Mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đường trên địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam bị ngập sâu, sạt lở, đường sắt, QL1A qua Quảng Nam, Huế bị "cắt tuyến"...
Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai cho biết: Tới tối nay (11/10) hậu quả của mưa lũ miền Trung đã khiến 30 người chết và mất tích.
Lực lượng CSGT Quảng Nam nỗ lực đảm bảo giao thông khu vực bị ngập lụt
Cụ thể, số người chết: 17 người (Quảng Bình: 1, Quảng Trị: 6, Huế: 3, Quảng Nam 3, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đăk Lăk 01, Lâm Đồng 1); tăng 8 người so với báo cáo nhanh ngày 10/11/2020 (Quảng Bình 1, Quảng Trị 3; Huế 1, Quảng Nam: 2, Lâm Đồng 1).
Số người mất tích: 13 người (Quảng Bình 1, Quảng Trị 6, Huế 1, Đà Nẵng 4, Gia Lai 1), giảm 1 người ở Quảng Trị đã tìm thấy thi thể, tăng 3 người ở Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng.
Thêm áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão đổ bộ miền Trung
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 6 kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ nay đến ngày 13/10, ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế khoảng 300-500mm, có nơi trên 500mm; các tỉnh/thành Quảng Bình, Đà Nẵng khoảng 150-250mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Ngãi từ 100-200mm.
Ngoài ra, cũng từ chiều nay, trên vùng biển Đông Bắc Biển Đông xuất hiện một áp thấp nhiệt đới. Cơn áp thấp nhiệt đới này có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển hướng về vịnh Bắc Bộ trong ngày 13-14/10.
Dự báo đến 13h ngày 12/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Vùng nguy hiểm do áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,5 đến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ 115,0 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Nước lũ "tái xuất" trong đêm, QL1 qua Huế lại bị nhấn chìm
Nước lũ dâng cao trở lại, QL1 đoạn phía Bắc thị xã Hương Trà đang bị tái ngập trở lại khá sâu
Ghi nhận của PV Báo Giao thông tối 11/10, nước lũ tràn qua mặt đường QL1 tại đoạn Km 808 QL1 phía Nam cầu An Lỗ vào đến phía Bắc thị trấn Tứ Hạ (thị xã Hương Trà). Đến hơn 20h tối 11/10, nước tiếp tục lên nhanh khiến đoạn QL1 này ngập nặng.
Nhiều phương tiện "đánh liều" đi qua đoạn nước lũ này. Đáng kể, tại đây có 2 đoạn ngập sâu nguy hiểm, gồm đoạn điểm mở dải phân cách gần cây xăng dầu đang bị nước lũ “bủa vây”, nước chảy tràn qua mạnh và đoạn phía Bắc gần tuyến đường nối từ QL1 vào Trung tâm Y tế thị xã Hương Trà. Ô tô gầm thấp chạy qua cũng nguy cơ chết máy.
Ô tô gầm cao lưu thông qua đoạn QL1 Bắc thị xã Hương Trà đang tái ngập lụt tối 11/10
Hiện tại, tại huyện Phong Điền và thị xã Hương Trà trời đang mưa khá to. Nhân viên Hạt Quản lý đường bộ Trùng Phương và xe ô tô bán tải chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đang ứng trực tại đoạn QL1.
Đáng chú ý, đoạn Km 808 QL1 đang bị tái ngập tối 11/10 cũng là đoạn QL1 đã bị ngập sâu, lực lượng chức năng đã phải ứng trực đảm bảo giao thông từ đêm 9/10 cho đến chiều tối 10/10.
Xe lực lượng CSGT có mặt để đảm bảo giao thông
Tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh tại ga Văn Xá (thị xã Hương Trà) chìm sâu trong nước tối 11/10
Trước đó, Báo Giao thông đưa tin, từ chiều tối nay (11/10), Khu gian Văn Xá – Huế đường sắt đang bị ngập nước 250mm trên mặt ray, khiến hoạt động đường sắt bị gián đoạn.
Tương tự, tại đoạn Khu gian Mỹ Chánh - Phò Trạch, từ Km 656+ 600 – Km 656+900, Km 654+400 – Km 657+100 cũng bị nước lũ uy hiếp, khiến tàu di chuyển qua khu vực này phải chạy với tốc độ chậm 5km/h. Khu gian Hiền Sĩ – Văn Xá lúc 16h ngày 11/10, đường số 2 chạy tàu tốc độ 5km/h.
Riêng Khu gian Văn Xá - Huế , đoạn Km 681+270 – Km 681+470, Km 682+500 – Km 682+700, Km 683+300 – Km 683+500 bị nước ngập trên đỉnh ray và chảy xiết, cấm tàu chạy qua kể từ 15h20 ngày 11/10.
Thừa Thiên - Huế bác thông tin “hồ Hòa Mỹ bị vỡ” Tối 11/10, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay có một số thông tin trên mạng nói hồ chứa nước Hòa Mỹ (tại huyện Phong Điền) bị vỡ. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, qua kiểm tra và hỏi thông tin từ ông Đỗ Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế thì hồ vẫn an toàn. “Mọi người lưu ý các thông tin sai lệch, trước đó cũng có thông tin 1 số hồ đập ở Phú Lộc bị vỡ”, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh. |
Đường sắt, QL1A qua Quảng Nam, Huế lại bị mưa lũ "cắt tuyến"...
Chiều tối 11/10, Chi nhánh vận tải Đường sắt Huế cho biết, hiện Khu gian Văn Xá - Huế đang bị ngập nước 250mm trên mặt ray, do đó đối với phía Bắc tàu chạy đến Đông Hà (tỉnh Quảng Trị), còn phía Nam chạy từ Huế đến TP. HCM và ngược lại.
