Từ mọi miền đất nước, người ta ôm hy vọng đến Sài Gòn để lập nghiệp bởi lẽ nơi đây không chỉ tràn ngập cơ hội mà còn đầy ắp nghĩa tình bao dung. Dù đất chật người đông, thành phố thân thương này cứ bận bịu để sống tử tế với nhau.
Mấy nay Sài Gòn nắng như đổ lửa, cái nóng 38 - 40 độ C khiến ai nấy đều mệt nhoài mỗi khi ra đường. Giữa phố xá đông đúc, nóng nực, lúc nào cũng chen chúc xe cộ dù trong hẻm nhỏ đến đường to, hình ảnh bình trà đá, tủ thuốc, tiệm bơm vá xe, cắt tóc, sửa giày… với lời chú thích “miễn phí” tưới mát tâm hồn bằng nụ cười đầy ắp tình người.
Những bình trà đá “miễn phí” mang thương hiệu Sài Gòn
Trà đá vỉa hè - thứ đồ uống bình dị từ lâu đã tạo nên nét riêng biệt mà chỉ cần nhắc đến Sài Gòn, ai ai cũng nhớ. Không phải vào quán nước, tiệm ăn, chỉ cần bước chân ra đường, những bình trà đá miễn phí sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi.
Đôi khi chỉ đơn giản là một bình nước lọc, đặt trước cửa nhà hoặc dưới bóng mát cây xanh, tấm bảng nhỏ xinh với dòng chữ “Nước uống miễn phí, xin kính mời” cũng đủ để chúng ta ấm lòng.
Dừng xe giữa cái nắng giữa trưa trên đường Võ Văn Tần (quận 3), anh Trường (46 tuổi, quê An Giang, tài xế xe ôm công nghệ) rót vội ly nước từ bình trà miễn phí. Ở Sài Gòn nhiều năm, anh Trường đã quen với những món quà nhỏ mà mảnh đất này gửi tặng cho người dân xa quê.
Hớp ngụm trà một cách sảng khoái, anh Trường vui vẻ nói: “Nhờ có nó mà anh em chạy xe đỡ dữ lắm. Chạy một cuốc không có lời nhiều để mua nước uống hoài được, mà nước đem đi cũng chỉ uống được 1-2 lần. Vậy nên những bình nước 0 đồng này rất cần thiết cho người dân”.
Không chỉ riêng cánh tài xế giao hàng, người lao động trên đường phố cũng bày tỏ sự cảm kích khi những bình nước mát luôn tươm tất, gọn gàng. Đặc biệt, ai nấy đều thích thú với trạm nước “điệu” nhất Sài Gòn đặt trước Nhà thờ Mạc Ty Nho nằm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1).
Bộ đôi bình nước lọc - trà đá nép mình dưới mái lá, được tô điểm bởi giàn cây xanh rì khiến cô Lan (60 tuổi, ngụ Bình Thạnh) tấm tắc khen: “Từ ngày có bình nước này, mỗi ngày đi làm ngang qua cô đều ghé vô uống nước và ngồi nghỉ chân, ở đây trà vừa ngon vừa sạch sẽ mà nhìn bắt mắt nữa”.
Ở Sài Gòn, cứ cách một đoạn đường lại xuất hiện một bình nước miễn phí, số lượng nhiều đến nỗi không ai có thể đếm hết được. Từ bình trà đá của hộ dân đến các chủ quán ăn, tiệm café, cổng trường học, bưu điện…, cứ sáng sáng, những bình trà di động này lại được người dân chăm chút trước cửa nhà. Hết nước lại châm, chưa đủ lạnh thì mua thêm đá để bình trà được đầy ắp như cái tình người Sài Gòn chẳng bao giờ vơi.
Ê! Gạt chống lên kìa…
Đường phố Sài Gòn dù nhỏ hay lớn thì luôn nổi tiếng với độ đông đúc, chen chúc người qua lại. Hối hả là vậy nhưng người dân luôn sẵn lòng chạy chậm lại một chút, tháo khẩu trang ra để nhắc nhở: “Gạt chống lên kìa”. Người được nhắc có khi gật đầu nói cảm ơn hoặc quên luôn vì người nhắc cũng… không cần, bởi ẩn trong lời nhắc nhở là sự dặn dò đáng yêu: “Ê đi đứng cẩn thận, coi chừng té nha”.
