Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 18/03/2021 07:00 AM (GMT+7)

Là người Hà Nội gốc, cuộc sống đủ đầy, nhưng hàng ngày bà Thu vẫn gánh hàng rong bán hoa ở vỉa hè vì bà yêu hoa, muốn giữ giá trị truyền thống đang dần mai một.

Bà Phan Thị Thu năm nay 83 tuổi, người quê chính gốc làng Ngọc Hà xưa - nay là phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội). Dù tuổi đã cao nhưng đều đặn hàng ngày bà Thu ra khỏi nhà lúc 7 giờ sáng, đến phố Hàng Khoai dọn hàng bán hoa cho đến khoảng 17h cùng ngày lại trở về nhà. Đây cũng là công việc đã gắn bó với bà tròn 70 năm nay, bất kể trời mưa hay nắng.

Suốt 70 năm qua bà Thu chỉ bán hoa lễ (hoa cúng trên bàn thờ các gia đình hoặc đền, chùa…) và chỉ bán những loài hoa truyền thống theo từng mùa của người Việt. Rất nhiều người đến mua hoa thấy bà tuổi đã cao vẫn ngồi bán ở vỉa hè nên nghĩ bà khó khăn, kiếm từng đồng bạc lẻ bởi mỗi gói hoa bà bán chỉ có giá 15.000-20.000 đồng, vào ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng thì tăng thêm 10.000-20.000 đồng tùy loại.

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 1

Bà Thu đều đặn hàng ngày ra phố Hàng Khoai để bán hoa lễ cho mọi người.

Thế nhưng ít ai biết được rằng bà Thu nhà ở Ngọc Hà, đất rộng vài trăm mét và con cháu đều đã trưởng thành, có công việc đàng hoàng. Với bà, kiếm tiền từ việc bán hoa chỉ là phụ, điều cốt lõi là bà muốn giữ lại nghề truyền thống của gia đình đã có hàng chục đời nay. “Làm hoa thì vất vả, chứ bán hoa và nhất là hoa lễ như tôi thì nhẹ nhàng, sạch sẽ và thơm tho như những bông hoa vậy”, bà nói.

Khoảng 10 năm trước, ở phố cổ Hà Nội có khoảng 5 người bán hoa lễ như bà Thu ở các phố như Quán Thánh, Ô Quan Chưởng... nhưng giờ các cụ đã mất. “Nếu bán hoa lễ gói theo kiểu truyền thống thì giờ chỉ còn tôi sót lại”, bà Thu chia sẻ. Chính điều đó càng khiến bà yêu nghề, muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống của người Hà Nội xưa, nhất là với những người đã quen lui đến nơi bà bán hàng.

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 2

Bà Thu chia sẻ, giờ đây ở phố cổ Hà Nội, bà là người duy nhất gói hoa lễ theo truyền thống ngày xưa để bán.

Bà kể rằng, ở phố cổ có những gia đình 3 đời dùng hoa của bà để cúng, không chỉ ngày rằm, mùng một mà ngày thường họ cũng ra mua 1 gói hoa về cho ra đĩa rồi đặt lên ban thờ. 

Có những người đi theo con cháu ra nước ngoài định cư, nhưng mỗi dịp về nước đều ghé của chỗ bà để mua hoa. Họ nói rằng, họ thích cách bà chọn hoa, thích cách kết hợp các loại hoa của bà và hơn thế hết là thích nghe bà kể về hoa.

Xưa kia khi ở tuổi lên 5, lên 7, bà Thu đã theo bố mẹ, ông bà đi ra cánh đồng hoa làng Ngọc Hà để ươm trồng, rồi chăm sóc từng bông hoa nhỏ. “Ở Hà Nội làng hoa Ngọc Hà có lẽ là cổ nhất, sau này mới phát triển ra Tây Tựu, Quảng Bá… Vậy mà bây giờ, mùi hương thơm ngào ngạt của hoa, cánh đồng với hàng chục loài hoa lung linh sắc màu chỉ còn trong ký ức, mà chỉ thế hệ chúng tôi mới biết”, bà Thu vừa nói vừa tiếc nuối.

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 3

Bà Thu thẫn thờ nhớ về ngày xưa khi được hòa mình trong vườn hoa ở làng Ngọc Hà.

Năm 13 tuổi bà Thu đã biết gói hoa lễ rồi theo mẹ đội những mẹt hoa trên đầu ra ngồi trước cổng chợ Đồng Xuân để bán. “Thời gian thấm thoát trôi đi, giờ tôi đã theo nghề được 70 năm rồi, chẳng biết còn trụ được bao lâu nữa vì con người đến lúc sức khỏe phải yếu đi”, bà Thu tâm sự.

