Mất 7 triệu đồng, nhiều tài xế xe máy mới ngã ngửa, vì trót uống 2 chén rượu

Ngày 04/01/2020 20:00 PM (GMT+7)

Đến khi bị thổi nồng độ cồn, nhiều tài xế mới "ngã ngửa" trước mức phạt nặng trong quy định mới.

Nhận mức phạt 7 triệu đồng và tước giấy phép 23 tháng, tạm giữ xe trong 7 ngày, ông Nguyễn Văn Duyên (SN 1963, trú huyện Gia Lâm) vẫn chưa hết bàng hoàng.

Ông Duyên cho biết: "Tôi vừa lái xe máy chở bạn vừa rời quán nhậu thì bị CSGT tuýt còi. Cứ nghĩ là chỉ bị phạt vài ba trăm ngàn, nhưng khi CSGT báo nồng độ cồn trong khí thở của tôi là 0,489miligam và sẽ phải nhận mức phạt nặng theo quy định mới, tôi mới giật mình".

Mất 7 triệu đồng, nhiều tài xế xe máy mới ngã ngửa, vì trót uống 2 chén rượu - 1

Ông Nguyễn Văn Duyên bị phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng và tạm giữ xe 7 ngày vì uống 2 chén rượu với bạn. Ảnh: Bảo Loan

"Tôi đã được nghe và biết đến quy định mới nên đội bạn chỉ dám uống mỗi người 2 chén rượu nhưng không ngờ mức phạt mới lại cao đến thế", ông Duyên cho hay.

Ngày 4/1, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, chỉ trong hai ngày thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, CSGT cả nước đã xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tổng số tiền phạt hơn 816 triệu đồng.

Cụ thể, trong ngày 1 - 2/1/2020 thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, tại Hà Nội, lực lượng CSGT đã xử phạt một tài xế xe tải với mức phạt 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng và xử phạt một người điều khiển xe máy 7 triệu đồng, sau khi hai tài xế này uống vài chén rượu với bạn nhậu.

Mất 7 triệu đồng, nhiều tài xế xe máy mới ngã ngửa, vì trót uống 2 chén rượu - 2

Trong 2 ngày đầu năm 2020, CSGT cả nước đã ra quyết định xử phạt hơn 600 tài xế vì phát hiện nồng độ cồn trong máu.

Theo Cục CSGT, quy định mới cấm triệt để sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông và nâng mức xử phạt đối với các hành vi đã rất đồng bộ, kịp thời trước tình hình trật tự ATGT đang rất phức tạp như hiện nay.

Đơn cử như mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn của Nghị định 100 đã cao hơn rất nhiều so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (trên 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở) thì theo Nghị định 100, mức phạt dành cho ô tô sẽ từ 30 – 40 triệu đồng, tước GPLX 22 – 24 tháng. Đối với xe máy thì bị phạt từ 6 – 8 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng.

Nồng độ cồn vượt quá 50 – 80 mlg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/lít khí thở, sẽ bị phạt từ 16 -18 triệu đồng, tước GPLX 16 - 18 tháng. Tài xế xe máy nếu vi phạm mức nồng độ cồn này sẽ bị phạt từ 4 - 5 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu vi phạm nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, sẽ bị phạt 6 - 8 triệu đồng đối với tài xế ô tô và tước GPLX 2 - 4 tháng. Đối với tài xế xe máy sẽ bị phạt từ tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Còn đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt 80 - 100 nghìn đồng khi có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Phạt tiền từ 200 - 300 nghìn đồng khi nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Phạt từ 400.000 - 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Uống rượu lái xe bị phạt: Quán nhậu tung chiêu bạn uống tôi lái giữ khách có khả thi?
Sau khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, một số quán nhậu tại TP.HCM đã tung chiêu giữ khách bằng dịch vụ...
Theo Bảo Loan
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Uống rượu bia sẽ bị phạt nặng từ 2020