"Hẹn gặp lại bệnh nhân là điều tối kỵ trong y khoa, thế nhưng trong một khoảnh khắc nào đó, chính lời hứa hẹn ấy lại vô tình là sự đảm bảo duy nhất còn có thể hi vọng cho sự sống của một con người”, bác sĩ Tạ Phương Dung tâm sự.
Nữ bác sĩ tài hoa
Gặp bác sĩ Tạ Phương Dung - Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép (Bệnh viện Nhân dân 115) tại phòng làm việc, tôi đã thắc mắc về bức tranh chân dung đặc biệt của bà treo trên tường. Bác sĩ Dung mỉm cười nói: “Quà của bệnh nhân tự tay vẽ tặng tôi sau khi điều trị hết bệnh đấy”.
Nếu như mọi người thường quan niệm bác sĩ hay những người làm khoa học sẽ khô khan thì bác sĩ Dung lại là thế giới ngược lại. Giọng nói êm ả, ngọt ngào của người con gái chính gốc Hà Nội hòa quyện trong sự uyên bác nhẹ nhàng tinh tế dễ khiến người đối diện bị cuốn hút.
Khi chưa dấn thân vào nghề y, bác sĩ Dung từng có đam mê rất lớn với nhiếp ảnh, thích được đi đây đó ghi lại những khoảnh khắc đời thường. “Tôi mê nhất là cảm giác háo hức đợi chờ trong phòng tối khi tự tay rửa những bức ảnh do mình chụp. Ngày xưa mê quá, tôi đi thi cuôc thi nhiếp ảnh Việt Nam rồi cũng may mắn nhận được giải khuyến khích. Máu nghệ thuật thôi thúc, tôi từng làm giám khảo liên hoan phim lần thứ 5”, nữ bác sĩ bộc bạch.
Với bác sĩ Dung, nghệ thuật là hơi thở cuộc sống, nó tạo ra sự hưng phấn, thúc đẩy hoàn thiện công việc tốt hơn. Mỗi ngày sau giờ làm việc, bà lại dành ít thời gian để ngắm tranh, đọc sách, xem phim. Chính thú vui nghệ thuật ấy giúp nuôi dưỡng những điều ngọt ngào, tươi trẻ trong con người bà và cũng là liệu pháp tinh thần tuyệt vời giúp bà thư giãn sau những áp lực từ bệnh viện.
Tiếp tục câu chuyện, bác sĩ Dung kể về cơ duyên đưa bà đến với nghề y. Những năm 1979-1980, khi ấy cô nữ sinh Tạ Phương Dung vẫn đang loay hoay với những ước mơ chưa định hình: thích nghệ thuật, ước mơ làm luật sư rồi thích cả làm công an như bố. Mọi dự định dường như thay đổi trong một lần nằm viện điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam- Cuba (Hà Nội). Hình ảnh nữ bác sĩ ẩn hiện dưới ánh sáng đèn dầu, đến từng giường thăm hỏi, theo dõi tình hình bệnh nhân khiến cô dao động. Và rồi, cô nữ sinh quyết định theo nghề Y vừa để thực hiện nguyện vọng của mẹ, vừa để giúp đỡ mọi người.
Bác sĩ Dung và "báu vật"- những bức tranh do bệnh nhân vẽ tặng.
Mọi việc dường như không dễ dàng với một cô gái sợ kim tiêm. Năm thứ 2 Đại học, lần đầu tiên cầm kim lấy máu bệnh nhân, cô sinh viên Phương Dung chạy tất tả ra hành lang, thở hổn hển, mặt tái mét, mồ hôi ướt đẫm… vì sợ. Điều mà bác sĩ Dung bảo đến tận bây giờ trong cuộc họp lớp Đại học sau 30 năm, bạn bè bà vẫn nhắc.
Tốt nghiệp Đại học, làm chuyên khoa Nhi tại Bệnh viện Nhân dân 115 được vài năm, bà được cử sang nước ngoài học chuyên sâu về khoa Nội thận. Thế nhưng khi mang những kiến thức tân tiến nhất về nước thì bà phải đối mặt với thực tế cơ sở vật chất đơn sơ trong những ngày đầu thành lập Khoa Thận niệu năm 1996.
“Xin chào… hẹn gặp lại”
Bước dọc hành lang khoa Nội thận- Miễn dịch ghép cùng bác sĩ Dung thăm những bệnh nhân vào giờ phút cuối cùng của ngày làm việc, bà tỉ mỉ giới thiệu cho tôi từng bệnh nhân đang chạy thận trên giường, xung quanh là hàng loạt máy móc, dây truyền. “Đây là bệnh nhân Mai, chạy thận được 8 năm rồi. Kia là cô Hường, cũng ngần ấy thời gian chạy thận rồi đấy”, nữ bác sĩ nói.
