Ngôi mộ cổ nằm sâu trong con đường số 10, khu phố 4, phường Linh Chiểu (quận Thủ Đức, TP.HCM) từ xưa đã tồn tại một ngôi mộ cổ nằm sát đường qua lại, xuống cấp nghiêm trọng, nay được cải tạo lại khang trang nhưng vẫn giữ gìn được nét kiến trúc cũ.
Đây là mộ phần của ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, tiền hiền thôn Linh Chiểu. Ông mất ngày 19 tháng 6 (không rõ năm). Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890.
Tạ Dương Minh là người có công khai sáng vùng đất Thủ Đức, tên hiệu của ông được đặt tên quận Thủ Đức ngày nay.
Ông Thái Bá Cởi - Tổ trưởng dân phố cho biết, do ngôi mộ xuống cấp nên mới đây chính quyền địa phương và ngành Văn hóa thông tin quận tổ chức quyên góp các mạnh thường quân để trùng tu, với kinh phí gần 120 triệu đồng, khánh thành vào ngày 22-7-2016.
Ngôi mộ được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2007, mộ nằm trên gò đất cao so với các vùng xung quanh của phường Linh Chiểu, cách chợ Thủ Đức khoảng 500 mét.
Hiện nay, có một Ban quản lý tại địa phương chịu trách nhiệm về khu mộ cổ này. Hằng ngày, ông Cởi là người nhang khói và chăm sóc phần mộ.
Toàn cảnh khu mộ cổ đã được cải tạo khang trang.
Ngôi mộ có 2 vòng tường trong ngoài bao quanh. Trong ảnh: Lối vào mộ nằm ở hai bên, phía chính diện có tấm bia ghi thông tin phần mộ.
Phần mộ được cải tạo vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ, ngôi mộ kiến trúc theo hình voi phục.
Gắn liền phần chân mộ là tấm bia đá granit cao 42cm, rộng 32cm và dày 4cm. Bia khắc 37 chữ Hán, chia thành một hàng ngang và 3 hàng dọc, số chữ Hán này đã mờ vì trải qua năm tháng và mưa nắng. Nội dung bia mộ: “Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông nước Đại Nam. Ông mất ngày 19 tháng 6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890”.
Theo nhiều tài liệu đã ghi chép ông Tạ Dương Minh tức Tạ Huy là một người minh hương lánh nạn sang Việt Nam đến khu vực này khai khẩn lập ấp tại vùng Linh Chiểu xưa và lập ngôi chợ đầu tiên mang tên hiệu ông là chợ Thủ Đức.
Phần mộ có dáng Ngưu miên (Trâu ngủ). Ông Thái Bá Cởi kể lại một câu chuyện dở khóc dở cười. Rằng nhiều năm trước, có người dân nhiệt tình mang sơn trắng ra sơn cho mộ trông sáng sủa hơn. Khi phát hiện ra nấm mộ cổ trắng toát thì đã muộn. Mộ này được gọi là dáng trâu ngủ, mà con trâu thường đầm trong bùn, con trâu thì màu đen chứ sao sơn trắng được.
Bia sau mộ nằm sát nhà dân, ngôi mộ được bao quanh bởi 2 vòng tường.
Hoa văn trên thành tường bao quanh mộ được giữ nguyên.
Cửa mộ có hai trụ gắn vào tường bao. Trên đầu cột trụ có chạm búp sen.
Trong quá trình cải tạo mộ, từng đường nét kiến trúc trên từng trụ cột vẫn được giữ nguyên.
Dưới nền khu mộ còn lại những mảng đá tổ ong tồn tại hàng trăm năm nay.
Hiện còn hạng mục tấm bia đá ghi thông tin để dựng tại khu mộ và hệ thống bảng chỉ đường vào khu mộ, kinh phí dự kiến khoảng 30 triệu đồng, đang tiếp tục được vận động để thực hiện.
Khu mộ lúc chưa được cải tạo. Ảnh: Internet.