Không tiếng giảng bài, chẳng có tiếng cô, cậu học trò thì thầm to nhỏ để thảo luận, các học sinh của lớp học đặc biệt này chỉ chú tâm đến một thứ có thể giúp họ sáng tạo, thể hiện được tâm tư của chính mình.
Khi những nét vẽ nguệch ngoạc tạo âm thanh
Trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp), lớp học đặc biệt của hoạ sĩ Văn Y chỉ mở cửa vào thứ 7 hằng tuần. Cũng như bao lớp học vẽ khác, từ xa nhìn vào đã thấy trên tường chi chít các tác phẩm của thầy và trò với đủ các thể loại từ chân dung, phong cảnh hay những bức hoạ trừu tượng với nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau.
Sở dĩ, lớp học đặc biệt ở chỗ là không có âm thanh giảng bài từ thầy giáo, tiếng trao đổi thảo luận của các cô, cậu học trò. Thay vào đó, họ trao đổi với nhau qua bằng những con chữ nguệch ngoạc hoặc ngôn ngữ ký hiệu. Bởi vì, học sinh của lớp là các bạn trẻ bị khiếm thính, câm điếc bẩm sinh, trầm cảm hoặc tự kỷ.
Xuất phát từ sự đồng cảm với các trường hợp không may bị khuyết tật, có căn bệnh về tâm lý, thầy Văn Y quyết định thành lập lớp học vẽ 0 đồng. Thời gian đầu, cả thầy và trò cứ ú ớ, "khua chân múa tay" để giao tiếp. Thầy Văn Y cho biết bản tính người câm, điếc thường rất dễ tức giận, khó kiềm chế trong hành động vì sự ức chế lâu ngày không thể nói ra. Vì vậy, khi đứng lớp thầy tự nhủ lòng mình phải kiên nhẫn, ân cần và chịu khó giao tiếp với các em thông qua giấy tập hoặc những dòng tin nhắn trên điện thoại.
Thành lập từ năm 2017, thầy Văn Y đặt tên cho lớp học là "Âm thanh hội hoạ" vì các em đến đây có thể nói lên tâm tư, suy nghĩ và tích cách của mình thông qua những nét vẽ.
Từ những nét vẽ nguệch ngoạc của học viên, họa sĩ Văn Y sẽ cầm tay, tận tình hướng dẫn, giúp họ sửa lại để có thể cho ra một tác phẩm nghệ thuật.
Đến với lớp học này, các học viên được phát miễn phí bảng vẽ, khung tranh, màu sắc... để thoải mái, thỏa sức với đam mê hội họa. Không chỉ thế, thầy Văn Y không thu tiền học phí, học viên chỉ cần yêu thích vẽ, muốn sáng tạo ra những tác phẩm của riêng mình là có thể xin thầy để đến lớp.
Từng có ý định đóng cửa lớp học vì không đủ thời gian duy trì, thầy Văn Y mất nhiều đêm dài trằn trọc suy nghĩ. “Năm nay tôi cũng đã ngoài 70, sức khoẻ cũng không còn như trước nên tôi cũng muốn ngừng lớp học. Nhưng nghĩ lại, nếu tôi đóng cửa, hàng chục đứa học trò không tiếp tục vẽ, không được nói lên tiếng lòng của mình thì các căn bệnh về tâm lý tiếp tục giày vò, khiến các bạn lại rơi vào trạng thái tự kỷ, trầm cảm, ít nói như trước” - người thầy xúc động tâm sự.
Những học viên của lớp học đặc biệt giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Thầy Văn Y xem lớp học của mình như niềm vui nhỏ ở tuổi xế chiều. Nhìn ánh mắt chăm chú, cặm cụi trong từng nét vẽ của đám học trò, thầy Văn Y càng tự hào vì quyết định tiếp tục truyền lửa, “lên dây cót” tinh thần cho các em là điều đúng đắn.
