Mừng tốt nghiệp, tân cử nhân bỏng nặng vì bếp cồn

Ngày 09/05/2015 08:57 AM (GMT+7)

Mừng tốt nghiệp, nữ tân cử nhân đã cùng chồng đi ăn lẩu, nhưng không ngờ ngọn lửa từ bếp cồn đã khiến cô gái bỏng nặng, gương mặt bị tàn phá nặng nề.

Tai họa từ một phút bất cẩn

Đã điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy khá lâu, nhưng cho đến nay L.T.H.M. (sinh năm 1994, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) vẫn chưa thể hồi phục. Vùng da mặt, ngực và cả cánh tay của M. đều bị lửa tàn phá. Điều đau lòng là M. mới lấy chồng được hơn 1 tháng thì tai họa ập tới.

Tuy còn rất yếu ớt, nhưng M. vẫn cố gắng kể lại câu chuyện của mình. Hôm ấy, sau khi nhận bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM, M. và chồng liền cùng nhau lên lịch tổ chức ăn mừng. Chiều cùng ngày, hai vợ chồng M. sang quán lẩu gần nhà để ăn uống.

Mừng tốt nghiệp, tân cử nhân bỏng nặng vì bếp cồn - 1

M. và người thân tại bệnh viện Chợ Rẫy

Trong lúc nấu lẩu tại bàn, nhân viên thấy lửa yếu nên mang bình cồn nước đến châm thêm. Không ngờ khi nhân viên mới bóp bình cồn thì lửa phụt mạnh, cháy phần vòi châm cồn. Quá hoảng hốt, nhân viên này đã ném chai cồn trúng người M. Cồn nước lan nhanh, khiến chỉ trong tích tắc lửa đã cháy phừng phừng khắp mặt, ngực và tay M.

Tuy được chồng và thực khách xung quanh nhanh chóng dập lửa, M. vẫn bị phỏng rất nặng và chưa định được ngày hồi phục.

Ngồi bên cạnh vợ, anh Nguyễn D. T. buồn rầu nói: “Họa phúc thật không thể ngờ. Hai vợ chồng mới cưới được có một tháng rưỡi thôi, cô ấy còn vừa mới nhận bằng nữa, chưa trọn niềm vui thì tai họa đã ập đến”.

Dùng bếp cồn còn có thể gây ngộ độc

Hiện nay, rất nhiều cửa hàng ăn uống dùng bếp cồn khô, cồn nước thay cho bếp gas mini hoặc bếp than để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, chỉ cần một chút bất cẩn thì bếp cồn khô, cồn nước rất dễ gây tai nạn thương tâm.

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa Phỏng Tạo hình, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đã có không ít nạn nhân bị phỏng toàn thân vì sơ ý với bếp cồn. Theo bác sĩ Đạo, do đặc thù của lửa cồn là màu trắng, nhiều người không để ý kỹ sẽ tưởng nhầm lửa đã tắt, hết cồn nên châm thêm vào.

Cồn dễ bắt lửa, phừng cháy rất nhanh, nếu bất cẩn để dính cồn lên da thịt hay quần áo thì hết sức nguy hiểm. Vì thế, khi châm cồn cần chắc chắn lửa đã tắt. Thực khách khi dùng thức ăn được nấu bằng bếp cồn, nên bảo nhân viên mang bếp ra chỗ khác thay cồn để hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn.

Tốt nhất nên hạn chế sử dụng cồn nước. Với cồn khô, khi châm nên dùng kẹp gắp, và mồi lửa bằng diêm, que củi nhỏ. Không sử dụng quẹt gas mồi trực tiếp để tránh cháy nổ, cồn dính tay cháy lan, hay bỏng trực tiếp do lửa phụt.

Mừng tốt nghiệp, tân cử nhân bỏng nặng vì bếp cồn - 2

Cẩn trọng với bếp cồn để tránh những tai nạn đáng tiếc

Ngoài tai nạn phỏng, người dùng bếp cồn còn có nguy cơ bị ngộ độc. Bác sĩ Trần Đoàn Đạo lý giải: "Cồn khô nếu chiết xuất từ ethanol tinh khiết, độ cồn đạt từ 95% trở lên sẽ không ảnh hưởng sức khoẻ người dùng. Nhưng vì lợi nhuận, các đối tượng xấu đã dùng methanol để chế ra cồn, vì giá của methanol rẻ hơn rất nhiều so với ethanol. Hơi của methanol rất độc, có thể hấp thụ qua đường hô hấp gây nhức đầu, cay mắt, … Trường hợp nặng có thể ảnh hưởng thị lực, thần kinh..."

Đối với người bị phỏng, bác sĩ Trần Đoàn Đạo khuyến cáo, trước khi đưa đến các cơ sở y tế cần sơ cứu tại nhà bằng cách ngâm vùng bị phỏng vào nước lạnh từ 16 – 20 độ ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Việc này giúp vùng phỏng được hạ nhiệt tức thời, hạn chế hiệu quả các vết phỏng sâu cho nạn nhân. Nhanh chóng chuyển nạn nhân đến bệnh viện để tránh những dị tật đáng tiếc. 

Thoại Tùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự