Một bệnh nhân bị chết não đã được gia đình đồng ý hiến hết mô và nội tạng để cứu sống được rất nhiều người bị bệnh nan y chờ chết.
Cứu sống được 6 người
Mới đây, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận toàn bộ tạng và mô của một bệnh nhân chết não hiến tặng. Đây là trường hợp bệnh nhân đầu tiên bị chết não ở phía Nam hiến hết cả tạng và mô. Nghĩa cử của gia đình bệnh nhân đã cứu sống được 6 người.
Theo bác sĩ Thu, bệnh nhân nói trên bị tai nạn lao động dẫn đến chấn thương sọ não. Sau một thời gian điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhân được chuyển tới Chợ Rẫy trong tình trạng không thể hồi phục, biến chứng nặng nề và dẫn đến việc chết não. Chết não sẽ làm tê liệt toàn bộ hoạt động sống của cơ thể, gây chết tim và tử vong. Xét thấy bệnh nhân không thể cứu chữa, các bác sĩ đã tư vấn cho gia đình về việc hiến tạng, mô để cứu người.
Một bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối đã được bệnh nhân chết não cho thận
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu phân tích: “Người đã mất đi, nếu đem đi chôn cũng chỉ trở thành cát bụi, nhưng khi hiến lại những phần còn sống trên cơ thể có thể giúp được rất nhiều người để lại phúc đức cho gia đình. Sau một ngày suy nghĩ, gia đình đã đồng ý hiến toàn bộ tạng và mô cho bệnh viện”.
Theo bác sĩ Thu, mô và tạng của bệnh nhân nêu trên còn đảm bảo chất lượng gồm: giác mạc, khối tim – phổi, gan, 2 quả thận và các bộ phận này đã cứu được 6 người bị bệnh nan y.
2 quả thận được ghép cho 2 trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối. Gan được ghép cho 1 trường hợp bị ung thư gan do viêm gan siêu vi C. Tất cả 3 bệnh nhân trên đều nằm trong danh sách chờ ghép gan, thận của Bệnh viện Chợ Rẫy. Khối tim- phổi được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho một bệnh nhân suy tim phổi. Còn giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân nghèo.
3 năm mới có trường hợp chết não hiến tạng
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trong tháng 7 đã có đến 2 trường hợp bệnh nhân hiến mô tạng, một người bị ngưng tim, và một bị chết não như đã nêu trên. Cả hai bệnh nhân đều không đăng kí hiến mô tạng, nhưng sau khi được các bác sĩ thuyết phục, gia đình đã hiểu được ý nghĩa nhân văn của việc này nên đã đồng ý.
Theo bác sĩ Sơn, đã 3 năm nay, bệnh viện Chợ Rẫy chưa có trường hợp chết não, ngưng tim nào đồng ý hiến mô tạng. Bác sĩ Sơn nói: “Kể từ sau ca ghép thận cho nghệ sĩ Minh Vương hồi 3 năm trước vẫn chưa có trường hợp chết não, ngưng tim nào đồng ý hiến mô, tạng, mặc dù ngày nào Bệnh viện Chợ Rẫy cũng có khá nhiều trường hợp chết não, ngưng tim. 2 trường hợp trong vòng 1 tháng có thể là tín hiệu vui, hy vọng suy nghĩ của người dân dần dần thay đổi”.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn rất mong ngành bảo hiểm giúp sức cho việc hiến tạng
Bác sĩ Sơn cũng rất băn khoăn về việc bảo hiểm y tế vẫn chưa chi trả cho người hiến tạng. Do đó, Bệnh viện Chợ Rẫy phải lo toàn bộ việc chi phí phẫu thuật để lấy tạng, mô và bảo vệ tạng mô của người cho. Việc này sẽ khiến chi phí ghép tạng, mô cho người bệnh tăng cao và gây áp lực tài chính cho bệnh viện.
PGS. TS Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Để lấy được mô tạng của bệnh nhân chết não hôm 20/7, chúng tôi phải cần đến 30 y, bác sĩ, kỹ thuật viên. Chi phí cho việc này rất lớn. Ngoài ra, còn khá nhiều chi phí khác cho các trường hợp ghép tạng, mô như: hồi sức, phẫu thuật cũng cũng đều do bệnh viện tự bỏ kinh phí để cứu người. Rất may, hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy có được một số nhà hảo tâm hỗ trợ. Tuy nhiên về lâu dài, huy động nguồn lực từ nhà hảo tâm là không bền vững. Tôi rất mong bảo hiểm y tế xem xét việc chi trả cho bệnh nhân hiến mô tạng. Đây là việc làm nhân đạo cần phải có sự giúp sức của ngành bảo hiểm”.