Mẹ đá và chuyện xin con ở ngôi đền thiêng

Ngày 05/02/2014 15:38 PM (GMT+7)

Đền Sinh nổi tiếng là ngôi đền “cầu tự” linh thiêng, không chỉ bởi sự tích của ngôi đền gắn liền với việc sinh nở mà còn vì trong trong hậu cung có thờ một phiến đá tự nhiên vô cùng độc đáo

Mang hình sản phụ đang trong tư thế lâm bồn. Khách thập phương đến đền ai cũng mong được một lần được chạm vào “mẹ đá” để “xin” con.

Mẹ đá và chuyện xin con ở ngôi đền thiêng - 1

Bà Dương Thị Lượng, thủ từ lầu Cô Bé Thạch Bàn đang chỉ nơi “ngài giáng”. Ảnh: Mai Thúy

Phiến đá mang hình sản phụ lâm bồn

Đền Sinh tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc thuộc xã Lê Lợi, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Phiến đá mang hình sản phụ đang trong tư thế lâm bồn đặt trang trọng trong hậu cung được người dân cung kính gọi là Đức Thánh mẫu Thạch Bàn.

Theo quan sát của phóng viên, Đức Thánh mẫu Thạch bàn là một phiến đá nguyên khối cao chừng hơn 3m, rộng khoảng 5m, có hình dáng như người phụ nữ đang nằm ngửa trong lúc lâm bồn. Trên đầu phiến đá có hình tròn tượng trưng cho đầu. Hai khối đá tròn nhỏ phía dưới được xem như là bầu ngực. Tiếp xuống là hai khối đá lớn, dài, có hình dáng giống hai chân đang co gập gối. Giữa hai phần đùi có hai khối đá nhỏ tượng trưng “cửa bát nhã”. Một khối đá nhỏ chui ra từ “cửa bát nhã” tượng trưng cho bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài là bàn chân.

Ông Nguyễn Văn Gia, thủ nhang đền Sinh cho biết: “Vì Đức Thánh mẫu Thạch Bàn đang trong tư thế rất “tế nhị” nên mặc dù tượng đá được ngự uy nghiêm trong căn nhà 3 gian bên trong hậu cung nhưng nhà đền vẫn che một lớp rèm phủ bằng tấm voan mỏng. Và đây cũng là lý do để nhà đền không cho phép bất cứ ai chụp ảnh, kể cả phóng viên”, ông Gia nói. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Gia, ngày tháng xây dựng đền thì không ai biết, nhưng đền Sinh có từ thời Tiền Lê. Thần tích ghi lại, trước đây khu vực đền là một địa thế sơn thủy hữu tình, linh chung tú khí, thông reo trên núi, nước chảy dưới khe, cá tôm lội thành đàn dưới đáy suối son đỏ, cát trắng, trên lưng đồi nức, trúc ríu rít bao quanh, có rất nhiều tảng đá to như chiếc chiếu nhấp nhô kỳ dị.

Theo thần tích của đền: Vào giờ Dần ngày 5/8/542, khi mặt trời gác núi, trẻ chăn trâu hội tụ dưới chân núi Ngũ Nhạc (thuộc chân đền Sinh bây giờ) bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc trên sườn núi. Chạy lại gần, đám trẻ trâu không thấy ai, chỉ thấy một đứa trẻ dáng vẻ khôi ngô ngồi ở chỗ hòn đá to bằng hai cái chiếu nứt đôi, vết nứt rộng chừng hơn một thước, em bé ngồi ở chính giữa chỗ vết nứt đó và khóc vang như tiếng chuông. Thấy sự việc lạ kỳ, một đám trẻ trâu thuộc làng bên chạy về báo với người lớn. Những người già trong làng vội vàng sửa soạn khăn áo, lọng, cờ đi rước đứa trẻ về. Trong khi đó, đám trẻ trâu làng An Mô nhanh trí hơn đã lấy tay làm kiệu, lấy mũ làm lọng, lấy khăn làm cờ bế bồng đón hài nhi về làng. Đi được vài trăm mét, bỗng dưng trời nổi mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, em bé liền bay thẳng lên trời. Một lát sau, từ trên trời cao có tiếng nói vọng xuống: “Ta là thần Phi Bồng đây”. Người dân địa phương lấy làm kinh dị bèn bảo nhau lập miếu thờ. Nơi thứ nhất là nơi Đức Thánh mẫu Thạch Bàn hạ sinh con được gọi là đền Sinh. Và nơi Đức thánh Phi Bồng hóa về trời được gọi là đền Hóa. Hai ngôi đền cách nhau chừng 800m, trong một không gian văn hóa tâm linh được nhiều cặp gia đình hiếm muộn tìm đến xin con.

