Quả rừng lạ lẫm xưa ít người biết, nay là đặc sản hiếm 210.000 đồng/kg nhiều người tìm mua

H.A - Ngày 20/09/2021 20:05 PM (GMT+7)

Loại quả rừng lạ lẫm này giờ là đặc sản có giá lên tới 210.000 đồng/kg, nhiều chị em tìm mua ăn thử.

Cây gùi có tên khoa học là Willughbeia cochinchinensis, là cây dây leo mọc hoang dại bạt ngàn trong các khu rừng ở vùng Đông Nam bộ và vùng phía Nam Tây Nguyên. Thân cây gùi thường to bằng bắp chân người, tỏa ra nhiều nhánh với chi chít cành nhỏ quấn chặt lên các thân cây khác để vươn lên, lá gùi mọc đối, có chóp nhọn. 

Trái gùi mọc hoang trong rừng sâu ở Đông Nam bộ và vùng phía Nam Tây Nguyên

Trái gùi mọc hoang trong rừng sâu ở Đông Nam bộ và vùng phía Nam Tây Nguyên

Vào khoảng tháng 2, tháng 3, hoa gùi nở bông trắng xóa. Đến tháng 5, tháng 6, những trái gùi rừng chín vàng căng mọng, lúc lỉu trên cành lá trong những cánh rừng hoang vu, đó cũng là thời điểm bà con dân bản rủ nhau leo núi, luồn rừng đi hái trái gủi về thưởng thức.

Tháng 5, tháng 6, những trái gùi chín vàng lúc lỉu trên cành cây cao tít tắp

Tháng 5, tháng 6, những trái gùi chín vàng lúc lỉu trên cành cây cao tít tắp

Bên trong quả gùi là những múi nhỏ, chua chua ngọt ngọt

Bên trong quả gùi là những múi nhỏ, chua chua ngọt ngọt

Khi còn non, trái gùi có màu xanh, sọc trắng nhạt, lúc đó nó có nhiều nhựa và chát, đắng, không ăn được. Đến khi quả chín, nó có kích thước gần bằng quả trứng gà, vỏ màu vàng, mỏng, bẻ ra phần ruột bên trong có những múi như múi mít. Trái gùi chín có vị chua chua, ngọt ngọt và mùi thơm đặc biệt, là thứ quả rừng được nhiều người yêu thích. 

Chị Hoài (ở huyện Hàm Tân, Bình Thuận) cho biết cây gùi ở trong rừng sâu và mọc rất cao, cao tới vài chục mét nên việc hái gùi rất vất vả. "Trước đây cây gùi mọc bạt ngàn trên núi, đến mùa trái gùi chín rụng đầy gốc, bà con dân tộc ai thích ăn thì vào rừng để hái. Còn bây giờ, thứ quả rừng này mang lại giá trị kinh tế, được nhiều người tìm mua vì mùi vị lạ lẫm và ngon miệng nên bà con hái về bán cho các thương lái".

Giờ đây, trái gùi không còn nhiều do diện tích rừng bị giảm nên số lượng cây gùi cũng đã giảm đáng kể

Giờ đây, trái gùi không còn nhiều do diện tích rừng bị giảm nên số lượng cây gùi cũng đã giảm đáng kể

Theo chị Hoài, người dân mất hơn 4 tiếng đồng hồ men theo những con đường mòn lên đỉnh núi, trên lưng lỉnh kỉnh dây thừng, bao tải, và cả nước uống và đồ ăn nữa. Một đoạn dây thừng ngắn cột ở thắt lưng, đầu còn lại buộc ở thân, cành cây chắc khỏe để bảo đảm an toàn khi thu hái. "Để hái được gùi cũng rất nguy hiểm, phải trèo lên những cành cao cách mặt đất 30- 50m, đu người ra các cành nhánh hoặc dùng móc kéo cành vào gần người để hái từng trái, từng chùm một, nếu để gùi rơi xuống đất thì sẽ bị hỏng, bán không được giá. 

Sau khi hái, trái gùi được xếp vào thùng, can nhựa, giữa mỗi lớp trái lại được chèn một ít lá rừng để tránh trái bị va đập, chà xát làm bầm vỏ và bán cho thương lái", chị Hoài cho biết thêm.

Muốn hái trái gùi, người dân phải leo lên những cành cây rất cao

Muốn hái trái gùi, người dân phải leo lên những cành cây rất cao 

Sau khi hái về, trái gùi được bán luôn cho các thương lái với giá 40.000-50.000 đồng/kg. Gùi sau khi hái không giữ được lâu vì chỉ khoảng 4-5 ngày quả sẽ bị hư. Ngày trước người dân thi thau vào rừng hái trái gùi, còn bây giờ chỉ có số ít người đi hái, vì thế thứ quả rừng này bây giờ khá hiếm. 

Trên chợ mạng, trái gùi được rao bán với giá lên tới 210.000 đồng/kg. Chị Hà Chung (ở TP.HCM, người bán đặc sản rừng núi trên chợ mạng) cho biết trái gùi có thể ăn cả vỏ hoặc lột vỏ tùy theo sở thích của người ăn, nhưng tránh cắn phải hạt vì hạt rất đắng. Khi ăn, cảm giác đầu tiên là vị chua ngọt, nhưng sau đó sẽ thấy vị chua tan biến, còn lại vị ngọt lạ và mùi thơm đặc trưng. Gùi còn có thể làm sinh tố, hòa quyện cùng đá và chút đường sẽ có một cốc nước giải khát thanh mát cho cơ thể những ngày nắng nóng. 

Quả rừng lạ lẫm xưa ít người biết, nay là đặc sản hiếm 210.000 đồng/kg nhiều người tìm mua - 6

Trái gùi rừng được bán trên chợ mạng với giá 210.000 đồng/kg

Trái gùi rừng được bán trên chợ mạng với giá 210.000 đồng/kg

"Tuy là thứ quả rừng lạ nhưng gùi rất đắt hàng, chuyến hàng nào tôi cũng bán trong 1-2 ngày là hết sạch. Nhiều người ăn lần đầu xong bị ghiền bởi mùi thơm và vị chua thanh hấp dẫn. Mỗi chuyến hàng tôi chỉ lấy được vài chục cân, gùi bây giờ hiếm và khó mua chứ không nhiều như hồi xưa. Được biết, do diện tích rừng bị giảm nên số lượng cây gùi cũng đã giảm đáng kể", chị Chung cho hay.

Xưa nghèo đói ăn đến chán ngán, giờ thành đặc sản cháy hàng 500.000/kg, nhà giàu lùng mua
Tóp mỡ - món ăn của một thời nghèo khó nay đã thành đặc sản giá đắt, được dân thành phố lùng mua khắp nơi.

Đặc sản 4 phương

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương