Một số trường tại TP HCM tự ý sắp xếp chương trình tiếng Anh bổ trợ vào chính khóa, buộc học sinh dù không muốn cũng phải học để trường thu lợi nhuận.
Tiếng Anh bổ trợ hay còn gọi là tiếng Anh với người nước ngoài, tiếng Anh bản ngữ là chương trình tiếng Anh thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện đang triển khai ở nhiều trường tiểu học và THCS tại TP HCM. Tuy nhiên, cách thực hiện tại một số trường đang khiến phụ huynh bức xúc vì sự mập mờ.
Đẩy việc học vào sự đã rồi
Báo Người Lao Động nhận được đơn phản ánh của nhiều phụ huynh Trường THCS Phước Bình, quận 9, TP HCM về việc trường triển khai đồng loạt chương trình tiếng Anh với người nước ngoài ở tất cả các lớp từ 6 đến 9 mà sau khi trường triển khai được 3 tuần, phụ huynh mới được thông báo.
Một phụ huynh cho biết trường triển khai đại trà trước khi có cuộc họp với phụ huynh đầu năm. Cụ thể, ban đầu trường triển khai ở các lớp 7.2, 7.3, 8.2, 9.2. Đây là những lớp chọn của trường. Đáng nói, cuộc họp phụ huynh tại trường lại không thông qua giáo viên chủ nhiệm mà đại diện nhà trường họp riêng từng lớp. Khi phụ huynh thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm thì giáo viên cũng không biết. Do nhiều phụ huynh phản ứng nên trường dừng triển khai ở khối lớp 8, 9.
Tiết học tiếng Anh tại một trường ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Theo phản ánh của phụ huynh, chương trình này được sắp xếp vào thời khóa biểu chính khóa dẫn đến tình trạng học sinh không đăng ký học cũng không được. “Nếu không đồng ý cho con học thì dĩ nhiên nhà trường sẽ chuyển sang các lớp thường. Như thế, buộc tất cả học sinh đều phải đăng ký. Việc làm này của nhà trường giống như đẩy phụ huynh vào sự đã rồi” - một phụ huynh bức xúc.
Ông Lê Văn Lực, Hiệu trưởng Trường THCS Phước Bình, cho biết hết tháng 9, trường sẽ sắp xếp lại. Năm đầu tiên làm thí điểm nên chọn một số lớp. Hiện nay, trường chỉ triển khai ở khối 6, 7 học phí 200.000 đồng/ tháng với thời lượng 2 tiết/tuần. Theo ông Lực, trường xếp lịch học vào buổi riêng, chứ không phải giờ chính khóa.
Lợi nhuận khủng?
Ông Nguyễn Văn Quý - Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 9 - cho biết chương trình tiếng Anh bổ trợ đang thực hiện tại một số trường ở quận 9 theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh trên nguyên tắc thời khóa biểu phải sắp xếp hợp lý, phải có lớp riêng. Ở quận 9, các trường đều học 2 buổi nên việc học các chương trình bổ trợ phải theo nguyên tắc vừa học vừa chơi. Còn hiệu trưởng tự ý tổ chức, không thông qua hội đồng sư phạm, Công đoàn, không thông qua hội nghị cán bộ công chức là công việc trong nội bộ của trường.
Theo tìm hiểu, một số trường tại quận 9 chọn một trung tâm ngoại ngữ để triển khai chương trình này. Hoa hồng trích lại cho trường là 15% trên tổng số học sinh, dành để chi cho quỹ phúc lợi của trường và cơ sở vật chất.
Một chuyên gia giáo dục cho rằng hiện nay, các trung tâm ngoại ngữ đang săn lùng các hợp đồng dạng liên kết với nhà trường, tiếng Anh bổ trợ vì lợi nhuận cao, đương nhiên phần trăm trích lại cho nhà trường là con số không nhỏ. Trong khi phải tìm từng học viên thì hợp tác với trường là cách làm hiệu quả và lâu dài nhất, vì số học sinh ổn định, có sẵn cơ sở vật chất. Một trường có khoảng 1.000 học sinh thì chỉ cần 800 học sinh đăng ký học thì lợi nhuận thu về sẽ rất lớn.
Năm học 2014, tập thể giáo viên, công nhân viên tại Trường THCS Lam Sơn (quận 6) đã đồng loạt làm đơn tố cáo bà hiệu trưởng Kha Lệ Thanh (đã bị điều chuyển công tác vì những sai phạm), trong đó có sai phạm trong sử dụng lợi nhuận từ chương trình tiếng Anh bản ngữ, cụ thể là chi 20% cho hiệu trưởng và một vài người liên quan với lý do chi cho công tác quản lý.
Trong khi hàng trăm người còn lại không được hưởng gì từ nguồn thu mà còn phải gánh chịu những tổn hao về cơ sở vật chất, điện, nước. Vào tháng 2-2014, trường có 1.625 học sinh (37 lớp) theo học tiếng Anh bản ngữ, chiếm 84,6% học sinh toàn trường. Với mức học phí 160.000 đồng/học sinh/ tháng, như vậy, tổng thu từ hoạt động này vào khoảng 260 triệu đồng/tháng.
Kinh phí xã hội hóa Ngày 31-10-2012, UBND TP HCM ban hành Quyết định 448/QĐ-UBND về phê duyệt đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM giai đoạn 2011- 2020”, trong đó quy định các trường tăng cường sử dụng các chương trình tiếng Anh bổ trợ nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp dưới dạng xã hội hóa. Ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, cho biết nguyên tắc là các trường có quyền hợp đồng với giáo viên nước ngoài có giấy phép để dạy tiếng Anh, kinh phí sẽ xã hội hóa. Chương trình này có thể giảng dạy ở thời khóa biểu của tiếng Anh tăng cường hoặc ngoài giờ chính khóa. |