Nếu không có cái sự rần rần trên mạng xã hội mấy ngày nay thì có lẽ tôi cũng đã quên ngày hôm nay là ngày Quốc tế thiếu nhi.
Đơn giản vì ở nơi tôi đang sống, nước Pháp, ngày này gần như chẳng có hoạt động gì đặc biệt. Ở Pháp, 20/11 là ngày Thiếu nhi Thế giới, ngày mà bất cứ đứa trẻ nào trên đất Pháp cũng được dạy rằng, đó là ngày mà Liên hiệp quốc khởi xướng để người lớn cam kết thực hiện những quyền của trẻ em.
Liên hiệp quốc để cho mỗi quốc gia chọn ngày Quốc tế Thiếu nhi riêng phù hợp với thực tế tại đất nước của mình. Đa phần các quốc gia châu Âu lấy luôn ngày 20/11 làm ngày Thiếu nhi, các quốc gia trong khối Xã hội chủ nghĩa trước đây đã chọn ngày 1/6, một số nước như Nhật, Hàn, Triều tiên, HongKong lại chọn một ngày khác riêng cho mình.
Cho con không chỉ một ngày
Tôi nhớ 20/11 năm ngoái, con tôi đi học về mang theo một bức tranh con tự vẽ với chủ đề: trẻ em được yêu thương. Con bảo, thầy giáo nói, trẻ em luôn phải được yêu thương. Không quà, không khẩu hiệu, không có hoạt động bề nổi gì hết, ngày Thiếu nhi của con và các bạn chỉ đơn giản là một hoạt động ngoại khóa như vậy.
Nhưng có lẽ chỉ một câu nói đơn giản của thầy giáo cũng đủ để con hiểu, con được yêu thương và quan tâm vì con là trẻ em. Tôi cũng nhớ, khi tôi tham dự lớp học bắt buộc dành cho những người mới đến sinh sống tại Pháp, trong rất nhiều bài thảo luận hàng ngày, có lần thầy giáo đưa đề tài về quyền trẻ em. Khi tôi nói, ở Việt Nam, trẻ em được tặng quà, được vui chơi trong ngày 1/6, thầy giáo đã hỏi tôi: Vậy những ngày khác thì sao ?
Mai Linh - con gái hơn 4 tuổi của mẹ Việt - Đan Hà
Ở Pháp, có hai ngày chắc chắn trẻ con được tặng quà, thậm chí là rất nhiều quà, đó là ngày sinh nhật và Noel. Người Pháp cũng có thói quen rất dễ thương là khi đến thăm nhà nhau, đôi khi chỉ là để dùng bữa tối, lúc nào cũng có quà cho trẻ con trong gia đình.
Có lẽ vì vậy, với người Pháp không cần có thêm một ngày nào nữa để trẻ con được tặng quà. Còn việc vui chơi cho con thì có lẽ phụ huynh Pháp là một trong những nước “mệt mỏi” nhất. Các con đi học, cứ sau hai tháng là có một kỳ nghỉ từ 10 ngày đến 2 tuần, nghỉ lễ Noel và năm mới kéo dài cả tháng, nghỉ hè hai tháng, chưa kể hàng tuần đi học 4 ngày còn lại 3 ngày nghỉ.
Các hoạt động vui chơi ngoại khóa cho trẻ con cực kỳ phong phú, từ đàn hát, vẽ, nhảy múa, võ thuật, bơi lội, cưỡi ngựa đến lái thuyền buồm, trượt tuyết... đủ cả, mùa nào trò đó.
Hoạt động ngoại khóa phong phú, kể cả là chăn cừu
Con chọn, bố mẹ có nhiệm vụ sắp xếp thời gian để đưa đón con. Có những hoạt động phải đóng tiền (so ra vẫn rẻ hơn nhiều nếu thuê người giữ trẻ) nhưng cũng nhiều hoạt động vui chơi miễn phí, tùy gia cảnh mà lựa chọn. Cái chính vẫn là làm sao để tiêu hết quỹ thời gian chơi của các con.
Và gần như là luật bất thành văn, mỗi năm ít nhất một lần, cả gia đình sẽ đi nghỉ ở đâu đó, ít nhất một tuần. Đương nhiên, các kỳ nghỉ gia đình bao giờ cũng được ưu tiên lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của con trẻ.
Vui chơi cũng là quyền
Nhìn những hoạt động rầm rộ của cha mẹ Việt dành cho con em mình trong ngày 1/6, thật lòng tôi cảm thấy có phần lo lắng. Con em chúng ta đâu chỉ có một ngày này để được nhận yêu thương, để được vui chơi, để được tặng quà. Hình như phụ huynh Việt ít người biết rằng, vui chơi cũng là một trong những quyền của con trẻ.
Học sinh tiểu học được trường tổ chức tham dự lễ hội Carnaval hằng năm
Trẻ em Việt ít được vui chơi quá. Cả tuần các con bận rộn còn hơn cả người lớn với việc học, học sáng, học chiều, học cả đêm. Cuối tuần cũng học, may ra được một buổi bố mẹ cho ra công viên chơi, cho đi ăn kem, ăn gà rán.
Chẳng mấy đứa hàng tuần được đi bơi, chẳng mấy đứa được đi cắm trại, được tụ tập bạn bè đá bóng, thả diều, ... Các hoạt động thể chất ở trường chủ yếu tập trung ở giờ thể dục, hai tiết mỗi tuần, diễn ra trong cái sân bé tí, hầu như không gì khác ngoài những bài tập đơn thuần.
Hãy cho trẻ cái quyền được vui chơi
Về nhà, các con lại bị bó gọn trong bốn bức tường, chẳng mấy khu dân cư có được cái sân chơi cho con trẻ. Mà nếu có thì đa phần bố mẹ cũng chẳng có thời gian cho con ra chơi. Và thế là con em chúng ta dù rất thông minh, học giỏi nhưng lại vẫn ở trong nhóm thể chất kém, còn các kỹ năng sống thì hầu như chẳng được trang bị gì.
Vậy mới thành chuyện bi hài khi đưa con về quê, con thấy con bò thì reo lên mừng rỡ, “con heo” to quá mẹ ơi. Vậy mới thành nỗi đau xót khi một đất nước nào biển, nào sông mà năm nào cũng có quá nhiều trẻ em thiệt mạng vì đuối nước.
Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng tôi vẫn ước, ước gì những đứa trẻ Việt Nam được thực sự sống cuộc sống của một đứa trẻ. Từ Quốc tế Thiếu nhi nhìn lại, mong người lớn thuộc hơn và thực hành đúng Quyền trẻ em.
Tác giả Đan Hà từng là nhà báo tại Việt Nam, Thư ký tòa soạn ấn phẩm Công lý & Xã hội. Hiện, mẹ Việt Đan Hà đang sống cùng chồng Tây và con gái Mai Linh tại Pháp. |