Kỳ bí tích “xin”

Đền Sinh nổi tiếng linh thiêng trong việc xin con do có một tích khác là  “Ngọc Phả thiên thần vị”, “Thần tích bi ký” (theo tài liệu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm – thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam). Câu chuyện huyền thoại về thần Phi Bồng được kể lại như sau:

Vào thế kỷ thứ 6, có một cặp vợ chồng già là ông Chu Thức và bà Hoàng Thị Ba ở trang Phấn Lôi (trang Yên Mô cũ) dù người chồng đã 61 tuổi và người vợ đã 52 tuổi mà vẫn chưa có một mụn con. Một hôm, hai vợ chồng ông Chu Thức rủ nhau lên đền sắm đủ lễ vật để cầu trời mong sinh được đứa con. Sau khi làm lễ, bước ra đến cửa bỗng thấy một vết chân người rất lớn. Ông Chu ướm thử không vừa, bà Ba vừa ướm vào thì thấy trong người rạo rực hẳn lên. Từ đó, sau nhiều ngày uyên ương vui vầy chồng vợ, bà Hoàng Thị Ba có thai. Một năm sau, đúng ngày mùng 5/5 năm Ngọ, trời đất bỗng nổi giông bão mịt mùng, mưa to, gió lớn, hương thơm lan tỏa khắp nhà, hào quang sáng rực đến tận giờ thân thì bà Ba trở dạ sinh một cậu con trai khôi ngô tuấn tú và đặt tên là Hiện, tự là Phúc Uy. Năm Phúc Uy 15 tuổi thì cả cha mẹ cùng mất. Cái chết của cha mẹ chỉ cách nhau có 3 tháng. Chu Phúc Uy để tang cha mẹ đủ 3 năm và trong suốt 3 năm đó, trong nhà lúc nào cũng đèn nhang tấn tâm kính viếng. Làng xóm thấy vậy ai cũng khen ngợi vợ chồng ông Chu Thức có người con hiếu thảo.

Mẹ đá và chuyện xin con ở ngôi đền thiêng - 2

Cửa Tam Bảo của Đền Sinh. Ảnh: Vạn Xuân

Năm Chu Phúc Uy 19 tuổi, nước nhà có giặc phương Bắc tràn sang. Lý Quý Long (tức vua Lý Nam Đế sau này) dựng cờ khởi nghĩa ở Yên Hoa. Chu Phúc Uy liền tập hợp được hơn 10 người trai tráng trong vùng xin theo Lý Quý Long đi đánh giặc. Lý Quý Long chấp nhận và phong Chu Phúc Uy làm nha tướng. Sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, Lý Quý Long lên làm vua, lấy hiệu là Lý Nam Đế rồi phong cho Chu Phúc Uy làm Vũ đại tướng quân và giao cho trấn giữ vùng Hải Dương. Về sau, quân giặc phương Bắc lại kéo sang, vua Lý lại triệu Chu Phúc Uy cầm quân đánh giặc. Tuy nhiên, đội quân của giặc phương Bắc lần này mạnh hơn lần trước, binh khí ngút trời, cờ xí rợp đất. Chu Phúc Uy chặn giặc ở sông Thiên Đức rồi thu rút quân về Việt Yên (Bắc Giang) và hy sinh tại đó.

Sau này đến triều vua Lý Thái Tông về chùa Cổ Pháp, đi qua sông Thiên Đức, tự nhiên mộng thấy có người nói rằng: “Thiên hạ gặp loạn, nhà ta là nhà trung nghĩa, tích danh sáng tựa nhật nguyệt”. Khi vua đến chỗ có tiếng nói thì không thấy ai nhưng tự nhiên nhớ đến chiến công của Chu Phúc Uy giúp Lý Nam Đế đánh giặc trước đây. Vua liền trở về quê cũ của cha mẹ Chu Phúc Uy ở trang Yên Mô, sai tạc tượng thờ phụng, sai cấp tiền để lập miếu thờ cúng, dân làng được miễn sưu dịch.

“Có bệnh vái tứ phương”

Bà Dương Thị Lương, 70 tuổi, thủ từ trông lầu Cô bé Thạch Bàn (thuộc đền Sinh, xây dựng trên chỗ ngài giáng) chỉ vào  hai người phụ nữ (trong đó có một phụ nữ đang mang bầu) cho biết: Người phụ nữ này mang thai được là do đến đền Sinh “xin” con. Vì thế, suốt từ ngày mang bầu đến giờ, tuần rằm nào chị cũng đến đền thắp hương, xin cho được bình an đến ngày mẹ tròn con vuông.

Tiếp xúc với phóng viên, người phụ nữ mang bầu cho biết, chị tên là Vũ Thị Hiền, 32 tuổi, quê ở Bắc Ninh. Chị Hiền lấy chồng lần đầu năm 22 tuổi nhưng suốt 6 năm trời chung sống chưa một lần đậu thai. Chán chường, chồng Hiền ra ngoài cặp bồ với gái rồi quay về đay nghiến vợ. Nghĩ rằng việc không có con là do mình nên chị Hiền cắn răng chịu đựng. Cho đến một ngày, cô gái là bồ của chồng vác bụng đến đề nghị Hiền giải thoát cho chồng để con cô ta có bố thì chị đành nuốt nước mắt viết đơn ly hôn.

Hai năm sau, chị Hiền được bạn bè mai mối với một người đàn ông góa vợ ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Thấy chị Hiền mãi không mang thai, người chồng bàn với vợ đến đền Sinh “xin” con. “Lúc này tôi đang theo một bác sĩ chữa hiếm muộn nhưng vì “có bệnh vái tứ phương” nên tôi cũng nghe chồng. Đến giờ mang thai, mừng vô cùng. Mặc dù tôi biết có con chủ yếu là do Tây y tác động, nhưng tôi vẫn xin tạ ơn tất cả”, chị Hiền chia sẻ. Tuy nhiên, vì lý do chưa “mẹ tròn con vuông” nên chị Hiền đề nghị không chụp ảnh sợ “nói trước bước không qua”.

Cụ Phạm Văn Được, 77 tuổi - người có thâm niên 18 năm viết sớ tại cửa đền Sinh cho biết, khách đến đền nhờ cụ viết sớ chủ yếu là sớ xin cầu tự. Đến nay, cụ đã viết gần 2.000 tờ sớ cầu tự cho khách các nơi.  Mỗi một người khách đến viết sớ, cụ Được lại tỉ mỉ ghi chép tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của từng cặp vợ chồng vào sổ. Khi các cặp vợ chồng đậu thai đến tạ lễ, cụ Được cũng ghi chép lại. Với những cặp vợ chồng ở xa, không có điều kiện làm lễ tạ thì khi đậu thai gọi điện lại nhờ cụ Được lên đền xin tạ trước. Khi nào “mẹ tròn, con vuông” có điều kiện thì gia đình sẽ đến đền làm lễ tạ sau.

Mẹ đá và chuyện xin con ở ngôi đền thiêng - 3

Cụ Nguyễn Văn Được, người đã viết gần 2000 tờ sớ cầu tự ở Đền Sinh. Ảnh: TL

Lần giở cuốn sổ của cụ Được, chúng tôi thấy cụ không chỉ ghi chép cẩn thận tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại của từng cặp vợ chồng, mà khi họ sinh em bé rồi quay lại nhờ cụ làm lễ “tạ”, cụ Được còn ghi chép cả tên, năm sinh, giới tính của em bé vào sổ. Đặc biệt có những cặp vợ chồng như anh Đ.K (43 tuổi) – chị N.T.B (39 tuổi) đã sinh đôi một con trai và một con gái vào năm 2012.

Trong số các cặp vợ chồng đến “xin” con, cụ Được nhớ nhất là cặp vợ chồng ông P.H (61 tuổi) Hà Đông, Hà Nội, bởi khi viết sớ cụ biết người chồng đã 61 tuổi còn cô vợ chỉ có 33 tuổi. Bẵng đi một thời gian, trong lúc cặm cụi viết sớ, cụ Được thấy một túi quà trịnh trọng đặt xuống bàn, ngẩng lên thì bắt gặp nụ cười tươi rói của người vợ trẻ. Lúc này, bụng cô đã lùm lùm. Cô vợ vui mừng chia sẻ đã mang thai đôi và đến đền xin làm lễ “tạ”. “Mỗi lần ra Hà Nội, tôi thường gọi cho ông P.H. Ông ấy đánh ô tô đến đưa tôi đi khắp nơi. Tình nghĩa lắm”, cụ Được chia sẻ niềm vui về người “khách hàng” của mình.

Lý giải “xin” con theo khoa học

Theo TS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tâm lý chung của những người hiếm muộn là “có bệnh, vái tứ phương”. Ngoài ra,  các cặp vợ chồng chữa hiếm muộn thường rất mệt mỏi vì áp lực của gia đình nội ngoại, thời gian chữa bệnh kéo dài, đi lại nhiều, tốn kém tiền bạc, đặc biệt là với người phụ nữ vì lo sợ không có con nên chồng sẽ đi “kiếm” con ở ngoài… Vì vậy nhiều người đã tìm đến đền chùa trước hết là để tìm kiếm sự thanh thản ở trong tâm. Ngoài ra, nhiều người còn quan niệm “con cái là của trời cho” nên đến đền, chùa “xin” một mụn con là điều rất dễ hiểu.Vì vậy, chữa hiếm muộn, vấn đề cân bằng tâm lý  cũng rất quan trọng. Tin rằng sẽ chữa khỏi, tin rằng mình sẽ được làm cha mẹ sẽ khiến cho người hiếm muộn có được tâm lý thoải mái. Nếu người hiếm muộn đi chữa bệnh, kết hợp với niềm tin tâm linh khiến cho họ có được trạng thái tâm lý cân bằng thì có thể dễ đạt được nguyện vọng.

Tuy nhiên, TS Lê Vương Văn Vệ cũng cho rằng, với những gia đình hiếm muộn thường là họ đã trải qua một quá trình chữa bệnh. Vì vậy, việc có thai tự nhiên có thể là do trùng hợp ngẫu nhiên với sự tự hồi phục sau một thời gian điều trị thì thuốc có tác dụng. Vì vậy, người dân không nên thần thánh hóa, thổi phồng để rồi phụ thuộc vào nó quá nhiều mà bỏ qua những tiến bộ của y học hiện đại.

Theo Mai Thúy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan