Nhặt được xấp tiền với tổng mệnh giá 7.400 USD (hơn 172 triệu) ở thùng rác trong lúc dọn dẹp phòng, nam thanh niên đã đến tìm ban quản lý chung cư để nhờ tìm lại người đánh rơi. Thậm chí nhiều người cảm phục hành động của anh nên tặng tiền hỗ trợ, anh vẫn nhất định không nhận.
“Nghèo cho sạch, rách cho thơm”
Sự việc xảy ra vào lúc hơn 10h ngày 14/5, trong quá trình dọn dẹp khu căn hộ nơi khách mới trả phòng, bà Nguyễn Bích Đào (60 tuổi, nhân viên vệ sinh) cùng con trai Nguyễn Ngọc Hiền (26 tuổi, nhân viên vệ sinh) phát hiện trong bao rác có một xấp tiền USD với nhiều mệnh giá khác nhau.
Ngay lập tức, anh Hiền đã liên lạc với Ban quản lý chung cư để trình bày sự việc cũng như nhờ giao lại số tiền trên cho chủ căn hộ. Người thuê nhà là ông Artern (quốc tịch Ukraine) sau đó đã được anh Hiền giao lại số tiền tổng cộng 7.400 USD (hơn 172 triệu) dưới sự chứng kiến của cơ quan chức năng và Ban quản lý chung cư.
Trưa 16/5, trong cuộc gặp gỡ với ban quản lý chung cư, khi biết được nhiều cá nhân, tổ chức vì cảm phục hành động đẹp của mình mà gửi quà, tiền mặt đến tặng, anh Hiền đã một mực từ chối. “Tôi trả lại tiền vì đó không phải là tiền mà tôi làm ra, nên một đồng tôi cũng không lấy. Còn tiền thưởng tôi cũng xin phép không lấy, chỉ nhận bằng khen của Ban quản lý chung cư thôi. Trả lại tiền cho người mất là điều mà tôi nên làm, đó là nghĩa vụ của tôi, nên tôi sẽ không nhận quà thưởng”, anh Hiền nói.
Mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ, nhưng anh Hiền từ chối không nhận.
Chia sẻ về hành động của mình, anh Hiền cho biết hôm phát hiện xấp tiền trong bao rác, anh cầm tiền mà tay run run, đây cũng là lần đầu tiên nam thanh niên 26 tuổi cầm trong tay một số tiền lớn đến như vậy. “Khi thấy tiền, tôi không nghĩ gì khác ngoài việc phải mau trả cho người mất. Đây là tiền của người ta, là mồ hôi công sức của họ, cũng giống như mình phải lao động vất vả mới kiếm được tiền, nên nếu mất số tiền lớn như vậy chắc chắn họ sẽ rất buồn và tiếc. Dù tôi biết với số tiền này, sẽ giúp đỡ cho cuộc sống của hai mẹ con rất nhiều nhưng tôi nhất định không tham. Nghèo cho sạch, rách thì cho thơm, nhặt được của rơi nhất định phải trả cho người mất”, nam thanh niên quả quyết.
Dù với số tiền này, có thể đỡ đần rất nhiều cho cuộc sống đi nữa, tôi vẫn sẽ không tham.
Tình mẫu tử trong mái nhà nghèo
Kể về cuộc sống của hai mẹ con, bà Đào cho biết trước đây chồng bà chạy xe ôm, còn bà giúp việc nhà để nuôi con. Năm con trai lên 15 tuổi, thì chồng bà đột ngột qua đời sau một cơn đột quỵ. Từ đó bà làm quần quật đủ nghề, kể cả ngày lẫn đêm mới đủ chi phí sinh hoạt cho hai mẹ con. “Năm nó học lớp 9 vì thấy thương mẹ đơn độc vất vả kiếm tiền nên nó ngập ngừng xin tôi nghỉ học phụ mẹ. Dù vẫn muốn con học để lấy cái chữ với người ta nhưng cảnh nhà khó khăn quá tôi cũng không còn cách nào khác. Hiền lúc đó còn nhỏ tuổi, người ta không nhận nên nó đi bán chuối chiên, bán hủ tiếu phụ với dì. Sau đó Hiền xin vào dọn vệ sinh tại một công ty ở Bình Thạnh, đến lúc chuyển về chung cư Đất Phương Nam thì tôi về đây làm cùng với con”, bà Đào kể.
11 năm nay, bà Đào một mình nuôi con.
Được đồng nghiệp và mọi người xung quanh đánh giá là hiền, nhút nhát nhưng rất chăm chỉ và nỗ lực, chỉ sau 4 tháng làm, Hiền đã được lên làm tổ trưởng quản lý vệ sinh.
Từ nhỏ, anh Hiền đã là một đứa con có hiếu với mẹ. Lúc còn đi học, sau giờ đến trường là con trai bà Đào chỉ về nhà, không la cà đi chơi như các bạn. Cho đến lúc đi làm, tiền lương bao nhiêu con trai đều đưa mẹ giữ. “Nó thương tôi lắm, vài ba ngày lại chở mẹ đi vòng vòng phố ăn uống, rồi hai mẹ con về nhà. Thiệt ra, cuộc sống của tôi giờ chỉ cần có như vậy, có đứa con trai ngoan và hiểu chuyện là niềm vui của tôi lúc về già. Tôi hoàn toàn đồng ý với hành động của con trai. Của ai thì mình trả cho người đó. Mình còn đôi tay, mình có thể làm ra số tiền đó. Từ hồi nhỏ đi học, mỗi khi lượm được cây viết, hay 2-3 ngàn đồng nó cũng nhặt nộp cho cô. Mỗi khi xe hết xăng, nó mượn anh chị em 10 ngàn, 20 ngàn đồng hứa ngày nào trả là đúng ngày đó qua trả. Thấy con suy nghĩ chính chắn và hiểu chuyện như thế, tôi rất tự hào”, mắt bà Đào long lanh khi nói về con.
Những bữa cơm nghèo đong đầy tình cảm của hai mẹ con.
Khi được hỏi về thu nhập hiện tại, bà Đào cho biết tổng thu nhập mỗi tháng của hai mẹ con cũng chỉ hơn 10 triệu đồng, đủ xoay sở cuộc sống, chỉ dư dả 2-3 triệu đồng phòng lúc bệnh tật. “Nghe nhiều người bảo sẽ hứa giúp đỡ cho con tôi học nghề, tôi mừng lắm. Mong cho con có việc làm ổn định để lo tấm thân, lỡ đâu tôi có trăm tuổi già…”, nói đến đây bất chợt bà Đào dừng hẳn, nhìn xa xăm.
Bà cho biết rất tự hào về đứa con trai của mình.