Những cái tên khai sinh lạ lùng của trẻ thỉnh thoảng lại xuất hiện và ngày một nhiều thêm. Chính quyền địa phương cũng bắt tay vào cuộc để “trả” lại tên thuần Việt cho các em…
Ngăn tên lạ…
Già làng Đinh Văn Ngo, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi thốt lên: “Bản sắc của dân tộc mình phải đặt tên đúng bản sắc dân tộc mình, rốt cuộc người Việt Nam mà lại đặt tên nước ngoài đó là chuyện không phải, khó nghe lắm”.
Già làng kể, từ lúc có được cái tivi, được xem phim Hàn Quốc, nhiều bà con nơi đây “chết mê chết mệt” với dàn diễn viên xứ Kim Chi đẹp trai, xinh gái. Rồi khi bản làng có được chiếc điện thoại hiệu này, hiệu nọ là lấy nó đặt tên cho những đứa con máu mủ của mình.
“Người dân trên này hễ thích cái gì là đặt tên cho con cái ấy. Họ thích, họ thương mến thầy giáo cô giáo nào là khi con họ chào đời họ cũng sẽ đặt tên con họ theo tên thầy giáo, cô giáo đó. Ai bảo đổi họ cũng không chịu”, thầy giáo Lê Cao Đồng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây chia sẻ.
Nhiều đứa trẻ ở vùng cao Sơn Mùa “được” cha mẹ vô tư gắn cho cái tên lạ
Tên lạ sẽ gây nhiều rắc rối với những đứa trẻ Sơn Tây
Ngay cả ông Lê Hoài Thạnh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Sơn Tây cũng không nghe “lọt được tai” những cái tên lạ mà những đứa học trò của mình. “Qua cách gọi, cách dùng hàng ngày chúng tôi thấy đặt tên kiểu như vậy có nhiều cái phản cảm. Phản cảm thứ nhất là không giữ được bản sắc đặt tên con đối với các dân tộc ít người ở miền núi. Tiếp theo nữa là nếu cách gọi như thế này mà không chấm dứt, không có biện pháp chấn chỉnh thì nó sẽ tràn lan và giống như sẽ bị lai căng các tên gọi mà không hề tốt trong giáo dục trong nhà trường”, ông Thạnh nói.
Ông Lê Văn Cường, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây cho biết, từ lúc phát hiện những cái tên lạ đặt theo hãng điện thoại, tên theo các ngôi sao diễn viên nước ngoài, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo ngay cho chính quyền xã ngăn chặn, không để những cái tên dạng này tiếp tục xuất hiện và hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân nên đặt tên theo đúng bản sắc văn hóa của người đồng bào Cadong. “Xã cũng đã chỉ đạo cho Tư pháp địa phương phải hết sức chú ý đối với những cái tên không phù hợp để vận động người dân đặt tên con cho phù hợp. Giờ thì họ đã hiểu ra và ít thấy ai đặt tên lạ như vậy cho con mình nữa. Chúng tôi vẫn chú trọng chuyện đặt tên để ngăn chặn tên lạ xuất hiện thêm”, ông Cường nói.
Chính quyền địa phương cho biết sẽ đổi lại tên cho các em và hướng dân làng đặt tên phù hợp với bản sắc văn hóa của người Cadong
Bà mẹ trẻ Đinh Thị Trinh tự hào khi đặt tên cho đứa con đầu lòng của mình đúng với bản sắc văn hóa của làng mình: Đinh Văn Chi
“Trả lại tên cho con”
Theo ông Nguyễn Đức Lâm, Trưởng phòng Tư pháp huyện Sơn Tây (ttỉnh Quảng Ngãi), hiện “không còn ai đặt tên kỳ cục như vậy cho con em mình nữa rồi”!. Riêng hàng chục con em “trót” mang những cái tên “không đụng hàng”, ông Lâm thừa nhận tư pháp huyện, xã cũng chỉ dừng ở chỗ vận động bà con đổi tên con em mình cho thuần Việt chứ không thể bắt họ phải thực hiện việc đổi tên.
“Địa phương đang vận động cha mẹ các em và sẽ hỗ trợ về mặt pháp lý để đổi lại tên cho những em đang mang những cái tên lạ này. Đã có một số cha mẹ đổi lại tên cho con mình rồi”, ông Lâm nói.
Em Kakywell giờ đã có cái tên mới là Đinh Xuân Bình
Tìm hiểu, chúng tôi được biết em học sinh được đổi tên là Kakywell, con của chị Đinh Thị May, ở tập đoàn 3, xã Sơn Mùa. Khi vừa mới sinh con, không hiểu chồng chị May thích cầu thủ bóng đá nào ở ngoại quốc tên Kakywell mà lấy luôn chữ đó đặt tên cho con, bỏ luôn cả họ Đinh truyền thống của dân tộc mình. Đứa con thứ hai của anh chị cũng “chơi” luôn theo tên Hàn Quốc tên là Yi Haing.
Về trường hợp này, ông Lâm cho biết em Kakywell đã được đổi về cái tên chính gốc của người Cadong là Đinh Xuân Bình. “Chúng tôi đã sửa lại toàn bộ giấy tờ cho Kakywell thành tên Đinh Xuân Bình”, ông Lâm xác nhận.
Ông Lâm cũng nói thêm là đã cử cán bộ xuống từng thôn bản để tuyên truyền cho người dân không nên đặt tên con như thế mà nên đặt tên con theo tên địa phương, phù hợp với phong tục tập quán vùng cao nên người dân cũng đã chấp nhận. Một số gia đình cũng muốn bỏ tên lạ để đổi lại tên mới cho con họ. “Trường hợp nào không phù hợp sẽ kiên trì vận động để bà con hiểu để sửa lại, đổi lại để những cái tên lạ kia được xóa bỏ”, ông Lâm chia sẻ.
Tên “độc”: Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi Báo chí từng phản ánh về chuyện cái tên “độc”: Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi. Chả là năm 1987, ông Mai Văn Cán ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) “lỡ” sinh đứa con thứ 5. Trong khi đó, Pháp lệnh về dân số đã ban hành quy định về kế hoạch hóa gia đình nên chính quyền xã phạt ông 6.500 đồng. Ông Cán năn nỉ xin tha nhưng không được. “Giận” chính quyền, ông đặt tên con mình thành Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi. Đến năm 2005, khi Mai Phạt Sáu Ngàn Rưỡi được 18 tuổi, anh mới được đổi tên thành Mai Hoàng Long để đi học được thuận lợi. |