Nhắc đến 30 ngày giành giật sự sống của con gái, chị Thùy cho biết, Suri vốn không hề có ký ức ấy. Nhưng chị vẫn luôn kể cho con nghe về tuổi thơ từng bị bệnh nặng. Chị muốn con biết bản thân đã dũng cảm chiến đấu với “cửa tử” và được mọi người lo lắng, yêu thương ra sao?
Sáng 15/3, chúng tôi gặp lại chị Nguyễn Thùy (SN 1986, Nghệ An) – người mẹ trải qua 30 ngày giành giật sự sống cho con gái tên Suri tại tâm sởi năm 2014. Chị khác rất nhiều so với hồi bé Suri nằm ở bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). “Giờ mình vui lắm! Mình chỉ cần được nhìn con lớn, con khôn và khỏe mạnh là lúc nào cũng hạnh phúc”, người phụ nữ xứ Nghệ nói.
Sau đó, chị kể cho chúng tôi nghe về những giọt nước mắt hạnh phúc khi chứng kiến sự lớn khôn, trưởng thành của Suri suốt 7 năm qua – kể từ ngày con vượt “cửa tử” thành công…
Suri - cô bé từng có "quá khứ" khiến bao người xót xa.
“7 năm trước có nằm mơ mình cũng không nghĩ con sẽ được như bây giờ”
“Sau lần mắc sởi, hệ miễn dịch của Suri kém lắm. Hai năm đầu khi ra viên, con bé hay ốm vặt và mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi, viêm phổi và viêm phế quản. Bởi vậy mình mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng khoa học và thiết lập môi trường sống tốt cho con”, chị Thùy nói.
Theo đó, chị nghiên cứu các loại sữa cho trẻ mới ốm nặng dậy rồi lựa chọn loại tốt nhất. Chị còn bổ sung dưỡng chất như vitamin, sắt,… vào bữa ăn hàng ngày của con. Ngoài ra chị cố gắng tạo không gian sống trong lành, sạch sẽ để tránh tình trạng con bị nhiễm khuẩn hay virus.
Chị Thùy kể: “Hồi ấy, nhiều người nói mình kỹ tính, khuyên cứ để con phát triển tự nhiên rồi lớn một chút sẽ ổn. Nhưng họ đâu hay cái cảnh hai vợ chồng bất lực đứng trước cửa phòng bệnh, nhìn con chằng chịt ống kim tiêm trên người và phải thở bằng oxy rồi chỉ biết cầu nguyện có một phép màu diệu kỳ xảy ra. Nếu ai từng trong hoàn cảnh ấy chắc chắn sẽ thấu hiểu mọi việc mình làm”.
Suri giờ vô cùng tinh nghịch và đáng yêu.
Bằng tình yêu con, 2 vợ chồng chị Thùy đã thành công giúp con gái khỏe mạnh và phát triển như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Suri đã chấm dứt tình trạng ốm vặt, siêng vận động và vô cùng tinh nghịch.
“Suri là đứa trẻ sống tình cảm, hay lý sự và hài hước. Giờ con đã học lớp 2 và ra dáng chị cả của hai đứa em gái nhỏ. Nhiều bữa vợ chồng mình bận công việc không để ý được đến chúng, Suri liền thay mặt ba mẹ “quản” và dạy các em học chữ đọc số.
Con bé còn có gu thời trang tinh tế. Con thường xuyên tư vấn cho mình nên kết hợp quần áo như thế nào trước khi đi làm. Thực sự nhìn con khỏe mạnh và lớn khôn từng ngày mà đôi lúc mình không kiềm chế nổi nước mắt. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc bởi 7 năm trước có nằm mơ mình cũng không dám nghĩ con sẽ được như bây giờ”, người mẹ xinh đẹp tâm sự.
Suri đã có thể giúp bố mẹ trông 2 em gái.
Sinh nhật năm 7 tuổi của Suri.