Sài Gòn mộc mạc, chân tình, tử tế và bao dung. Không cần đợi bạn phải hỏi, người Sài Gòn đã làm sẵn những tấm bảng chỉ đường để giúp người dân tránh việc đi lạc.
Ở góc ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, tấm bảng chỉ đường tới BV Phụ sản Từ Dũ đã tồn tại từ rất lâu, kịp thời “giải vây” cho mẹ bầu và người thân khi đến đây khám chữa bệnh.
Theo chú Nguyễn Văn Nam (57 tuổi, ngụ quận 1) cho biết từ năm 2000, chú đã tự tay làm tấm bảng chỉ đường khi thấy nhiều người loay hoay tìm BV Từ Dũ. “Đang ngủ mà cũng hỏi đường nữa! Nói chứ ngã tư này đường bị xéo mà xe đông, người nhà bệnh nhân cũng lúng túng nên tui làm tấm bảng này cho họ dễ tìm”, chú Nam cười sảng khoái.
Không chỉ chú Nam, những tấm bảng chỉ đường đã trở thành đặc sản ở Sài Gòn. Có thể đường Sài Gòn đông đúc, ngoằn ngoèo, đi lạc thì dễ chứ lạc lõng ở Sài Gòn thì không. Vì chỉ cần bạn hỏi thăm, dù có bận cách mấy, người Sài Gòn cũng dành đôi phút để tận tình chỉ bảo. Nghĩ cũng lạ hen!
Trả phí bằng nụ cười, lời cảm ơn
Đối diện với tấm bảng chỉ đường của chú Nam là quầy bơm vá sửa xe miễn phí cho người khuyết tật của chú Phạm Văn Lương tại giao lộ Cống Quỳnh - Nguyễn Thị Minh Khai.
Từ khi vào Sài Gòn lập nghiệp năm 1991, chú Lương quyết định mở xe bơm vá không chỉ để mưu sinh mà có thể thực hiện được lý tưởng giúp đỡ người khuyết tật. “Mỗi ngày chú bơm miễn phí không nhớ bao nhiêu lần, còn vá xe thì khoảng 1-2 người/ngày. Nhiều khi cả ngày không có ai nhờ vả cũng không có khách nhưng chú vẫn thường trực ở đây để bất cứ khi nào người khó khăn cần thì mình giúp liền”, chú Lương hồ hởi kể.
Chọn Sài Gòn để lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, không ít người có được công việc tốt và thu nhập ổn định. Chưa đợi tới lúc giàu có, họ bắt đầu làm từ thiện ngay khi có thời gian hoặc dư dả ít tiền để thay cho lòng biết ơn với thành phố thân thương này.
Những tiệm tóc "di động" xuất hiện ở khắp mọi nơi, thay vì tốn vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn cho một kiểu tóc, những cô chú lớn tuổi, lao động phổ thông thấy ấm lòng khi phí phải trả chỉ bằng một nụ cười, lời cảm ơn...
Ở Sài Gòn cái gì cũng có, từ những thứ đắt đỏ đến những món quà hoàn toàn miễn phí. Không chỉ có trà đá, cắt tóc 0 đồng, bơm vá sửa xe, chỉ đường giúp người dân, Sài Gòn còn ấm lòng với những phần quà đêm, suất cơm từ thiện tại các cổng bệnh viện. Giữa guồng quay tất bật của cuộc sống, người Sài Gòn cứ lẳng lặng mà vô tình giúp đỡ nhau.
Người nhận chỉ cần gửi đến người cho một lời cảm ơn chân thành chứ không hề tốn chi phí nào, còn đối với người cho, được trao đi là niềm hạnh phúc giản đơn mà không cần nhận lại. Cái cách mà người dân thành phố san sẻ cho nhau đôi khi ngồ ngộ, nhưng đơn giản và đáng yêu.
Tất cả đã tạo nên một Sài Gòn thật dễ thương, mà lỡ thương rồi thì không dễ mà quên được. Cũng ngộ hen!