“Đã hơn 2 lần tôi tìm cách tự tử tại nhà, nhưng chắc ông trời thương 3 mẹ con tôi, nên những lần đó con tôi đều phát hiện và kêu to, khóc òa…”.
Vào 4 năm trước, một tai nạn giao thông đã cướp đi cánh tay trái của chị Kim Trâm. Đây là cú sốc đối với chị vì bản thân chị Trâm là lao động chính trong nhà, phải nuôi 2 con nhỏ ăn học.
Sau tai nạn, nỗi đau lại chồng thêm nặng trĩu không chỉ ở thân xác mà còn tâm hồn của chị. Chồng đòi ly dị, hôn nhân tan vỡ, gánh nặng kinh tế lại đè nặng thêm lên đôi vai. Trước đây, khi còn hai tay, một mình chị lo cho con cái ăn học bằng tiệm cắt tóc nhỏ trong tại căn phòng trọ thuê được ở quận 2 (TP.Thủ Đức hiện tại). Giờ đây, dù đã may mắn thoát chết nhưng thân thể chị vẫn mang thương tật suốt quãng đời còn lại.
Nhìn về tháng ngày phía trước đầy tăm tối khi một mình chị phải nuôi nấng hai con ăn học, đã có lúc chị nghĩ đến cái chết. Kể về khoảng thời gian chỉ muốn quên đi đó, chị tâm sự: “Đã hơn 2 lần tôi tìm cách tự tử tại nhà, nhưng chắc ông trời thương ba mẹ con tôi, nên những lần đó con tôi đều phát hiện và kêu to, khóc òa. Điều đó khiến tôi giật mình, thức tỉnh quay về thực tại”. Trải qua vài lần “khờ dại” đó, chị mới nhận ra ông trời đã cho chị thoát chết dưới bánh xe tải vài tấn, vậy lý do gì để chị không muốn sống tiếp nữa.
“Tôi nhận ra mình đã sai, tôi chết, con tôi sẽ đói, sẽ không được đi học. Suy nghĩ này thôi thúc tôi phải vượt qua và mạnh mẽ hơn mỗi ngày vì hai con của mình”.
Vượt qua được cú sốc tinh thần, trở về cuộc sống hằng ngày, chị Trâm bắt đầu phải làm quen lại với mọi thứ từ cách ăn, cách mặc, làm việc cá nhân bình thường đến chuyện lo lắng cho 2 con. Thời gian đầu, chị thử làm những việc đơn giản nhất như tự xúc cơm, chải tóc, mặc quần áo. “Vì tôi vẫn chưa quen cử động chỉ có một tay phải nên khi làm gì được một lúc lại rất mỏi và mệt. Nhưng tôi cứ tự nhủ, từ từ sẽ quen, con tôi sẽ giúp mình. Khoảng thời gian vài tháng đầu đó, 2 con đã hiểu chuyện hơn và biết giúp đỡ cho mẹ, điều đó làm tôi rất hạnh phúc” - chị cảm động khi nhắc đến 2 con.
Khi biết tin hoàn cảnh của chị Trâm, hội phụ nữ phường ngỏ ý hỗ trợ chị một xe nước mía bán tại nhà để trang trải cuộc sống, nhưng vì chỉ còn một tay, chị không đủ sức để xay mía hay vệ sinh máy móc. Nhiều đêm suy nghĩ về tương lai, chị quyết định quay lại “bám nghề”, chị nói: “Lúc đó tôi cũng nghĩ đến việc bán vé số, thu nhập cũng đủ để nuôi ba miệng ăn, nhưng mẹ tôi thì xót con gái, nhìn con từ một tay thợ lành nghề giờ lại mất thế, quả thực tôi cũng buồn lắm. Thế là tôi quyết tâm tập luyện làm thợ lại từ đầu, tôi chỉ mất khoảng 6 tháng để mọi thứ trở lại như cũ”.
Theo chị Trâm, công việc này giúp chị được ở nhà lo cho con cái, chu toàn việc nhà cửa, hơn hết, “đây là nghề gia truyền 4 đời nhà tôi, nên tôi càng muốn tiếp nối và sống với nó”, chị nói thêm. Mọi công việc khó dễ đều do tự tay chị làm, từ thay dụng cụ cắt tóc, hớt tóc nam nữ, gội đầu, nhuộm tóc chị đều làm rất thuần thục.
Nhiều khách quen vẫn tìm đến chị cắt cho bằng được vì đi đâu cũng không thấy vừa ý. Anh Nguyễn Công Chí (TP.Thủ Đức) đã cắt ở tiệm được 4 năm vui vẻ kể: “Khi chị còn một tay, mình đến cắt thì thấy hồi hộp lắm, vì nhiều thợ lành lặn người ta cắt còn làm mình đau, chảy máu, nhưng hay ở chỗ chị tay nghề cao, có một tay thôi nhưng cắt vẫn rất đẹp, giá lại còn rẻ. Mình biết đến tiệm từ lúc còn là sinh viên cho đến giờ đã đi làm rồi vẫn còn lui tới”.
Trải qua những mất mát lớn trong đời đến cùng một lúc, chị trở nên mạnh mẽ và là chỗ dựa vững chắc cho hai con. Vừa làm cha, làm mẹ, nhiều lúc chị không tránh khỏi những dị nghị từ người đời, chị kể khoảng vài năm trước, khi đưa con trai đi học, thằng bé vì sợ bạn bè trêu chọc mà bảo mẹ chỉ đứng từ ngoài xa đừng vào trong trường, “lúc đó tim tôi như nghẹn lại, nhưng hiểu vì con là con nít nên cũng thôi, chỉ biết tươi cười, cố gắng lạc quan mỗi ngày, vì con chỉ còn mình, khi nó lớn lên một chút, sẽ hiểu chuyện hơn”.
Đúng như thế, khi chị vực dậy tinh thần và sớm trở lại cuộc sống bình thường, chính thằng bé cũng là người tự hào giới thiệu mẹ với các bạn và công việc của mẹ đến với mọi người. Nó hay kể với chị: “Bây giờ con tự hào về mẹ lắm, ai chọc mẹ, con đều bảo mẹ bạn 2 tay có làm được như mẹ mình không? Mẹ dạy mình học, cho mình ăn, nuôi mình mỗi ngày đấy”. Lúc đó, chị thầm cám ơn bản thân đã không bỏ cuộc.
Giờ đây, chuyện buồn của quá khứ chị nhắc lại cứ nhẹ tênh, bởi lẽ “tôi đã không còn coi đó là bất hạnh nữa. Mỗi ngày, khi đứng trước gương và cầm kéo cắt tóc cho khách, tôi đều cảm thấy được nguồn năng lượng tích cực bên trong mình”, chị tâm sự. Chị còn có các con, có mẹ, được làm công việc mình yêu thích, chia sẻ câu chuyện của mình với những vị khách quen. Chị nói thêm: “Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn và mọi thứ cũng sẽ ổn thôi, chỉ cần ta nghĩ về những điều quý giá đang ở bên cạnh mình, ta sẽ biết cách trân trọng và vượt qua bóng đêm đó…”
Hiện chị Trâm cũng nhận đào tạo nghề miễn phí, đặc biệt cho các học viên có cơ thể khiếm khuyết hay hoàn cảnh khó khăn để giúp họ có cái nghề để sống, tự nuôi bản thân, duy trì tinh thần sống lạc quan, vui vẻ hơn.