Việc mất đi một bên chân không ngăn được tình yêu của Abe với trái bóng rổ. Với cậu, bóng rổ không chỉ là môn thể thao, một sở thích mà còn là một phong cách sống.
Bị mất chân phải trong một vụ tai nạn khi mới 4 tuổi
Aen Abe năm nay 11 tuổi, sống tại một ngôi làng nhỏ nằm sâu trong dãy núi Đại Lương của Tứ Xuyên. Gia đình cậu không mấy khá giả. Để có thể kiếm thêm thu nhập, cha của Abe là Arnyob thường ra ngoài làm việc, còn mẹ cậu ở nhà làm ruộng và chăm sóc con cái.
Năm 4 tuổi, khi Abe đang đi bộ trên đường núi để tìm mẹ thì không may bị một tảng đá từ trên núi bất ngờ rơi xuống. Cha mẹ đã đưa Abe đến bệnh viện nhưng vì vết thương nặng nên cậu buộc phải cắt đi chân phải.
“Sau chấn thương, Abe hiếm khi nói chuyện, tính cách trở nên trầm mặc hẳn”, mẹ cậu nói.
Sau khi xuất viện, Abe không thể rời khỏi giường hay đi lại vì vết thương chưa lành. Nằm trên giường cả ngày, cậu cảm thấy rất không vui khi làm gì đều do cha mẹ bế lên giúp. Nhìn thấy những đứa trẻ khác chơi đùa bên ngoài, trong mắt cậu ánh lên sự khát khao. Biết được điều đó, cha Abe đã tìm một số thanh gỗ và đích thân làm một đôi nạng gỗ cho con.
Abe đang tập luyện trên đường.
"Con trai tôi còn nhỏ và không có chiếc nạng nào phù hợp với chiều cao của thằng bé", cha Abe nói.
Ông làm ra đôi nạng này với hy vọng Abe có thể đi lại và chơi đùa như một đứa trẻ bình thường. Khi Abe lớn hơn, cậu bắt đầu tập sử dụng nạng và đến với môn thể thao yêu thích của mình là bóng rổ. Cứ như vậy, cậu bé dần quen với chiếc “chân” mới của mình và trở nên sôi nổi, vui vẻ hơn.
"Tại sao con không thể chơi bóng rổ bằng một chân?"
Abe là con thứ hai trong gia đình, trên có chị gái và dưới có em trai. Đường núi ở quê cậu đi lại rất khó khăn, mỗi ngày đến trường là cả một hành trình. Vì thế, cha mẹ Abe đã thuê một căn nhà ở thị trấn. Mỗi ngày, sau giờ học tại ngôi trường tiểu học gần đó, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp một cậu bé cầm quả bóng rổ và chống nạng đi trong đám đông. Ngay cả trên đường, bạn vẫn sẽ thấy cậu bé này thỉnh thoảng tập đập bóng.
Lần đầu tiên Abe biết đến bóng rổ là khi em trai cậu giành giải bóng rổ ở trường mẫu giáo. Cậu không thể giấu được nụ cười trên môi khi nhìn thấy em mình cầm bóng quay lại. Dù lúc đó Abe đã phải chống nạng đến trường và hạn chế khả năng di chuyển nhưng cậu vẫn bị bóng rổ thu hút.
Từ hôm đó, ở trường, Abe thường đến sân xem các bạn cùng lớp chơi đùa trong giờ ra chơi. Ban đầu, mẹ đã không ủng hộ mong muốn chơi bóng của Abe vì lo con có thể bị chấn thương hoặc khiến tình trạng nặng thêm.
Abe chơi bóng trên sân
"Abe luôn nói rằng thằng bé muốn chơi thể thao, “tại sao con không thể chơi bóng rổ bằng một chân?””, mẹ cậu nhớ lại.
Thấy con trai kiên quyết, mẹ cậu quyết định ủng hộ nhưng không quên nhắc nhở con phải hết sức cẩn thận. Từ ngày làm quen với trái bóng, cậu trở nên vui vẻ và tự tin hơn, dần bước vào sân và chơi với các học sinh khác. Sau khi về nhà và làm xong bài tập về nhà, Abe sẽ xem các trận bóng rổ và học kỹ năng chơi bóng. Em trai chính là “bạn chơi bóng” thường xuyên của Abe.
Tình yêu bóng rổ của Abe cũng thu hút sự chú ý của các giáo viên trong trường. Một giáo viên thể dục của trường khi vô tình nhìn thấy Abe ở tầng dưới đang tập chơi bóng rổ với một chân đã rất xúc động, tìm đến Abe và muốn dạy cậu chơi bóng rổ. Sau đó, vào mỗi cuối tuần hoặc sau giờ học, giáo viên thể dục sẽ đưa Abe và những đứa trẻ khác đến sân bóng rổ để dạy chúng chơi.
Ngày 5/5, Abe được mời đến Quảng Đông để tham gia một dự án bóng rổ từ thiện dành cho giới trẻ. Cuối cùng, cậu đã đạt được mong muốn gặp thần tượng của mình là cầu thủ bóng rổ Yi Jianlian.
Nói về ước mơ của mình, Abe hy vọng sẽ được chơi bóng rổ vui vẻ mỗi ngày và lớn lên thật hạnh phúc. Đối với cậu bé này, bóng rổ không chỉ là một môn thể thao, một sở thích mà còn là một phong cách sống.