Thay vì ủng hộ mỳ tôm, các đoàn từ thiện có thể giúp đỡ người dân vùng lũ bằng các vật dụng khác để tránh tình trạng đồ thì thừa quá nhiều, đồ lại không có để dùng.
"Ủng hộ mỳ tôm trong lúc lũ cao là không cần thiết"
Những ngày vừa qua, các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh vào đến Thừa Thiên Huế mưa lũ vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhiều địa phương nước vẫn tiếp tục dâng cao, hàng vạn ngôi nhà và các khu dân cư bị nước lũ nhấn chìm.
Để chung tay giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn, những ngày vừa qua nhiều cá nhân, tổ chức đã trực tiếp đến các tỉnh bị ảnh hưởng lũ lụt để chia sẻ, động viên cả về vật chất và tinh thần với người dân.
Đại đa số các đoàn từ thiện đến vùng lũ làm từ thiện, hỗ trợ bà con nhân dân đều tập trung vào mặt hàng nhu yếu phẩm như quần áo, chăn màn và một “đặc sản” không thể thiếu được đó là mỳ tôm. Có một số ý kiến cho rằng việc ai đi từ thiện ở vùng lũ cũng mang mỳ tôm là không cần thiết, vì cái cần của người dân hiện nay chưa chắc đã phải là mỳ tôm.
Đặc biệt, MXH đang xôn xao về bài viết có tiêu đề "Người dân vùng lũ cần gì?" (1.8 nghìn like, 1.2 nghìn lượt chia sẻ) của một người có tài khoản là Nguyễn Phước Nhâm. Qua giới thiệu, người này tự nhận là sinh ra và lớn lên tại miền Trung, đã từng sống chung với lũ và chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng mỗi mùa lũ đến. Điều thu hút sự chú ý trong chia sẻ này là kêu gọi mọi người khi đi làm từ thiện nên hạn chế tặng mỳ tôm vì nhiều trường hợp không thật sự cần thiết, gây lãng phí. Đồng thời, người này có liệt kê nhiều vật phẩm mà người dân vùng lũ đang cần như: đèn pin, nước sạch, áo phao, thuốc men, sản phẩm vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em.
Chia sẻ của tài khoản Nguyễn Phước Nhâm đang thu hút sự chú ý trên MXH
Ngay sau khi xuất hiện bài viết, có rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, nhiều người cho rằng đây là góp ý rất chân thành, phù hợp vì vùng lũ đang thiếu nhiều thứ khác và nên nói thẳng để các nhà hảo tâm biết, tránh tình trạng dư thừa quá mức mỳ tôm.
Anh Lê Văn Trung (hay còn gọi là Trung Lê, Chủ nhiệm CLB Sẻ chia sự sống ở Hà Nội) – người đã tham gia công tác thiện nguyện được hơn 10 năm - hoàn toàn đồng ý với quan điểm cần hạn chế hoặc không nên mang mỳ tôm đến vùng lũ ủng hộ người dân, có nhiều thứ khác còn quan trọng hơn nhiều.
Việc quá nhiều người ủng hộ mỳ tôm là không hợp lý, nhất là trong mùa lũ.
“Quan điểm của tôi là không nên ủng hộ mỳ tôm ở vùng lũ. Lý do thứ nhất, ai cũng ủng hộ mỳ tôm thì số lượng mỳ quá lớn, người dân không thể sử dụng hết được, trong khi điều kiện bảo quản trong mưa lũ sẽ không được lâu.
Lý do thứ hai, người dân vùng lũ miền Trung nước ngập lên tận nóc nhà thì lấy đâu chỗ để nấu mỳ tôm ăn. Họ không thể ăn sống mỳ tôm từ ngày này sang ngày khác. Thậm chí trong điều kiện nấu cũng không có vì nước ngập củi ướt, bếp hỏng, điện mất.
Lý do thứ ba, trong tất cả các trận lũ lụt chỉ thấy người dân chết vì lũ cuốn trôi, sạt lở đất chứ chưa ghi nhận ai chết vì đói cả. Hơn nữa, nhà nước luôn có các kho lương thực cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp nên dân không bao giờ sợ chết đói”, anh Trung nêu quan điểm.
Có nhiều cách để ủng hộ người dân mùa lũ mà người dân đang cần như nước sạch, áo phao,...
Cũng giống như mỳ tôm, anh Trung cho rằng mọi người không nên ủng hộ bà con chăn ấm vào lúc này. Đa số mọi người nghĩ mưa lũ sẽ rét nên mua chăn để ủng hộ, tuy nhiên ở vùng lũ nhà ngập người dân ngồi trên nóc nhà thì chăn không tác tác dụng. Còn khi được cứu hộ, cứu nạn tới nơi an toàn thì người dân sẽ được các đơn vị lo cái ăn, cái mặc.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, có lòng hảo tâm kêu gọi ủng hộ cho người dân vùng lũ lúc khó khăn là tốt nhưng cần cân nhắc xem nên ủng hộ gì cho hợp lý với người dân thì không phải ai cũng hiểu”, anh Trung nhắc lại.