Người thầy U80 vừa cười, vừa nói, trong ánh mắt thể hiện rõ sự hạnh phúc và rất đỗi tự hào về các học viên của mình: “Sau khi tham gia lớp học, một số em có tiến triển tích cực hơn về tâm lý. Phụ huynh đến đây cảm ơn tôi rối rít vì đã tạo được không gian cho các bé sáng tạo, thoải mái vẽ những bức tranh mà chúng tưởng tượng trong đầu. Các em cũng rất miệt mài với nghệ thuật hội hoạ, có đứa chưa vẽ xong cũng xin thầy mang tranh về nhà rèn luyện, tô điểm hoàn thành tác phẩm”.
Vừa giúp trò kiếm thu nhập, vừa tạo giá trị đẹp cho đời
Bức tranh mà tác giả chính là những “họa sĩ khuyết tật” được bán ra sẽ thu về một khoản tiền nhất định. Thầy giáo tiết lộ chủ nhân của bức tranh sẽ nhận được 50% giá trị của tác phẩm, 25% sẽ dùng để duy trì lớp học như mua bảng vẽ, màu nước, khung tranh.
Bên cạnh truyền tải kiến thức về nghệ thuật, họa sĩ Văn Y còn dạy cho học trò của mình hiểu được rằng còn rất nhiều người kém may mắn hơn mình đang cần được giúp đỡ. Vì thế, các em sẽ dành một khoản tiền nhỏ từ lợi nhuận từ việc vẽ tranh để tặng cho cộng đồng. Do đó, 25% còn lại trong thu nhập từ tác phẩm sẽ dùng với mục đích thiện nguyện.
Thầy Văn Y luôn tự hào với tác phẩm của học trò. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 các em còn bí mật dành tặng một bông hoa nhỏ để thể hiện lòng tri ân với người thầy đã hai màu tóc.
Văn Chiến - 25 tuổi là thành viên lớp học, sinh ra đã bị câm điếc bẩm sinh nên trong giao tiếp với bạn bè, nam sinh chỉ dùng được ngôn ngữ ký hiệu hoặc gõ thông điệp muốn truyền tải trên điện thoại: “Học ở đây rất vui, vì có nhiều bạn bè mới, được vẽ tranh phong cảnh mà mình rất yêu thích”.
Còn anh Hải bị kém phát triển về trí tuệ, tuy đã hơn 30 tuổi nhưng đôi lúc lại có hành động cứ như đứa trẻ lên ba. Gắn bó với lớp được hơn 1 năm, trong suy nghĩ, hành động của Hải đã trưởng thành hơn trước rất nhiều. “Nhờ được vẽ mà tôi cảm giác bớt áp lực căng thẳng hơn, không còn đau đầu nhiều như lúc trước…” - anh Hải bộc bạch.
Để đánh giá tác phẩm của những đứa học trò đặc biệt, thầy Văn Y hết lời khen ngợi: “Đúng là ông trời không lấy của ai bất kỳ điều gì. Tuy các em có những khiếm khuyết nhất định nhưng bù lại các em vẽ rất đẹp. Có một số trường hợp mà tôi hay ví von là “Picasso nhí” vì phong cách vẽ, cách triển khai ý tưởng, phối màu và đi những đường nét đậm chất nghệ thuật”.
Thầy Văn Y vẫn miệt mài duy trì công việc hội hoạ và truyền đạt kiến thức, cách vẽ tranh nghệ thuật cho cô, cậu học trò đặc biệt của mình.
Nhìn các em say mê trong từng nét vẽ, toàn tâm toàn ý trong tác phẩm hội hoạ, thầy Văn Y càng thấy hạnh phúc vì công việc của mình. Người thầy năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn âm thầm cống hiến, truyền lửa nghệ thuật cho các thế hệ học trò.
Sắp tới, thầy ấp ủ dự định mở triển lãm tranh để đưa tác phẩm của hoạ sĩ khuyết tật đến gần hơn với những người yêu thích hội hoạ. Từ đó giúp các học viên của thầy có thêm nguồn thu nhập, động lực theo đuổi đam mê sắc màu, cọ vẽ…