Khi xã hội ngày càng phát triển, hoa truyền thống ngày đang bị mai một, thậm chí là mất gốc, thay vào đó là những loài hoa lai, hoa nhập nhưng bà Thu vẫn giữ lấy nét truyền thống, không chạy theo thị trường. Bà chia sẻ rằng, nếu cắm bông hoa nhập ngoại, hay hoa có nguồn gốc nước ngoài lên ban thờ thì đâu phải người Hà Nội gốc.

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 4

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 5

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 6

Bà Thu nâng niu từng bông hoa đồng tiền vẫn còn được bọc cẩn thận.

“Hoa ngoại đẹp thì có đẹp, sang thì có sang nhưng mỗi người một sở thích. Với những người gốc Hà Nội ở thế hệ chúng tôi, nhất là sinh ra ở làng hoa truyền thống thì việc cắm hoa ngoại, hoa lai lên ban thờ là không được. Tôi nghĩ với khách đến mua những gói hoa của tôi cũng có chung suy nghĩ như vậy”, bà Thu chia sẻ.

Là người sinh ra từ làng hoa nên trong nhà bà Thu luôn cắm hoa tươi, trên ban thờ cũng luôn có hai đĩa hoa để hai bên. Bà Thu tâm sự rằng, mỗi khi đi làm về bước vào nhà hương hoa phảng phất mọi mệt mỏi, xô bồ ngoài đường đều tan biến hết.

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 7

Những đĩa hoa tỏa hương thơm phảng phất xoa tan đi mệt mỏi mỗi khi bà Thu đi làm về.

Về cách chơi hoa, bà Thu cho biết cứ nói người Hà Nội cầu kỳ nhưng không phải, ngay ở cách chơi hoa cũng vậy, tất cả đều giản dị nhưng phải thanh cao. “Người Hà Nội gốc họ chơi hoa theo mùa chứ không phải cứ trưng những loại hoa đắt tiền là sang trọng. 

Mỗi đĩa hoa trên ban thờ thường có 5-7 loại hoa, có những loại hoa rất đời thường như hoa bưởi, hoa ngâu, móng rồng, trừng gà… kết hợp với đó là những loài hoa quý như hồng quế, hồng lam…”, bà Thu kể.

Điều bà Thu tiếc nuối nhất cho đến lúc này là nhiều gia đình đã không còn thói quen chơi hoa đĩa như xưa, thậm chí những loài hoa vốn dùng để thờ cúng giờ lại làm món ăn khoái khẩu. 

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 8

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 9

Người phụ nữ gói hoa lễ cuối cùng ở Hà Nội: Hoa xưa vốn để cúng giờ thành món ăn - 10

Bà Thu buồn vì có những loài hoa lễ ngày xưa đã trở thành món ăn khoái khẩu và thú chơi hoa gói, hoa đĩa truyền thống giờ đã mai một.

“Xưa kia hoa thiên lý chỉ dùng để cúng, nhưng giờ lại bán theo cân để xào, nấu ăn. Với bản thân tôi, đến mùa hoa lý tôi vẫn bày ra đĩa để trên ban thờ và không bao giờ ăn loài hoa ấy”, bà Thu tâm sự.

Ở tuổi 83, bà Thu không biết bản thân có thể sẽ đồng hành cùng gánh hàng hoa được bao lâu nữa, thế nhưng đây là nghề gia truyền của gia đình nên bà không thể truyền cho người ngoài dù nhiều người đến xin học. 

“Con gái, con dâu tôi đều biết gói hoa lễ cả nhưng việc các con có chịu ngồi bán từng gói hoa như tôi hay không thì chưa thể nói trước. Chỉ tiếc là một thú chơi hoa, một nét đẹp truyền thống của người Hà Nội đang dần mai một, thậm chí sẽ mất gốc trong tương lai”, bà Thu trầm ngâm nhìn những bó hoa và nói.

Đang đi vệ sinh bất ngờ nghe tiếng đập cửa, người phụ nữ phố cổ hãi hùng bị ám ảnh
Sống cả cuộc đời với nhà vệ sinh cũ kỹ, ẩm thấp trong phố cổ, cuối cùng người dân ở trong con ngõ 22 Hàng Gà đã được "hưởng thụ" một khu vệ sinh trong...
LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện phố cổ