Dân cần các vật dụng đảm bảo an toàn cho tính mạng hơn là đồ ăn
Với kinh nghiệm nhiều năm đi làm thiện nguyện của mình, anh Trung cho rằng khi lũ về người dân cần các vật dụng đảm bảo sự an toàn bản thân hơn lúc nào hết. Đó là những nhà nổi được thiết kế theo quy chuẩn, đó là những chiếc áo phao, là những ca nô cứu trợ, nước sạch…
Khi lũ miền Trung lên cao, anh Trung nhận được không ít thông tin cần cứu trợ, nhưng không có ai kêu gọi cần hỗ trợ mỳ tôm. (Click để xem ảnh đúng kích cỡ)
“Trước tôi đi thiện nguyện tại Quảng Bình nên nhiều bà con có số điện thoại hoặc facebook của tôi, vì thế trong 2 ngày qua có rất nhiều người gọi điện thoại nhờ tôi giúp đỡ. Cái họ cần không phải là mỳ tôm, bánh mỳ mà họ chỉ nhờ giúp cho họ áo phao, đèn pin hoặc nếu có thể thì gọi giúp ca nô đến đưa họ đến nơi an toàn.
Ngay lập tức chúng tôi đã huy động mọi mối quan hệ, nhờ hoặc thuê ca nô vào tận những nhà dân đang mắc kẹt để giải cứu họ. Toàn bộ chi phí xăng dầu, thuê phương tiện chúng tôi sẽ bỏ ra, đó cũng là một cách từ thiện chứ không cần phải mua mỳ tôm”, anh Trung nói.
Ngoài thuê ca nô đi hỗ trợ người dân, anh Trung cùng các thành viên cũng mua rất nhiều áo phao để tặng người dân vùng lũ. Điều đáng buồn nhất là trong khi đồng bào đang khốn khổ không ít người buôn áo phao đầu cơ, đẩy giá tăng lên theo nước lũ.
Anh Trung Lê cùng các thành viên trong CLB ủng hộ áo phao cho học sinh ở nơi thường xảy ra lũ lụt.
Ngoài những vấn đề trên, việc ứng phó với lũ cần phải được tuyên truyền sâu rộng cho quần chúng nhân dân và luôn có tinh thần chuẩn bị trước, không nên chủ quan. Điển hình như việc dựng những chiếc nhà phao tránh lũ.
“Nhiều người đặt câu hỏi nhà phao lũ cuốn đi mất, nhưng điều đó không đúng vì nhà phao tránh lũ này có quy cách thiết kế và có hướng dẫn nên đặt chỗ nào. Chúng tôi đã ủng hộ bà con bằng cách dựng những chiếc nhà phao với chi phí chỉ 28 triệu đồng/1 nhà phao và có giá trị sử dụng 15 năm. Đó cũng là một cách từ thiện vừa thiết thực lại vừa an toàn, sử dụng được lâu dài, bền vững”, anh Trung chia sẻ.
Nhà phao tránh lũ là giải pháp an toàn mà bất cứ người dân nào cũng cần trong mùa lũ.
Từ thiện vùng lũ là vấn đề không đơn giản, anh Trung cũng khuyên nếu đoàn từ thiện nào không có kinh nghiệm sông nước thì không nên đến trực tiếp mà có thể từ thiện bằng nhiều cách khác nhau để đảm bảo an toàn tính mạng bản thân.
Ngoài ra, việc thiện nguyện sau lũ qua đi cũng rất quan trọng vì cuộc sống người dân khi đó bị đảo lộn hoàn toàn, đời sống khó khăn thực sự. “Sau khi lũ qua, đi theo kinh nghiệm của tôi là nên mua hỗ trợ các làng, bản máy bơm sục giếng vì nhu cầu nước sạch lúc đó rất quan trọng. Ngoài ra, có thể ủng hộ bà con máy phát điện, thuốc men, có điều kiện thì nên ủng hộ tấm lợp, vật dụng để sửa sang lại chỗ ở…”, anh Trung nhấn mạnh.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai mưa lũ, tính từ ngày 6 đến hết ngày 18/10, tại các tỉnh miền Trung đã làm 84 người chết, 38 người mất tích, 52.933 nhà bị ngập (Quảng Trị: 41.878 nhà; Quảng Bình: 11.055), 24.734 nhà bị hư hỏng, sập đổ. Hiện hàng ngàn người dân ở vùng lũ Quảng Bình, Quảng Trị... đang gặp nguy hiểm khi tứ phía nước lũ bao vây. Xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng kêu cứu hoảng loạn trong đêm và cả trên MXH. Hơn lúc nào hết, người dân cả nước đang biến tình thương thành những hành động thiết thực để giúp đỡ đồng bào miền Trung chống chịu với lũ quét và tai nạn sạt lở đất kinh hoàng. |