Chấp nhận bỏ ra số tiền cao hơn từ 100 – 200 triệu đồng để mua chung cư đầy đủ nội thất, với mong muốn “chỉ xách vali về ở”. Ấy thế nhưng khi nhận nhà, nhiều người đã phải méo mặt, khóc ròng vì chiêu trò của người bán.
Khảo sát từ thực tế thị trường ghi nhận, hiện nay chung cư full nội thất (đầy đủ nội thất) đang trở thành lựa chọn hàng đầu của những khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực. Sở dĩ chung cư full nội thất “được lòng” người mua là bởi vì khách chỉ việc xách vali về ở. Bởi vậy, giá của những căn hộ đầy đủ nội thất cũng đắt hơn những căn nguyên bản hoặc những căn mà khách phải sắm sửa nội thất. Thông thường, những căn nội thất đầy đủ, đẹp, có giá cao hơn mặt bằng chung căn hộ nguyên bản từ 100 – 200 triệu, tùy vào mức độ nội thất sang xịn hay bình dân.
Không quá khó để thấy được ưu điểm mà những căn hộ chung cư full nội thất. Đầu tiên, phải kể đến việc căn hộ đã được lấp đầy nội thất, ngay lập tức khách mua nhà sẽ có cái nhìn tổng quan về căn hộ, có ưng mắt hay không, thiết kế hợp lý hay không… Với những căn hộ được bố trí nội thất hài hòa, vừa mắt sẽ nhanh chóng chiếm được cảm tình của người mua.
Thứ 2, việc sửa chữa, đục đẽo hay mua sắm thêm đồ đạc, vận chuyển, lắp đặt cho một căn hộ sẽ có rất nhiều rắc rối, tốn công sức, nhân công và cả người giám sát, quản lý. Trong bối cảnh hầu hết khách mua nhà đều phải bận rộn đi làm, hơn nữa, việc sửa chữa ở các thành phố lớn cũng phức tạp nên việc mua căn hộ có đầy đủ nội thất sẽ tiện lợi hơn rất nhiều.
Mua chung cư full nội thất có nhiều ưu điểm nhưng nếu không cẩn thận, khách hàng dễ rơi vào những tình huống khó lường (Ảnh minh họa)
Trước nhu cầu của thị trường, hiện nay, chung cư đầy đủ nội thất đã và đang trở thành một lựa chọn hàng đầu của những khách có nhu cầu mua nhà ở thực. Ưu điểm của chung cư full nội thất chính là việc nhà đã được trang bị đầy đủ các vật dụng, đảm bảo cho cuộc sống gia đình, khách hàng chỉ việc xách vali đồ dùng cá nhân về ở.
Vẫn biết những ưu điểm nhiều là vậy, thế nhưng không phải vụ mua bán căn hộ nào cũng thuận lợi. Đã có rất nhiều câu chuyện bi hài xung quanh việc này, khách hàng chấp nhận chi tiền cao hơn mức bình thường để mua căn hộ full nội thất nhưng thực tế ngôi nhà khi được nhận lại khác hoàn toàn.
Chủ nhà tráo đổi, thay đồ xịn, đắt tiền bằng đồ rẻ tiền
Đây là một trong những trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó” mà nhiều khách hàng gặp phải. Chị Mai Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) là một “nạn nhân” của hình thức mua bán lắm chiêu, nhiều trò này.
Khi đến xem nhà và thỏa thuận mua bán, thứ mà gia đình chị Hoa được nhìn thấy là toàn bộ nội thất “xịn xò” được để lại cho người mua như smart TV đời mới, tủ lạnh dung tích lớn 3 ngăn, máy giặt, điều hòa… cũng toàn hàng đắt tiền. Bị hấp dẫn bởi căn hộ quá hợp lý, khách mua sẵn sàng xuống tiền, ký vào hợp đồng mua bán căn hộ mà không lường trước những “chiêu trò” được cài cắm.
