Bước sang tuổi 81, cụ bà vẫn ngày ngày đều đặn với công việc sáng bán xôi, chiều đẩy hàng để lo tiền chạy thận cho con gái.
Từ lâu, người dân tại hẻm số 499 đường Lê Quang Định (thuộc địa bàn phường 1, quận Gò Vấp, TP.HCM) đã không còn lạ lẫm với hình ảnh một cụ bà tuổi ngoài 80 với vóc dáng nhỏ bé, tấm lưng cong ngày ngày vẫn đẩy xe hàng rong kiếm tiền mưu sinh và lo cho con gái bị bệnh.
Câu chuyện bắt đầu khi chúng tôi tìm đến nhà của cụ bà ấy. Qua sự hướng dẫn của người dân ở khu vực, chúng tôi được biết cụ bà tên là Trần Thị Thơm năm nay tuổi đã 81. Đến nơi, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà nhỏ tưởng chừng như không thể nhỏ hơn nằm lọt thỏm ở một con hẻm sâu trên đường Lê Quang Định, đây chính là nơi cư ngụ của cụ bà và 5 thành viên khác trong gia đình.
Hàng ngày, cứ 6 giờ sáng là bà gánh xôi ra trước UBND phường bán đến 10 giờ sáng thì về nghỉ. Đến 13 giờ, bà lại đẩy xe nào cóc, ổi, bánh tráng trộn, trứng cút đi bán đến tận 21 giờ mới về.
Lúc chúng tôi đến, cả nhà cụ Thơm đều đi vắng. Theo một người hàng xóm, cụ Thơm đi bán xôi vào buổi sáng ở gần khu vực Ủy ban nhân dân phường 1 (quận Gò Vấp). Muốn gặp cụ, phải đợi hơn 10 giờ sáng cụ mới trở về nhà. Lần đầu gặp cụ Thơm, chúng tôi đã cảm nhận được điều gì đó rất khác biệt nơi cụ, có lẽ vì cuộc đời gắn bó với mảnh đất Sài thành từ nhỏ và đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm của thời cuộc nên nụ cười của bà cũng có gì đó khác hẳn với hình ảnh những cụ bà mà chúng tôi vẫn thường hay gặp.
Tiếp chúng tôi, cụ Thơm nở nụ cười hiền và cho biết, buổi sáng nay cụ đã bán hết phần xôi. Nói đoạn, cụ chỉ tay vào ngôi nhà chật hẹp chỉ hơn 7m2 cho biết nơi đó dùng để sinh hoạt cho gia đình cụ gồm 6 thành viên.
Ở góc hẻm bên ngoài là một cây dù, cái ghế bố vải dù đã cũ là nơi cho cụ bà nghỉ ngơi cả ngày lẫn đêm, cho cả những ngày nắng nóng hay mưa gió đã bao năm nay…
Những món quà vặt đơn sơ như quả xoài, quả trứng cùng bịch bánh tráng trộn được bày biện giản tiện tối đa trên chiếc xe đẩy đã cũ. Theo cụ Thơm, thu nhập bình quân mỗi ngày chả cụ là từ 100 đến 120 ngàn đồng.
Bần thần hồi tưởng đến những ký ức xa xưa, cụ Thơm cho biết, thời còn trẻ, cụ lấy chồng rồi sinh được 2 người con một nam, một nữ. Tuy nhiên, cuộc đời lận đận cứ đeo bám mãi gia đình cụ. Tuy các con đã lớn, nhưng vì hoàn cảnh nghèo khó, dù rất muốn nhưng những người con không giúp gì được cho bà vào lúc tuổi xế chiều.
“Con trai lớn tôi làm nghề thu gom ve chai đồng nát phế liệu. Con gái út tên Nga thì bị suy tim, suy thận nên chỉ làm được việc lặt vặt trong nhà, không làm nặng được. Đủ thứ tiền để chạy chữa nên gia đình cũng cố gắng lắm. Phần tôi vẫn tiếp tục với nghề 'buôn gánh bán bưng' mà biết bao nhiêu năm qua đã làm để nuôi sống gia đình. Đối với tôi, còn sống khỏe là còn làm được” – cụ Thơm trần tình.
Vì căn nhà nhỏ hẹp nên bếp ăn cũng được đưa ra cạnh chỗ bà ngủ để nấu nướng.
Nhìn cảnh cụ Thơm đi bán về mệt mỏi nhưng phải ngủ ngoài trời với chiếc ghế bố và cây dù đã bao năm qua, chúng tôi tỏ ra lo lắng. Thấy vậy, cụ bèn thanh minh: “Nhà chật quá, để cho con gái có chỗ nằm dưỡng bệnh, cho cháu ngoại có chỗ học hành. Với lại, nhiều người nên tôi chỉ tắm rửa trong đó, còn ngủ thì ra đây. Trời mưa thì che bạt lại, ở đây cho mát chứ trong nhà nóng lắm”.
