Ngay sau khi chuyến bay MH17 bị rơi làm thiệt mạng toàn bộ 298 thành viên phi hành đoàn và hành khách, hàng loạt câu hỏi đã xuất hiện trong phòng họp từ New York (Mỹ) đến Kuala Lumpur (Malaysia), đó là “ai sẽ bồi thường cho thảm hỏa này?” - có thể lên đến hàng tỷ đô la.
Trước mắt, các nhà bảo hiểm, giám đốc điều hành của hãng hàng không và các quan chức chính phủ sẽ phải đau đầu trong việc xác minh cụm từ “chiến tranh” ở khu vực biên giới giữa Ukraine và Nga.
Theo đó, một máy bay dân sự đã rơi trên một khu vực có cuộc xung đột nhưng không có tuyên bố chính thức của chiến tranh. Điều này có thể loại trừ lý do “chiến tranh” trong chính sách của các nhà bảo hiểm đối với các máy bay công nghệ cao như Boeing 777-200. Cụ thể, công ty bảo hiểm quy định họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu “chiến tranh hoặc khủng bố phá hủy máy bay”.
Một người đàn ông đặt một bó hoa trước đại sứ quán Hà Lan để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay Malaysia Airlines tại Kiev, Ukraine, hôm 17/7/2014.
Điều khoản này trong trường hợp của MH17 vẫn đang là một vấn đề gây tranh cãi giữa các chuyên gia. Có người cho rằng, mặc dù không có tuyên bố chiến tranh chính thức, nhưng điều khoản trên có thể được áp dụng trong trường hợp đặc biệt này để buộc công ty bảo hiểm phải bồi thường. Ngược lại, nhiều người khác lại nghĩ, không có chiến tranh đã được tuyên bố giữa Ukraine và Nga, vì vậy hãy để Ukraine và Malaysia, hoặc Nga và Malaysia giải quyết với nhau (nếu Ukraine hoặc Nga là tác nhân gây nên thảm họa).
Bill Coffin, biên tập viên của tạp chí National Underwriter, cho biết, điều khoản “chiến tranh” có thể sẽ được áp dụng cho chuyến bay MH17, và điều này có nghĩa là hãng hàng không và chính phủ Malaysia sẽ phải chịu trách nhiệm cho cả sự mất mát của chiếc máy bay và đối với bất kỳ khiếu nại trách nhiệm nào từ gia đình của các hành khách xấu số. Điều này có thể lên đến ít nhất 1 tỷ USD.
Còn chính phủ Malaysia có thể đòi hỏi bồi thường từ bất cứ ai mà họ phát hiện đã bắn máy rơi bay. Tuy nhiên, Coffin cho biết, nếu đó là một nhóm phiến quân có quan hệ với Moscow (Nga) thì “sẽ có nhiều cơ hội trong việc thương lượng với họ để đòi một khoản bồi thường nào đó”, Coffin nói.
Bob Hartwig, Chủ tịch của Viện Thông tin Bảo hiểm, nói với Mashable rằng: “Sẽ mất một thời gian trước khi các chi tiết của vấn đề bảo hiểm được công bố chính thức”. Hartwig cho biết thêm, hãng hàng không có thể sẽ bổ sung vào điều kiện bảo hiểm trường hợp chiến tranh chỉ cần đang diễn ra trên thực tế chứ không nhất thiết phải đợi có “tuyên bố chiến tranh”.
Tuy nhiên, Rick Roberts, Phó chủ tịch của Hội Quản trị Rủi ro và Bảo hiểm Xã hội, cho hay: “Tôi không thấy bất kỳ một sự bảo hiểm nào dành cho một hành động chiến tranh, ở bất cứ nơi nào trên thế giới".
Trong trường hợp này, việc thiếu một tuyên bố “chiến tranh” có nghĩa là điều khoản loại trừ sẽ không được áp dụng, và Malaysia Airlines sẽ phải tự chịu một khoản tiền bảo hiểm. Để chứng minh đó là một vụ “khủng bố”, “Ai đó phải xác nhận rằng, hành động đã xảy ra không phải là một sai lầm”, Roberts nói.
Tùy thuộc vào các chính sách bảo hiểm, và các vụ kiện của người nhà nạn nhân, mà bồi thường có thể đến từ chính phủ Malaysia, công ty sở hữu Malaysia Airlines; hay từ chính phủ Nga hoặc Ukraina, hoặc cả hai quốc gia phải đưa nhau ra tòa án quốc tế.
Một vài người đang đi giữa các mảnh vỡ của máy bay Malaysia Airlines bị rơi chưa rõ nguyên nhân.
Quay lại thực tế, xét riêng Malaysia Airlines thì hãng hàng không này đã liên tục chịu lỗ từ năm 2010 và khó có đủ khả năng bồi thường trong vụ MH17.
Theo các chuyên gia bảo hiểm hàng không, đây không phải là một trường hợp mà công ty bảo hiểm chiếc máy bay Boeing 777 này phải bồi thường 500 triệu USD cho Malaysia Airlines vì sự mất mát của máy bay, cũng như nhiều khoản tiền trách nhiệm khác đối với cái chết của hành khách.
Chi phí trách nhiệm pháp lý tùy theo quốc tịch của các nạn nhân, tùy các nước có công dân thiệt mạng có hành động kiện hãng hàng không bồi thường thiệt hại ra sao. Trong trường hợp này, phần lớn các nạn nhân đến từ Hà Lan (thông tin mới nhất là có 173 người Hà Lan trên tổng số 298 người thiệt mạng).
Mashable khẳng định rằng, công ty bảo hiểm cho máy bay Boeing 777 này là Willis Insurance ở thành phố New York. Riêng với trường hợp mất tích bí ẩn của chuyến bay MH370 hồi đầu năm nay thì công ty bảo hiểm phải chấp nhận bồi thường là Allianz.