Phương thức mà chủ nhà “lật lọng” chính là sau khi người mua kí hợp đồng mua bán, chuyển tiền xong, khi nhận nhà, vẫn là tivi, vẫn là tủ lạnh, điều hòa, máy giặt nhưng mọi thiết bị đều đã bị “hạ cấp” đi. Vẫn “đầy đủ nội thất” nhưng không còn là các loại đắt tiền nhìn thấy từ hôm xem nhà mà thay vào đó là hàng cũ, giá thành rẻ hơn nhiều… TV cũng chỉ hơn 10 triệu/chiếc, tủ lạnh 3 ngăn giá tầm 20 triệu cũng đã được thay bằng tủ bé 220ml chỉ 5-6 triệu. Tới lúc này, vợ chồng chị Hoa mới ngớ người nhưng cũng không thể làm gì được vì việc “để lại 100% nội thất” chỉ là thỏa thuận miệng trước đó và không có kiểm kê, ghi rõ lại đặc tính của thiết bị nội thất. Và câu chuyện của chị Mai Hoa không phải là hi hữu, có rất nhiều khách hàng đã gặp phải tình cảnh này.
Chủ nhà rời đi, mang theo đồ đạc không để lại "full nội thất" như thỏa thuận trước đó
Trường hợp của nhà chị Hồng Nhung (Hoài Đức, Hà Nội) tuy không phổ biến, chỉ "xui rủi" lắm mới gặp, nhưng cũng là một trong những câu chuyện bi hài.
Chị Nhung mua nhà của chủ có tên N.V.P (sau này tìm hiểu chị Nhung mới biết, P là đối tượng đang vay nợ quá nhiều, phải bán căn hộ chung cư đi để trả nợ và chuyển đi nơi khác trốn nợ). Sau khi tới xem nhà, ưng thuận, lại được chủ nhà “cam kết bằng miệng” sẽ để lại toàn bộ nội thất, chị Nhung quyết định đặt mua.
Trước khi ký hợp đồng mua bán, chồng tiền, người mua cần xác nhận rõ ràng về những đồ nội thất mà chủ nhà để lại (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, hết chủ nhà xin khất chưa chuyển đi vì sát Tết quá, không kịp chuyển đến chỗ khác, cho tới thời điểm bắt buộc phải bàn giao nhà, giục mãi chủ nhà mới chịu đi. Ngặt một nỗi, thời điểm chủ nhà chuyển đi, cả nhà chị Nhung lại bị COVID-19, không sang kiểm kê tài sản được. Cho tới khi xong xuôi mọi việc, chuyển tới thì vợ chồng chị Nhung mới tá hỏa khi thấy toàn bộ những thiết bị giá trị như tủ lạnh, máy giặt, bộ bàn ăn… đều đã được chủ cũ “khuân” đi sạch sẽ.
Lúc này, chị Nhung có liên lạc với chủ cũ nhưng không thể, họ hoàn toàn mất hút. Sau đó, qua tìm hiểu chị Nhung mới biết, P là đối tượng đang trốn nợ, bán nhà cho chị với giá tương đối cao (do hứa để lại nội thất), anh ta vơ vét hết thiết bị rồi chuồn đi. Không còn cách nào khác, chị Nhung đành ngậm ngùi tiếp tục mua sắm thêm đồ lắp đặt vào nhà.
Chủ nhà lật lọng vì không ghi rõ trong hợp đồng mua bán, chỉ thỏa thuận bằng miệng
Cũng rơi vào trường hợp khốn khổ như 2 gia đình trên, nhà chị Thu Hiền (Mỹ Đình, Hà Nội) lại rơi vào cảnh chủ nhà thản nhiên lật lọng.
Chị Thu Hiền kể lại: “Vợ chồng mình đi xem nhà, cảm thấy rất ưng vì mọi thứ đồ đạc trong nhà bài trí gọn gàng, đẹp mắt và toàn đồ tốt. Đã vậy, chị chủ nhà xởi lởi, nhiệt tình, nói rằng: Đồ đạc thì nhà chị để lại hết cho vợ chồng em, toàn đồ tốt, hàng xịn, anh chị trước mua xác định để dùng nên toàn sắm đồ đắt tiền thôi. Giờ anh chị qua bên nhà mới, mang đi cũng không tiện nên sẽ để hết lại cho vợ chồng em. Thấy chủ nhà nói vậy nên vợ chồng mình rất hào hứng, chấp nhận mua nhà với giá cao hơn mặt bằng chung các căn ở tòa chung cư đó phải tới 150 triệu đồng”.