Khi được hỏi giờ ước mơ lớn nhất của cụ là gì? Cụ mỉm cười trả lời: “Ước cho đừng bệnh tật chi hết, luôn khỏe mạnh để đi bán kiếm tiền là được rồi”.
Giữa cái nắng nóng hừng hực của trời Sài Gòn vào những ngày tháng tư này, những giọt mồ hôi nhễ nhại chảy dài trên mặt của chúng tôi càng làm chúng tôi thấm thía hơn về nỗi vất vả mà cụ Thơm đang phải đối mặt. Thật vậy, chưa nói đến thời tiết nóng bức, căn nhà nhỏ xíu như vậy, 2 người đứng dậy cùng lúc là không có chỗ đi, chứ đừng nói đến việc ngủ nghỉ.
Căn nhà có bề ngang 1,2 mét, chiều dài 6 mét này là nơi sinh hoạt của một gia đình có 6 thành viên.
Còn về phần người con gái không may mang bệnh của cụ Thơm - chị Nguyễn Thị Nga, năm nay đã 55 tuổi và có được 3 người con.
Ngồi tâm sự với chúng tôi, chị Nga cho biết, chị sinh được 3 người con trai. Hai đứa con lớn có gia đình rồi lập nghiệp tận Cà Mau. Còn đứa con trai út đang là sinh viên năm cuối đại học. “Cả ba đứa con đều đã lớn nhưng cũng chưa giúp gì được cho mẹ, đứa nào cũng vất vả làm ăn. Tôi mong cho tụi nó có đủ sức khỏe để làm nuôi gia đình, con cái nó là mừng lắm rồi”, chị tâm sự.
Nói đoạn rồi chị kể, cách đây một năm, chị thấy mệt mỏi, đau nhức trong người nên đi bệnh viện khám. Chị như chết đứng khi biết mình mang cùng lúc hai căn bệnh suy tim, suy thận. Vì hoàn cảnh khó khăn, lại phải nuôi người con út đang học nên chị cố chịu đựng, gắng làm kiếm tiền chạy chữa. Bốn tháng trở lại đây, bệnh suy thận khiến chân tay chị phù nề sưng tấy, nhiều lúc không đi bán được, phải nằm một chỗ.
Số tiền dành dụm bấy lâu nay không đủ cho việc chữa trị, chị phải vay mượn bà con, bạn bè khắp nơi. Dù ở phường có hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, nhưng có một số loại thuốc không nằm trong danh mục được bảo hiểm, chị phải chi trả mỗi lần cho chi phí điều trị hơn 4.800.000 đồng. Đến nay, chị đã lọc thận được 8 lần.
Thương mẹ phải ra ngoài nằm, chị Nga luôn túc trực bên cạnh.
Để có tiền chi trả viện phí và trả nợ, mỗi khi chạy chữa xong, thấy khỏe khỏe trong người, chị lại gắng đẩy xe ra ngõ bán hủ tíu. Nhưng sức khỏe yếu, chị bán được dăm ba bữa thì bệnh tật lại dày vò.
Từ khi chị đổ bệnh, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đổ dồn vào đôi vai gầy của cụ Thơm. Chị giúp bà những chuyện lặt vặt trong nhà, nhưng khi trở bệnh phải nằm một chỗ, cụ Thơm lại tất tả quán xuyến mọi việc.
Ngồi trò chuyện với chị, khi được hỏi ước muốn của chị bây giờ là gì? Chị chỉ vẻn vẹn: "Tôi muốn mau hết bệnh, để còn sức mà chăm lo cho mẹ già, bà lớn tuổi rồi mà phải thức khuya dậy sớm như vậy, tôi thương lắm. Rồi mong có thể đi bán lại để lo cho thằng út ăn học đến nơi đến chốn. Nó là niềm hy vọng lớn nhất của tôi".
Nói xong, chị quay đi lau vội giọt nước mắt. Cái ước muốn nhỏ nhoi, đơn giản ấy luôn hiện hữu trong mỗi gia đình nhưng lại là ước muốn lớn lao, mong manh của những mảnh đời làm cho chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Trong những cơn ngặt nghèo, khốn khó thì tình mẫu tử, tình gia đình luôn là một niềm tin vững chắc để họ cố bám víu vào đó mà vượt qua. May mắn thay khi chúng ta là những người khỏe mạnh, đủ đầy!