Chợ Nhà Xanh - địa điểm shopping thân thuộc của giới sinh viên - bày bán la liệt mỹ phẩm cao cấp. Son Dior, Chanel, Mac được giới thiệu là hàng nhập từ nước ngoài không qua thuế, không giấy tờ nên giá rẻ 1/3. Những loại son này tại chợ sinh viên thu hút người mua, đặc biệt là học sinh, sinh viên và người có thu nhập thấp.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại các quầy mỹ phẩm, son là sản phẩm được bày bán nhiều nhất trong tất cả loại mặt hàng. Trong vai là sinh viên muốn mua son hàng hiệu giá rẻ, chủ quầy bán mỹ phẩm tư vấn rất nhiệt tình, người này "chắc như đinh đóng cột" rằng, các mặt hàng được bày bán đều đảm bảo chất lượng, là “hàng xách tay” chuẩn được nhập từ các nước về Việt Nam, nhưng do lấy buôn và bán cho sinh viên nên được giảm giá siêu rẻ so với giá gốc của sản phẩm.
Son không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại chợ Nhà Xanh.
Theo quan sát của phóng viên, chỉ riêng son đã có đến hàng chục các thương hiệu nổi tiếng các loại được chất đống, bó thành từng bọc bày trên sạp.
Những thỏi son đã cũ, mở ra bên trong bị mốc, hay chảy nước vẫn được các chủ cửa hàng bày bán như không hề hay biết son có vấn đề, người bán hàng này vẫn tư vấn và nói rằng: “Do trời nắng quá nên son có dưỡng sẽ như thế, nếu mua sẽ chỉ để cho giá gốc”.
Trong đó, các loại son ghi tên thương hiệu: 3CE, Ink, Mac, Chanel, Dior… chỉ có giá dao động từ 80 – 120 nghìn đồng/thỏi. Rẻ nhất là các loại son handmade, son dưỡng, son gió, được quảng cáo là hàng “xách tay” từ Singapore và Thái Lan chỉ từ 20 – 30 nghìn đồng/thỏi. Chủ quầy chào hàng, nếu rủ bạn bè mua đông hoặc nhiều, giá còn được giảm sâu tận gốc.
Những thỏi son được bày bán có đủ sắc màu, hình dáng đa dạng bắt mắt, điều đặc biệt là những thỏi son này giống như son “xách tay”, nếu không nhìn kĩ, khách hàng dễ bị nhầm tưởng hàng hiệu.
Quan sát kĩ, vỏ thỏi son được thiết kế cẩu thả, màu có những chỗ bị loang không đều, bao bì đựng không ghi rõ thông tin ngày sản xuất và hạn sử dụng. Cũng như nơi sản xuất, tên thương hiệu cũng không ghi đúng.
Quan sát kĩ sẽ thấy màu sắc giữa son thật và mới cũng không khác là bao, rất nhiều người sẽ bị nhầm lẫn.
Ghé qua một sạp bán mỹ phẩm khác, những lời có cánh của chủ quầy lại cất lên: “Không ở đâu trong chợ này bán son vừa rẻ, vừa đảm bảo chất lượng như nhà chị, nhà chị có nhiều loại, rẻ cũng có, đắt cũng có, mỗi loại có ưu điểm khác nhau”.
Để minh chứng, chủ quầy lấy ra hai thỏi son nước 3CE có giá khác nhau, một thỏi có giá 80 nghìn đồng, và một thỏi có giá 200 nghìn đồng và không được thử vì có tem niêm phong.
Tuy nhiên, phóng viên cầm thử thỏi son và hỏi bao bì thì người này chối rằng, son này không có hộp riêng mà mua 3 thỏi mới có hộp, nhưng nếu mua nhiều, cả 2 sẽ được tính giá sêm sêm”.
“Cả hai thỏi đều đánh mịn và lâu trôi, thỏi rẻ thì hơi khô một chút, thỏi xịn hơn thì mịn mướt và mượt”. Chị P. lôi thỏi son giá rẻ test thử.
Theo lời giới thiệu của một người bán hàng thì tất cả loại son có thương hiệu đều được chủ của hàng nhập về từ nước ngoài hay thông qua công ty phân phối, tuy nhiên khi hỏi về giấy tờ, xuất xứ người bán hàng tỏ ra khó chịu và đề phòng.
Ngoài son, còn có rất nhiều mỹ phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc khác cũng được các chủ quầy mỹ phẩm giới thiệu hàng nhập từ Châu Âu, Châu Á và nhiều nước nổi tiếng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…).
Bạn Hoàng Trà Mi, sinh viên tại một trường đại học trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Sinh viên chúng em đều không có tiền, nên muốn mua đồ rẻ mà chất lượng để dùng”.
Nhiều chuyên gia nhận định, các loại son siêu rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có tem kiểm định... không đủ điều kiện để lưu thông trên thị trường và rất đáng lo ngại về chất lượng. Đặc biệt, về lâu dài nếu sử dụng loại son này, người tiêu dùng có nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, GS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trước hết chưa nói đến độc hại hay không mà son giả nếu sử dụng sẽ làm mất thẩm mỹ cho người sử dụng. Và thông thường son giả sẽ làm từ những tạp chất thông thường, đặc biệt là chì.
“Chì là một chất rất độc hại, khi vào cơ thể theo đường hô hấp và tiêu hóa sẽ gây nhiễm độc cấp tính có thể gây nôn, tiêu chảy. Về lâu dài người dùng dễ mắc các bệnh về răng lợi, thậm chí tích lũy lâu ngày có thể ảnh hưởng đến các cơ quan thần kinh, máu, dạ dày, đường ruột, tim mạch và thận.
Để nhận biết cơ thể nhiễm chì có thể quan sát rất rõ ở lợi, mắt của con người, lúc này các bộ phận này sẽ chuyển dần sang màu xám", PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm.
Nếu nguy hại rất có thể bị “ngộ độc” chì, muốn biết chắc chắn chúng ta phải hay tiến hành xét nghiệm máu.
Được biết tình trạng sản phẩm son bày bán tại các chợ này diễn ra rất nhiều năm, nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết một cách triệt để và dứt khoát.
Lực lượng Quản lý thị trường bất lực? Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Huy Tưởng, cán bộ đội Quản lý thị trường số 13 cho biết, đơn vị đã và đang tiến hành kiểm tra cũng như rà soát lại tất cả cửa hàng buôn bán mỹ phẩm, và cả những mặt hàng khác. Ông Tưởng cho biết thêm: “Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra và xử phạt hành chính cũng như răn đe, tuy nhiên tình trạng vẫn tiếp tục tiếp diễn, lần này chúng tôi đã nắm thông tin và sẽ làm quyết liệt để chấm dứt tình trạng buôn bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại khu chợ này”. "Vì đây là khu chợ sinh viên và các chủ cửa hàng từ rất nhiều nơi khác đến, có rất nhiều thành phần phức tạp, cũng như các số quầy không được đánh số rõ ràng, nên việc kiểm tra, rà soát gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên chúng tôi sẽ làm quyết liệt đến cùng để dẹp những tình trạng như thế này”, vị này khằng định. |