Nhưng ngặt một nỗi, tới khi nhận nhà, vợ chồng chị Hiền kinh ngạc khi thấy toàn bộ các thiết bị điện tử trong nhà đã bị tháo dỡ mang đi cả. Chị ngay lập tức liên lạc với chủ nhà thì người chủ này tỉnh bơ như không nói: “À em ơi, hôm đầu chị định tính để lại cho vợ chồng em, nhưng sang bên nhà mới cũng còn thiếu nhiều đồ quá nên anh chị phải mang đi dùng. Vợ chồng em sắm cái khác vậy nhé”.
Chị Hiền nhắc lại chuyện lần trước chị chủ nhà nói để lại toàn bộ nội thất nhưng cũng không thể làm gì được khi đấy chỉ là cuộc nói chuyện miệng bên ngoài, không hề ghi vào hợp đồng nên giờ chị ta hoàn toàn không có nghĩa vụ phải thực hiện lời nói đó. Lúc này, chị Hiền biết mình bị hớ mà cũng phải chấp nhận.
Những câu chuyện kể trên không phải là hiếm trong bối cảnh hiện nay. Do đó, người mua nhà phải cực kỳ cẩn trọng khi đi mua nhà. Dưới đây là một số lời khuyên từ những người có kinh nghiệm để tránh rơi vào tình trạng bị lừa như những nhân vật kể trên:
Trước khi đặt bút kí vào hợp đồng mua bán và thanh toán tiền, người mua cần lưu ý gì?
- Khi mua nhà full nội thất, cần phải liệt kê rõ từng món đồ, từ thương hiệu, năm sản xuất, giá trị của từng món đồ vào hợp đồng mua bán 3 bên, có xác nhận của bên công chứnh. Điều này giúp chắc chắn về việc không bị lật lọng, bị đánh tráo đồ đạc không như thiết bị ban đầu mình được nhìn thấy, thỏa thuận miệng.
- Khi xem nhà, cầm kiểm tra chất lượng của nội thất xem thiết bị thuộc hãng nào, năm sản xuất mới hay cũ, còn sử dụng tốt hay không. Hãy làm một phép tính cộng tất cả các thiết bị trong nhà lại (với giá trị thực của nó ở thời điểm hiện tại), so với khoản tiền mình phải trả chênh lên có xứng đáng không. Trên thực tế, rất nhiều căn hộ full nội thất, nhìn bề ngoài thì sáng loáng, bắt mắt, nhưng chất lượng không hề cao vì chỉ làm từ chất liệu rẻ tiền, không bền. Các thiết bị điện tử nhìn có vẻ mới nhưng kỳ thực là hàng kém chất lượng. Khi cân đối số tiền phải trả chênh với chất lượng thực sự của nội thất, bạn sẽ có quyết định đúng đắn cho mình trong việc có cần thiết phải trả một khoản cao hơn nhiều so với giá trị thực nhận về hay không.
- Khi mua, đừng chỉ nhìn vào số lượng, thấy đủ các loại thiết bị từ tivi, tủ lạnh, điều hòa… Bạn cần phải kiểm tra tình trạng sử dụng, chất lượng của các loại thiết bị này. Hãy bật tivi lên để xem, điều hòa, nóng lạnh, tủ lạnh… còn sử dụng được không. Rất nhiều trường hợp đã phải ngậm ngùi thay mới toàn bộ vì đồ được để lại kỳ thực không sử dụng được hoặc đang hỏng hóc, phải thuê sửa tốn không ít chi phí.
- Cần kiểm tra tình trạng thanh toán của các hóa đơn dịch vụ căn hộ và chốt tới thời điểm mua nhà như: Hóa đơn tiền mạng, điện, nước, phí vệ sinh, phí dịch vụ… của tháng trước.
- Không thanh toán 100%, cần giữ lại một khoản tiền, ít nhất là khoảng 50 triệu đồng cho đến khi nhận nhà xong, hoàn tất thủ tục sang tên sổ mới mới thanh toán để tránh những thay đổi, bất trắc, không có lợi cho mình.