Trước những thông tin đang gây xôn xao dư luận xã hội về “lò đào tạo tiến sĩ”, “1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ”… Học viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức họp báo về việc này.
“1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ”
Gần đây, thông tin được người dùng Facebook phân tích từ website của Học viện Khoa học Xã hội đã khiến dư luận xôn xao. Theo đó, thống kê từ đầu năm 2016 đến đầu tháng 4 đã có 58 tiến sĩ bảo vệ thành công, năng suất 1 ngày 1 giờ 15 phút ra một tiến sĩ.
Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tổ chức họp báo giải thích về những thông tin trên mạng xã hội về chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo 350 tiến sĩ/ năm
Cụ thể, trong năm 2015, từ 1.1 đến 31.12, Học viện Khoa học Xã hội cho ra lò 165 tiến sĩ. Nếu chỉ tính ngày làm việc, năng suất năm 2015 là một ngày 3 giờ 55 phút cho ra lò một tiến sĩ.
Chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ 2016 tại cơ sở này là 350. Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 cũng là 350. "Với chỉ tiêu này, vài năm sau, nếu tính rơi rụng 50 nghiên cứu sinh thì chắc sẽ ra lò 300 tiến sĩ một năm, tức sẽ rất nhanh chóng vượt đích cho ra lò dưới một ngày làm việc một tiến sĩ", người này nhận xét.
Bên cạnh đó, một số đề tài được người dùng Facebook mổ xẻ và cho rằng chưa xứng tầm với luận án tiến sĩ là "đặc điểm giao tiếp với dân của Chủ tịch UBND xã", "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", hay "Sự thích ứng với hoạt động dạy học của giáo viên tiểu học mới vào nghề"…
Ngay khi, thông tin trên được đăng tải đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ trên mạng xã hội, cùng nhiều ý kiến trái chiều.
“Chỉ tiêu còn quá ít”
Sáng ngày 22.4, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam (KHXH VN) đã chức họp báo để giải thích về việc này.
Theo PGS. TS Võ Khánh Vinh, Giám đốc Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, con số 350 chỉ tiêu nghiên cứu sinh một năm của học viện vẫn còn “quá ít”.
“Học viện thông báo chỉ tiêu 350 nghiên cứu sinh/năm. Còn số tưởng nhiều nhưng chia nhỏ cho 36 chuyên ngành, chưa đến 10 nghiên cứu/ đầu ngành.
Ở các cơ sở khác thì tôi không biết, nhưng ở học viện, số học viên tuyển sinh vào so với số học viên trúng tuyển gần gấp đôi. Như vậy, chúng tôi có cơ sở xét tuyển đầu vào rất cao.
Chỉ tiêu không phải do học viện đề ra mà dựa trên năng lực, quy định của Bộ GD&ĐT”, ông Vinh nói.
PGS Vinh cho biết, Học viện KHXH Việt Nam thành lập 2010, trên cơ sở hợp nhất 17 cơ sở đào tạo tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2010, học viện chỉ có 268 nghiên cứu sinh. Hiện nay chỉ tiêu 350 mà nhân 3 năm thì chúng tôi có 1050 nghiên cứu sinh cho từng đấy ngành. Trong số đó, không phải tất cả đều được bảo vệ, số lượng trả về và không cho quay trở lại là 10%.
Từ năm 2011, học viện đã đào tạo 785 tiến sĩ, cho 36 ngành và chuyên ngành.
“Con số này so với dân số của chúng ta, so với các cơ sở đào tạo, các nước trong khu vực chưa thấm là bao nhiêu. Tôi muốn chia sẻ một thông tin rất thú vị, trong tổng số 785 tiến sĩ, có 10% làm việc tại Viện Hàn Lâm, giáo viên trên khắp cả nước, số lượng giảng viên đại học chiếm tỷ trọng lớn.
Tôi khẳng định rằng số lượng nghiên cứu sinh ở một cơ sở lớn, đảm bảo duy nhất của cả nước, con số 350 chỉ tiêu còn quá ít”, ông Vinh nói.
Giám đốc Học viện KHXH VN cho hay, quá trình đào tạo học viện đã mở rộng ngành đào tạo từ 17 ngành lên 44 ngành, sau đó hợp nhất lại còn 36 ngành và đang có 412 Giáo sư, PGS, Tiến sĩ đang đào tạo.
PGS Vinh cho rằng số lượng chỉ tiêu với một cơ sở đào tạo đa ngành, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cao cho cả nước thì vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu hiện nay của xã hội. Việc xác định cơ sở chỉ tiêu là đúng cơ sở pháp luật, đúng thực tiễn nhu cầu xã hội.
Về quy trình đào tạo, theo PGS Vinh học viên có quy trình đào tạo rất chặt chẽ, có thể phổ biến cho các cơ sở khác học tập.
“Với quy trình chúng tôi chiêm nghiệm trong 6 năm vừa qua, chúng tôi rất tự hào. Tất cả các nghiên cứu sinh ở học viện đều đánh giá rất cao vì quy trình chuyên môn hóa chặt chẽ. Đây là tiền đề đảm bảo chất lượng. Chúng tôi chỉ có chặt chẽ hơn quy trình của Bộ GD chứ không bao giờ thấp hơn”, ông Vinh nói..
Về tài chính, ông Vinh khẳng định tực hiện theo đúng thông tư quy định của Bộ Tài chính, trên 1 đầu tiến sĩ, thu 1 năm 1 tiến sĩ 15.215.000 triệu/ năm và “không có gì hơn”.