Có không ít TikToker làm nội dung hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư trên đường phố, thực hiện đúng mục đích, truyền cảm hứng tích cực, không chạy theo xu thế câu view.
Sau câu chuyện ồn ào Nờ Ô Nô bị chỉ trích vì quay video làm từ thiện nhưng sử dụng từ ngữ miệt thị người nghèo, trên MXH xuất hiện nhiều ý kiến khắt khe hơn về việc các TikToker làm nội dung thiện nguyện trên nền tảng này. Tuy nhiên, bên cạnh những “content bẩn”, vẫn có nhiều video được thực hiện đậm tính nhân văn, ý nghĩa, cùng một cách khai thác về nội dung giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố nhưng đem đến giá trị tích cực, không phản cảm.
Nờ Ô Nô làm nội dung thiện nguyện sử dụng từ ngữ miệt thị người nghèo gây ảnh hưởng đến cộng đồng TikToker
Quan Không Gờ mua những món ăn mềm cho các cụ già dễ tiêu hóa
Quan Không Gờ là TikToker đi theo mô típ gần giống với nội dung video của Nờ Ô Nô khi giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn được ăn món yêu thích. Tuy nhiên trong khi Nờ Ô Nô gây tranh cãi vì cách nói chuyện kém duyên thì Quan Không Gờ lại chiếm thiện cảm vì sự gần gũi, thân thiện.
TikToker Quan Không Gờ
Nam TikToker đang thực hiện chuỗi series “Ăn gì khó có Quan lo”, đến nay đã đăng tải được 46 phần. Đi khắp các cung đường Sài Gòn, Quan Không Gờ gặp những người nghèo, vô gia cư và hỏi thăm họ mong muốn ăn gì, tìm hiểu câu chuyện cuộc đời. Những video mà Quan Không Gờ gửi đến khán giả mang giá trị tích cực, cảm động và đầy ý nghĩa. Thậm chí khi gặp những người già, Quan Không Gờ tìm mua những món ăn mềm để dễ nhai nuốt hay sẵn sàng ngồi bệt xuống bên vệ đường cùng trò chuyện.
Ấn tượng với Quan Không Gờ trong các video làm thiện nguyện này là hình ảnh chân thực, cách trò chuyện gần gũi. Các video trong series "Ăn gì khó có Quan lo" đều nhận về từ vài triệu đến hàng chục triệu lượt xem và yêu thích. Những nụ cười hay giọt nước mắt hạnh phúc của các mảnh đời khó khăn khi được Quan Không Gờ giúp đỡ khiến người xem ấm lòng.
Quan Không Gờ thực hiện thành công chuỗi series làm thiện nguyện với chủ đề "Ăn gì khó có Quan lo"
Quan Không Gờ tên thật là Lê Nhựt Quan, sinh năm 2001, đến từ Vĩnh Long. Có lẽ vì học chuyên ngành Biên kịch truyền hình tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM nên Quan có tư duy tốt về biên kịch nội dung các video một cách chỉn chu nhất. Kênh TikTok của Quan Không Gờ hiện có 2,6 triệu lượt theo dõi và 70,5 triệu lượt yêu thích.
Mèo Sao Hỏa lễ phép khi trò chuyện với người lớn tuổi
Mèo Sao Hỏa là TikToker không xa lạ với giới trẻ, cô gái sở hữu nhan sắc xinh xắn, nhẹ nhàng. Bên cạnh những nội dung về làm đẹp, phối đồ, thỉnh thoảng Mèo Sao Hỏa còn chia sẻ video làm thiện nguyện.
TikToker Mèo Sao Hỏa
Không phải là hoạt động gì quá to tát, Mèo Sao Hỏa hướng đến sự đơn giản, ngẫu nhiên. TikToker này từng mua hết vé số của một bà cụ sau đó đi bán lại, số tiền thu được dùng để mua quà tặng cho những người vô gia cư. Hay những hoạt động ý nghĩa như: tặng bánh Trung thu cho các chú bảo vệ, xe ôm…, Mèo Sao Hỏa cũng thường xuyên đến các trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi, khuyết tật.
Những món quà Mèo Sao Hỏa gửi tặng có giá trị không lớn nhưng mang lại niềm vui tinh thần. Cô nàng được khen ngợi nhờ sự lễ phép, nhẹ nhàng và tinh tế khi trò chuyện cùng những hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt khi đi tặng quà cho người vô gia cư trên đường vào buổi tối, Mèo Sao Hoả luôn nhẹ nhàng đến đặt đồ bên cạnh, không đánh thức mọi người đang say giấc.
Mèo Sao Hỏa thường quay video ghi lại hành trình làm thiện nguyện tại Sài Gòn
Mèo Sao Hỏa tên thật là Dương Thị Phương, sinh năm 1999 đến từ Thanh Hóa. Nổi lên như một streamer về game, sau đó lấn sân sang TikTok, hiện hotgirl này đang sở hữu kênh TikTok có gần 4 triệu lượt theo dõi và hơn 92 triệu yêu thích.
Tun Phạm làm video chạm đến cảm xúc người xem
Thành công từ TikTok đem đến cho Tun Phạm những cơ hội về công việc lẫn khả năng giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Nam TikToker từng gây ấn tượng với video tặng hoa những người phụ nữ lao động trên đường phố, tặng bánh Trung thu cho người vô gia cư. Tun Phạm cũng thực hiện các video truyền động lực, cảm hứng sống vui vẻ, hạnh phúc cho những người xa lạ ngẫu hứng gặp trên đường.
TikToker Tun Phạm
Một nội dung về chủ đề làm thiện nguyện của Tun Phạm được người xem quan tâm đó là nhờ những người xa lạ cầm giúp hoa hay quà bất kỳ sau đó ngỏ lời tặng lại trong sự ngỡ ngàng. Giữa Sài Gòn xô bồ tấp nập, một món quà nhỏ bất ngờ từ người lạ khiến nhiều hoàn cảnh cô đơn trở nên lạc quan và có được niềm vui, tạm quên đi những khó khăn cuộc đời.
Tun Phạm từng chia sẻ trong những chuyến làm từ thiện của mình rằng: "Ước mơ của Tun sau này là có thể dùng tài năng và trí tuệ của mình để thay đổi cuộc đời của nhiều người. Và Tun bắt đầu làm từ những điều bé nhỏ xinh xinh, làm người tốt từ nhà ra phố".
Những hình ảnh ý nghĩa trong những lần làm thiện nguyện được Tun Phạm chia sẻ
Tun Phạm tên thật là Phạm Đức Huy, sinh năm 1997, đến từ Hà Nội. Anh chàng hiện đang có kênh TikTok 3,1 triệu lượt theo dõi và hơn 86 triệu lượt yêu thích. Bên cạnh TikToker, Tun Phạm còn đảm nhận các vai trò khác như dẫn chương trình, đóng MV, phim ngắn, quay quảng cáo…
Lâm Ống Húc rong ruổi khắp Sài Gòn, giúp người gặp khó khăn để trả ơn đời
Chắc chắn nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh chàng trai với vẻ ngoài bụi bặm, chạy chiếc xe máy chở thùng bánh mì, khẩu trang... đi phát cho người nghèo ở Sài Gòn trong thời điểm dịch Covid-19 năm ngoái. Đó là Lâm Ống Húc, làm nghề thợ mộc và có kênh TikTok gần 850.000 lượt theo dõi cùng 21,3 triệu lượt yêu thích.
Lâm Ống Húc và chuyến xe quen thuộc với người dân Sài Gòn trong mùa dịch
Trên chiếc xe máy “cà tàng”, Lâm Ống Húc rong ruổi khắp những cung đường Sài Gòn, gặp những người vô gia cư để tặng khi thì chai nước, hộp sữa, khi gói bánh và những tờ tiền đầy trân trọng. Lâm Ống Húc luôn dành thời gian trò chuyện gần gũi, thân thiết nhất, pha chút hài hước, không có khoảng cách với tất cả mọi người. Sự đơn giản, mộc mạc, có chút bụi bặm, phong trần chính là những gì khiến khán giả nhớ đến và yêu thích Lâm Ống Húc.
Lâm Ống Húc tên thật là Phạm Tùng Lâm, sinh năm 1991. Anh làm thiết kế nội thất gỗ tại TP.HCM. Câu chuyện xúc động đằng sau quyết định đi khắp Sài Gòn giúp người có hoàn cảnh khó khăn được Lâm Ống Húc chia sẻ là để trả ơn cho đời đã từng giúp đỡ ông nội. Trước đó khi ông nội không may đi lạc, anh đã đi tìm kiếm nhiều nơi và bắt gặp những người như ông bà mình lang thang trên đường phố. Sau vài ngày khi tìm được ông nội đang ngủ dưới mái hiên một nhà dân, Lâm Ống Húc nghe ông kể lại rằng nhiều người đi đường đã cho cơm ăn, ngủ nhờ và tiền dằn túi.
Rong ruổi trên chiếc xe máy và thùng hàng, Lâm Ống Húc "bán tình người" khắp Sài Gòn
Sau khi Sài Gòn hết giãn cách, Lâm Ống Húc vẫn duy trì những hoạt động thiện nguyện, giúp đời giúp người một cách chân thành và đáng quý nhất.
Làm thiện nguyện, phát huy tinh thần "lá lành đùm lá rách" là truyền thống tốt đẹp của người Việt, được gìn giữ và phát huy qua thời gian và thế hệ. Ngày nay, những người trẻ có cách làm từ thiện riêng để giúp đỡ mảnh đời bất hạnh, đó là điều đáng hoan ngênh. Nhưng dù ở thời đại nào, "của cho không bằng cách cho", dù là món quà nhỏ hay giá trị lớn, cách cho đi xuất phát từ tâm thiện lành mới thực sự đáng trân trọng và từ trái tim chạm đến trái tim.