
Để ăn được hạt kơ nia phải đặt quả trên một tảng đá theo chiều mở của vỏ, sau đó đập nhẹ cho quả nứt làm đôi. Nếu nhai sống sẽ thấy rõ mùi tinh dầu đặc trưng xông lên mũi cùng vị béo, ngọt trong vòm miệng. Ngoài ra, khi tách lớp vỏ cứng bên ngoài và rang với muối, hạt kơ nia sẽ dậy lên một mùi thơm rất hấp dẫn, phần nhân cũng trở nên thơm, béo và giòn tan.
Hạt kơ nia ăn sống hay rang lên đều rất hấp dẫn, có mùi vị giống hạt mắc ca
Vài năm trở lại đây, thứ hạt này được nhiều người biết đến, trở thành món ăn vặt được ưa chuộng. Du khách mỗi khi đặt chân đến vùng đất này đều tìm mua để mang về thành phố làm quà tặng cho người thân, bạn bè.
Trên thị trường, hạt kơ nia rừng Tây Nguyên bán với giá từ 120.000-200.000 đồng/kg, tùy loại hạt chín hay hạt sống, còn có cả hạt kơ nia rang muối cho khách lựa chọn. Loại hạt này bán chạy nhất vào thời điểm Tết Nguyên đán, các chị em mua hạt kơ nia thay cho hạt dưa, hạt bầu vì lạ lẫm và hương vị thơm ngon.
Trên chợ mạng và các sàn thương mại điện tử, hạt kơ nia có giá lên tới 200.000 đồng/kg
Người bán giới thiệu, hạt kơ nia được bọc bởi lớp lụa màu nâu, bên trong có nhân trắng, lúc rang lên ăn rất thơm và bùi như hạt mắc ca hay hạnh nhân. Đặc biệt, loại hạt này khá hiếm, là đặc sản của Tây Nguyên, mỗi năm chỉ có một mùa.
Chị Ngọc Anh (người bán các loại hạt trên chợ mạng) cho biết: "Tôi bán hạt kơ nia khô và hạt rang muối 2 năm nay, khách mua rải rác trong năm, dịp Tết thì rầm rộ hơn và lượng khách đặt mua cũng nhiều hơn, có khi còn cháy hàng. Mỗi ngày tôi bán vài chục cân hạt, khách mua ít cũng 0,5-1kg, khách mua nhiều 3-4kg mỗi lần".
Dịp Tết, hạt kơ nia còn trong tình trạng cháy hàng
Từng đặt 1kg hạt kơ nia rang mộc về đãi khách dịp Tết năm ngoái, chị Hạnh (ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, ai đến nhà cũng thử loại hạt này vì lạ, không phải nhà nào cũng có. "Bạn bè, đồng nghiệp đến nhà ai thử cũng tấm tắc khen ngon và hỏi địa chỉ để mua. Sẵn có người thân ở Đắk Lắk, năm nay tôi định nhờ đặt hàng để bán ở Hà Nội, chưa đến mùa nhưng đã có nhiều người đặt hàng trước", chị Hạnh cho hay.
Hiện nay, cây kơ nia đã bị chặt phá nhiều nên số lượng không nguồn hạt đôi khi không cung ứng đủ cho nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết. Đến mùa, bà con lại vào rừng nhặt hạt về chế biến rồi bán cho thương lái. "Trung bình mỗi ngày tôi nhặt được khoảng 3-5 kg quả, được các tiểu thương đến tận nhà mua với giá từ 100-150 nghìn đồng/kg. Công việc nhặt hạt Kơ nia không nặng nhọc, nhưng phải vượt đồi, vượt suối mới có thể đến được những cây Kơ nia", anh Rúng (ở Gia Lai) chia sẻ.