Ngày hôm qua, mực nước lũ trên một số sông Nam Trung bộ và Tây Nguyên đạt và vượt các mức lũ lịch sử đã từng ghi nhận, 7 người chết và mất tích.
Gần 58.000 người dân chạy lũ
Cụ thể, báo cáo sơ bộ, chưa đầy đủ của các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai mưa, lũ đã làm 7 người chết và mất tích. 3 người chết thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai. 4 người mất tích thuộc các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Gia Lai, hiện vẫn chưa tìm thấy tung tích.
Trong ngày hôm qua (15/11), do mực nước lũ dâng quá cao, các tỉnh đã sơ tán, di dời nhân dân các vùng ven sông, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trũng thấp có nguy cơ bị ngập sâu đến nơi an toàn. Số người di dời lên tới khoảng 58.000 người thuộc các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Quảng Ngãi phải di dân nhiều nhất để tránh lũ với 13 huyện, thị, khoảng 11.538 hộ, tương đương 49.400 người.
Đến sáng nay (16/11), ngập lụt vẫn đe dọa ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Phú Yên. Lũ trên sông Kôn tại Thạch Hòa đạt mức 9,68m, trên báo động 3 tới 1,68m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử 1987 khoảng 0,24m.
Tại Thừa Thiên Huế, 7 huyện, thành phố bị ngập tại gồm Thánh phố Huế và các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thụy, Phú Lộc.
Quảng Ngãi vẫn bị ngập khu vực dọc sông Trà Khúc, Trà Câu, Thoa, Vệ tại 13 huyện, thành phố gồm thành phố Quảng Ngãi, các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tinh, Đức Phổ, Mộ Đức, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Bình Sơn, Minh Long, Trà Bồng và một số khu vực bị chia cắt.
Bình Định bị ngập khu vực dọc bờ sông Hà Thanh, Côn, La Tinh tại 8 huyện, thành phố gồm thành phố Quy Nhơn, các huyện Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Phù Mỹ.
Phú Yên và Gia Lai hiện mỗi tỉnh bị ngập 3 huyện.
Lũ bao vây Quảng Nam, người dân dùng thuyền chở xe máy
Cố đô Huế bị bao vây trong biển nước (Ảnh: Khampha.vn)
Thừa Thiên Huế - Phú Yên và Gia Lai phòng lũ lớn
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương cảnh báo các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Gia Lai Cần cần tiếp tục đề phòng sạt lở đất tại vùng núi, ven sông và tình trạng ngập lụt tại vùng trũng, đồng bằng.
Trưa, chiều nay (16/11), lũ hạ lưu sông Thu Bồn sẽ đạt đỉnh; hạ lưu sông Ba sẽ đạt đỉnh vào sáng sớm mai (17/11).
Đỉnh lũ tại Câu Lâu đạt mức 4,6m, trên báo động 3 khoảng 0,6m, tại Hội An đạt mức 2,7m, trên báo động 3 là 0,7m; tại Ayunpa đạt mức 156,6m, trên báo động 3 là 0,6m.
Lũ các sông khác từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Đến tối nay, các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Khánh Hòa xuống mức báo động 2 – báo động 3.
Riêng hạ lưu sông Vu Gia, sông Vệ và sông Kôn xuống mức báo động 3, có nơi còn trên báo động 3; các sông ở Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên xuống mức báo động 1 – báo động 2.
Ngày hôm nay (16/11), Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã cử đoàn công tác do Thứ trưởng – Phó trưởng ban thường trực đi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để chỉ đạo đối phó với mưa, lũ.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Trưởng ban Phòng chống lụt bão trung ương đã có công điện hỏa tốc yêu cầu các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Tây Nguyên khẩn cấp phòng chống lũ lụt; trực tiếp gọi điện đến Lãnh đạo Ủy ban nhân dân một số tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên để chỉ đạo đối phó với diễn biến của mưa, lũ, đặc biệt là lũ tại sông Trà Khúc, sông Vệ lên mức tương đương lũ lịch sử, sông Ba vượt lũ lịch sử 2,2m.