Theo Chi nhánh vận tải Đường sắt Huế, hiện tại tạm thời nhận khách như vậy để chở thông đường, ngày 3 đôi gồm tàu SE 7, 8, 1, 2, 3, 4. Trước đó, từ 13h10 ngày 9/10, khi đoạn Km 656 tuyến đường sắt Bắc Nam trên khu gian Phò Trạch - Mãy Chánh bị ngập, hoạt động chạy tàu bị gián đoạn. Để đảm bảo đi lại cho người dân, ngành Đường sắt phải chuyển tải hành khách đi tàu bằng xe ô tô, từ ga Phò Trạch ra ga Mỹ Chánh, từ ga Mỹ Chánh vào ga Huế và ngược lại.
Tuyến đường sắt Bắc Nam xuất hiện thêm điểm ngập lụt mới, giao thông bị gián đoạn
Cùng ngày (11/10), đoạn Khu gian Mỹ Chánh - Phò Trạch, từ Km 656+ 600 - Km 656+900, Km 654+400 – Km 657+100 nước chảy xiết và lên nhanh, sau đó nước đã rút dần và đến 16h ngày 11/10 chạy tàu tốc độ 5km/h. Khu gian Hiền Sĩ – Văn Xá lúc 16h ngày 11/10, đường số 2 chạy tàu tốc độ 5km/h.
Tại Khu gian Văn Xá - Huế , đoạn Km 681+270 - Km 681+470, Km 682+500 - Km 682+700, Km 683+300 - Km 683+500 bị nước ngập trên đỉnh ray và chảy xiết, cấm tàu chạy qua kể từ 15h20 ngày 11/10. Trong ngày 11/10, tàu SE1 đến ga Đông Hà giải thể, lập tàu SE2 quay ra Hà Nội. Ga Huế lập tàu SE1 xuất phát đúng giờ của hành trình.
Tại Quảng Nam, mưa lũ tiếp tục làm ngập trong 48 giờ qua tại một số điểm trên tuyến QL1A đoạn qua huyện Thăng Bình, Phú Ninh. Để đảm bảo giao thông, Cục QLĐB III đã chỉ đạo Chi cục QLĐB III.1, lực lượng quản lý triển khai các biện pháp cảnh báo, cảnh giới, phân luồng giao thông.
Nhiều tuyến đường Đà Nẵng, Quảng Nam gia tăng sạt lở
Ngày 11/10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng cho biết, vừa có báo cáo về tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn thành phố những ngày qua.
Cụ thể, tại huyện Hòa Vang có 9/11 xã cùng 4.597 hộ dân bị ngập lụt. Riêng các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương ngập sâu. Các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ cũng xuất hiện tình trạng ngập cục bộ. Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố bị ngập nước nặng.
Các tuyến đường ADB5 tuyến Hòa Liên - Hòa Bắc sạt lở; đường bê tông 90m gần đoạn Cầu Quảng xã Hòa Liên; khu vực cống tuyến đường ĐH 409 đoạn gần Đình Lệ Sơn - Hòa Tiến; đường ĐT 601 tại thôn Quan Nam 3; đường nhựa tại Suối Hoa xã Hòa Phú đều bị sạt lở với khối lượng từ vài m3 đến hàng chục m3. Khu vực núi Sọ sạt lở 20 m3.
Toàn bộ phao trên các tuyến sông (186/193 phao tuyến đường thủy nội địa và 46/46 phao tuyến đường thủy Quốc gia) đều bị trôi lệch và nhấn chìm.
Tính đến sáng 11/10, tại TP Đà Nẵng vẫn còn 3 người dân mất tích, gồm: 1 người trượt chân tại khu vực sau tràn Hồ Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang) và 2 ngư dân cùng tàu cá mất tích trên biển Sơn Trà.
Về tàu thuyền, có 1 ca nô du lịch công suất 220CV của ông Lê Công Định (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) bị chìm khi đang neo đậu tại bờ sông Cu Đê. Có 3 tàu cá bị chìm khi đang chạy về cảng cá Thọ Quang, ngư dân được cứu kịp thời.
Tại tỉnh Quảng Nam, mưa lớn liên tiếp những ngày qua cũng đã khiến nhiều tuyến đường quốc lộ qua địa bàn bị sạt lở 68 điểm, bồi lấp với khối lượng khoảng 53.000m3. Các lực lượng chức năng đã huy động phương tiện, nhân công hót dọn sạt lở, dọn cây xanh đổ gãy đảm bảo giao thông bình thường. Các tuyến đường giao thông địa phương có 285m đường bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng sạt lở khoảng 55.378m3.
Theo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, tổng số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên biển là: 95 tàu/3.117 lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Việt Nam), có 5 tàu đang chạy vào bờ.
Do mực nước ở các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao đã khiến một số khu vực bị ngập. Địa phương đã sơ tán 533 hộ dân với 1.677 người tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Tây Giang, Nam Trà My. Đến thời điểm hiện tại, 18 hộ với 69 người đã trở về nhà sau khi nước rút.
Trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận một trường hợp tử vong do điện giật khi đang dọn nhà chạy lũ. Ngoài ra, có 73 ngôi nhà bị thiệt hại cùng 30 điểm trường bị ngập, sạt lở. Các thủy điện trên địa bàn tỉnh đang điều tiết nước về hạ du để chuẩn bị đón đợt mưa lớn sắp tới do ảnh hưởng của bão số 6.