Theo các "ông đồ", năm con khỉ là năm có nhiều thời cơ để nâng cấp vị trí của mỗi người, nên xin những chữ nhắc nhở bản thân nắm bắt cơ hội.
Đầu năm xin chữ “mượn” may
Từ xưa, người Việt đã có truyền thống xin chữ nơi các ông đồ vào dịp Tết. Sau thời gian bị mai một, phong tục này đã được phục dựng phần nào đó ở “phố ông đồ” ở Văn Miếu Hà Nội.
Sự xuất hiện của những “ông đồ” tân thời, với mực tàu, giấy đỏ nhận được sự quan tâm của nhiều người đến xin chữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết phong tục tốt đẹp này và xin được chữ “đắt” để treo trong nhà.
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh, Phó trưởng Ban tổ chức Hội chữ xuân Bính Thân 2016 (Văn Miếu, Hà Nội) cho hay, xin chữ xưa kia là điều thiêng liêng, quan trọng của mỗi gia đình trong dịp đầu năm mới.
Người cho chữ là các ông đồ học cao, hiểu rộng hoặc người đỗ đạt khoa bảng cáo lão hồi hương, được dân quanh vùng trọng vọng, kính nể. Người đi xin chữ với mong muốn thông qua chữ, xin được cái “khước” – sự may mắn, tài giỏi của ông đồ đem về.
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh viết chữ "Đắc vận" với hy vọng mọi người sẽ nắm bắt được cơ hội, nâng cấp bản thân trong năm mới
Ngày đầu năm, ông đồ dậy sớm, chuẩn bị nghiên mực chu đáo. Người xin chữ khăn áo chỉnh tề biện một cái lễ nhỏ đến nhà ông đồ, tùy gia cảnh từng người, lễ có thể là đĩa xôi, con gà, nải chuối.
Thường ông đồ sẽ hỏi mong muốn của người xin chữ để cho một chữ thật “đắt”, giảng giải cặn kẽ ý nghĩa của chữ để người đi xin hiểu và truyền đạt lại với gia đình, con cái biết.
“Việc xin chữ xưa kia mang cả ý nghĩa tâm linh. Một số người thành tâm đến xin chữ những ông đồ thông tuệ kinh dịch, lý số, tử vi nhưng lại không nói rõ yêu cầu của mình và xin một chữ bất kỳ. Ông đồ sẽ nhìn khí chất, dung mạo, đoán định vận mệnh của người đó trong năm tới để cho chữ. Người xin đem chữ đó về treo như một phép tự kỷ ám thị giúp để vượt qua vận hạn, nắm bắt thời cơ”, ông Khánh nói.
Nhà thư pháp Quốc Khánh cho rằng việc xin chữ ngày nay không đơn thuần mang góc độ tâm linh. Một số người đến “phố ông đồ” như đi hội, ngắm nhìn cảm nhận Tết, xin chữ như món đồ kỷ niệm. Nhiều người xin chữ để thưởng thức, ngắm nhìn nghệ thuật thư pháp.
Dù mục đích của người xin như thế nào thì người viết cũng không được phép dễ dãi, tùy tiện. Người viết phải đảm bảo chữ có tính thẩm mỹ, hiểu được nghĩa để giảng giải chữ cặn kẽ.
Năm thân treo chữ “Đắc vận”, “An khang”
Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh cho biết, mỗi năm vào đêm giao thừa ông thường nhìn lại biến chuyển của xã hội, gia đình trong năm cũ rồi chọn một chữ để khai bút tặng cho bạn bè, người thân dịp năm mới.
“Năm Bính Thân là năm con khỉ, con vật tượng trưng cho sự thông minh, học hỏi nhanh, hoạt bát. Từ “hầu” – con khỉ, đồng âm với từ “hầu” – một tước vị quan chức. Tôi hy vọng năm nay sẽ mở ra nhiều vận hội, thời cơ mới cho mọi người. Thăng tiến không hẳn nghĩa thăng quan, tiến chức mà đơn giản là thay đổi vị trí trong cuộc sống, kiến thức nâng cao thêm cấp mới. Vì vậy, tôi viết tặng cho bản thân, mọi người chữ “Đắc vận” với mong muốn luôn nắm bắt cơ hội để phát triển mình”, ông Khánh nói.
Người đi xin chữ phải xác định rõ mong muốn của mình trước khi xin chữ
Theo nhà thư pháp Trần Quốc Chí, Phó chủ tịch câu lạc bộ thư pháp UNESSCO, điều quan trọng nhất đối với mọi người trong năm mới là sức khỏe để thực hiện dự định của bản thân, những chữ nên xin là “An khang”, “Tráng kiện”, “Như ý cát tường”, “Tâm tưởng sự thành”…
“Người viết phải trò chuyện với người xin chữ về mong muốn của họ, trao đổi ý tứ, giải thích câu chữ. Quan sát dung mạo, tính cách để thể hiện nét chữ phù hợp với người xin. Người xin chữ có tính cách hào sảng, hướng ngoại thì viết theo lối khoáng đạt. Người rụt rè, sống nội tâm thì viết theo lối kín đáo, ẩn nét. Đó mới đúng một tác phẩm thư pháp hoàn chỉnh”, ông Chí chia sẻ.
Con cháu muốn chúc cho ông bà, cha mẹ khỏe mạnh thì xin chữ: “Thọ”, “Khang”, “An”. Người đi học mong muốn tiến bộ nên xin chữ nhắc nhở mình rèn luyện, chăm chỉ như: “Chí tại thiên lý” (đặt chí hướng vươn lên, cố gắng suốt chặng đường dài) hay “Có công mài sắt, có ngày nên kim”…Người kinh doanh buôn bán xin chữ “Thuận”, “Lộc”, “Phát”…
Nhà thư pháp Trần Quốc Chí lưu ý người đi xin chữ không nên xin cả hai chữ “Nhẫn” và “Tâm” treo chung sẽ làm sai lệch ý nghĩa của chữ, tránh xin chữ có tà ý.