Nhắc đến 30 ngày giành giật sự sống của con gái, chị Thùy cho biết, Suri vốn không hề có ký ức ấy. Nhưng chị vẫn luôn kể cho con nghe về tuổi thơ từng bị bệnh nặng. Chị muốn con biết bản thân đã dũng cảm chiến đấu với “cửa tử” và được mọi người lo lắng, yêu thương ra sao? Vì thế, Suri hay khoe với các bạn cùng lớp về “chiến tích” của mình.
Còn bản thân chị cũng không bị ám ảnh hay sợ hãi điều gì mà có niềm tin hơn vào cuộc sống. Chị bảo ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa, dù chỉ còn một tia hi vọng thì cũng nên cố gắng và không được buông xuôi. Chị tin cổ tích vẫn hiện diện trên đời này, giống như câu chuyện của bé Suri.
Và đây là sinh nhật 8 tuổi của Suri, diễn ra vào tháng 2 vừa qua.
Từng ngã gục khi bác sĩ nói chuẩn bị tâm lý cho trường hợp xấu nhất
Mặc dù không ám ảnh chuyện bé Suri mắc bệnh nặng nhưng trong chị Thùy vẫn còn một phần ký ức về 30 ngày “đen tối” ấy! Chị nói: “Làm sao mình có thể quên được chứ. Mình nhớ hồi 12 tháng tuổi, con bé bụ bẫm và khỏe mạnh lắm. Đùng cái, con có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi, đau mắt và bỏ ăn. Vợ chồng mình vội vàng đưa con đến một phòng khám tư và được bác sĩ chẩn đoán viêm mũi họng nên an tâm đưa con về nhà trị bệnh.
Con uống thuốc mãi không đỡ, mình sốt ruột giục ông xã đưa con ra Bệnh viện Nhi Trung ương làm các xét nghiệm lâm sàng. Bác sĩ bảo con đã mắc bệnh sởi, khuyên nhập viện càng sớm càng tốt. Từ đó chúng mình bắt đầu hành trình 30 ngày giành giật sự sống cho cô con gái bé bỏng”.
Cô bé nằm viện năm nào để giành giật sự sống đã lớn khôn và xinh đẹp vô cùng.
Nhập viện, Suri sốt liên tục, cứ 2 tiếng đồng hồ phải dùng hạ suốt một ngày. Sau đó 2 ngày, bé cắt cơn nhưng cũng là lúc phổi tổng thương nặng. Đến ngày thứ 12, bé phải thở bằng oxy, men gan cao hơn rất nhiều lần bình thường kèm những triệu chứng như trướng bụng… vô cùng nguy hiểm.
“Có lẽ ngày thứ 15 con nhập viện là mốc thời gian mình không bao giờ quên được. Bởi đó là thời khắc mình đau đớn chứng kiến cảnh con rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh. Đêm ấy, mình nằm xoa bóp cho con thì thấy máy thở kêu loạn nhịp và báo nhịp tim 200. Mình hốt hoàng gọi chồng báo bác sĩ: một bác sĩ và 3 điều dưỡng quây quanh giường của con bé truyền nước, tiêm, hút dịch…
Khi ấy mình nghĩ chỉ cần làm như vậy là con có thể trở lại trạng thái khi nãy. Ngờ đâu, bác sĩ lại thông báo con nguy kịch, cần phải chuyển sang khoa hồi sức cấp cứu. Và chuyện gì đến cũng đến, họ báo vợ chồng mình chuẩn bị trước tâm lý trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Mình đã ngã gục trước cửa phòng bệnh mà không thể gượng dậy nổi", chị Thùy nhớ lại.
Thần thái hệt hoa hậu nhí của cô bé Suri.
Điều mà vợ chồng cũng như gia đình chị Thùy làm được lúc ấy là cầu mong có một phép màu diệu kỳ đến với bé Suri. Họ chấp nhận đánh đổi tính mạng của mình để cứu lấy sự sống cho đứa trẻ vừa tròn một tuổi.
Dường như thấu hiểu nỗi đớn đau của vợ chồng chị Thùy, cuối cùng phép màu đã đến với bé Suri. Sau 7 ngày nằm tại khoa Hồi sức tích cực, bé đã cai được thở máy, chuyển khỏi phòng cách ly và người nhà có thể vào thăm trực tiếp.