Lời khuyên 'vàng' của bác sĩ dành cho các phượt thủ ưa mạo hiểm

Ngày 10/06/2016 19:00 PM (GMT+7)

Đi phượt cần phải chuẩn bị những gì, bị tai nạn khi đi phượt cần phải sơ cứu như thế nào... là những câu hỏi đang được đặt ra sau vụ tai nạn của du khách người Anh tại Fansipan.

Ngày 9/6, thi thể của du khách người Anh đã được tìm thấy ở Sapa (Lào Cai) sau nhiều ngày mất tích vì đi phượt leo núi chinh phục đỉnh Fansipan. Điều đáng nói, qua các chia sẻ trên facebook trước đó, du khách này khi bị nạn rơi xuống vách núi vẫn liên lạc được với bạn gái, sau nhiều giờ mới bị mất liên lạc.

Như vậy, có thể thấy được rằng, khi bị nạn rơi xuống vực du khách này vẫn còn sống chứ không tử vong ngay tại chỗ. Vậy câu hỏi đặt ra là với những trường hợp đi phượt mà bị nạn thì cần phải xử lý vết thương (nếu có) như thế nào và khi đi phượt cần phải chuẩn bị những gì để đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra?

Trước những thắc mắc trên, phóng viên đã có cuộc trao đổi với BS Vũ Thị Thu Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh – Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Thể thao Việt Nam) về vấn đề này. Theo BS Thủy, đi phượt là sở thích của mỗi người và đa số là được thực hiện đơn lẻ hoặc đi theo nhóm (câu lạc bộ phượt).

Lời khuyên #039;vàng#039; của bác sĩ dành cho các phượt thủ ưa mạo hiểm - 1

Hình ảnh "phượt thủ" người anh Aiden Shaw Webb trong chuyến leo núi mạo hiểm trước đây.

Thông thường, những tai nạn khi đi phượt thường gặp là tai nạn giao thông (khi di chuyển) và những tai nạn thương tích khi leo núi hoặc vượt địa hình. Những tai nạn thường gặp là cơ xương khớp và đa số tai nạn khi đi phượt thường ở mức độ nặng nên cần phải gọi cứu hộ ngay lập tức.

Trong khi đợi cứu hộ, những người đi cùng hoặc những người có mặt tại hiện trường cần thực hiện các bước sơ cứu đó là: cầm máu (để tránh mất máu của nạn nhân), bất động (để nạn nhân nằm im để tránh tình trạng xương gãy chọc vào các bộ phận khác của cơ thể), cuối cùng là giảm đau (giảm sốc chấn thương cho nạn nhân).

BS Thủy cũng cho biết, trong trường hợp bệnh nhân bị tai nạn thương tích nặng, cùng với việc ngừng thở. Lúc này, những người có mặt tại hiện trường nơi bệnh nhân bị nạn cần phải ưu tiên việc cứu sống nạn nhân bằng đảm bảo các chức năng sống cơ bản cho nạn nhân như: ép tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt…

Đối với các tai nạn như gãy xương tay, chân, cột sống (tại nạn rất hay mắc phải), BS Thủy cho biết cần phải nẹp cố định cho nạn nhân, việc này có thể làm bằng các loại cành cây thẳng và chắc chắn cùng với dây buộc (có thể là vải mềm), sau đó đợi cứu hộ đến trợ giúp.

Về những dụng cụ y tế cần thiết phải mang theo khi đi phượt, BS Thủy cho biết, các phượt thủ trước khi đi cung đường nào cũng phải tìm hiểu trước và khi đi cần phải mang theo một số những vật dụng thiết yếu như: bông băng gạc, một số loại thuốc và thậm chí là nẹp chấn thương.

“Để đảm bảo an toàn khi đi phượt, trước hết các phượt thủ cần tuân thủ đúng luật an toàn giao thông khi di chuyển và phải đi theo nhóm đông người để có thể hỗ trợ nhau khi bị nạn. Tuyệt đối không đi phượng một mình và không đi đến những nơi quá mạo hiểm, nơi có cảnh báo nguy hiểm. Bởi nếu một mình đi đến những nơi này, khi bị nạn sẽ rất khó để được sự ứng cứu kịp thời”, BS Thủy khuyến cáo.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phượt thủ người Anh mất tích ở Fansipan