54 tuổi, vị bác sĩ trưởng khoa vẫn kể vanh vách hồ sơ bệnh án từng bệnh nhân dù hiện tại không còn trực tiếp điều trị bệnh. “Bệnh thận là bệnh mãn tính, cho dù có ghép thận thì vẫn là bệnh mãn tính. Do vậy, bệnh nhân, cán bộ bác sĩ ở khoa thân thiết xem nhau như người nhà. Không thương và nhớ sao được, có những người vào đây khi họ mới phát bệnh, điều trị tận hai mươi mấy năm trời, rồi cũng có những người chọn nơi đây mà ra đi mãi mãi”, bác sĩ Dung ngậm ngùi cho biết.
Kỷ niệm trong suốt 30 năm khoác chiếc áo blouse, 27 năm làm trong chuyên khoa Thận của bác sĩ Tạ Phương Dung là kỷ niệm vẹn nguyên về những nụ cười hạnh phúc, về nước mắt, về những lời cảm ơn, thậm chí là về lời hẹn gặp lại cùng với bệnh nhân - điều mà xưa nay dường như rất hiếm.
Đối với những bệnh nhân chạy thận, bác sĩ Dung là một bác sĩ ấm áp và luôn biết quan tâm. Những lời động viên, an ủi của bà là động lực cho họ vượt qua bệnh tật.
Theo lời kể của bác sĩ Dung, có những bệnh nhân khi đến đây, họ nghèo lắm. Nhờ các bác sĩ và mọi người giúp đỡ, họ được ghép thận, rồi khỏi bệnh, rồi lấy vợ, sinh con. Những đứa trẻ ấy lớn lên lại gọi người phụ nữ với gương mặt hiền hậu ấy bằng bà. Ngày bệnh nhân đưa con đến, ngại ngùng gõ cửa phòng rồi bảo: “Bà ơi, cháu của bà đấy!". Bác sĩ Dung rơi nước mắt. “Hình ảnh đứa trẻ chạy lăng xăng trên hành lang bệnh viện - nơi mà ngày ấy bố nó đã nghị lực kiên cường chiến thắng bệnh tật rồi í ới gọi bà ơi. Hình ảnh đó đẹp vô cùng”, bà khẽ dừng lại vài giây rồi mỉm cười.
Bà bảo nhớ hoài món quà mà một cô gái trẻ gửi tặng sau khi ghép thận thành công và trở lại giảng đường Đại học: hình ảnh cô bé xúng xính trong bộ quần áo thụng cử nhân, tay cầm hoa, môi cười tươi, đằng sau bức hình là lời nhắn: “Vài bữa nữa cháu sẽ lên thăm cô!”; hình ảnh cậu thanh niên 26 tuổi, trở về cuộc sống bình thường sau ca ghép thận, ngại ngùng thì thầm vào tai bà trong lễ cưới của mình: “Cho con gọi là mẹ nhé!”, ngẩn ngơ đôi lúc, bà gật đầu; hình ảnh cô gái ngày đến bệnh viện phải ngồi xe lăn, kiệt sức vì căn bệnh thận, và hình ảnh cô gái cầm hoa, mang giày cao gót, tự tin và kiêu hãnh ngày trở lại thăm bà. Hết thảy, bà gọi tên đấy là: hạnh phúc của người làm nghề Y!
“Thế còn những câu chuyện buồn?”, tôi buột miệng hỏi. Im lặng vài giây, bà chỉ vào hàng xe lăn trong góc hành lang rồi thở dài. Bà kể những ngày bệnh nhân chạy thận nhân tạo chưa có bảo hiểm y tế, cứ vài hôm người nhà, bệnh nhân lại dắt díu vào phòng chào tạm biệt bà vì kiệt quệ, không đủ chi phí để tiếp tục chống chọi, giành mạng sống với tử thần.
“Chỉ cần bệnh nhân thương, bệnh nhân nhớ, thì ngày nào với mình cũng là ngày 27/2”, bác sĩ Dung nói.
“Thấy họ đến họ chào tạm biệt, mình lặng người đi, vì biết chắc chắn rằng trở về nhà, đồng nghĩa với việc rồi họ cũng sẽ chết. Sau những câu chào ấy là những câu chuyện buồn, là những lời hứa hẹn sẽ chẳng còn thể thực hiện cùng nhau, là những ước mong, những kì vọng còn đang dang dở. Từ đó, mỗi lần khám xong cho bệnh nhân, mình hay hẹn gặp lại. Hẹn gặp lại nghĩa là họ còn sống, còn bình an, là chúng tôi vẫn còn sẽ gặp nhau, vẫn còn cơ hội để làm tiếp những điều đang ấp ủ”, bác sĩ Dung nói.
Thế nhưng, có những người đã không kịp trở lại sau câu “hẹn gặp” ngày nào. Họ đã ra đi khi sức chịu đựng của bản thân suốt mấy năm trời ròng rã dường như đã cạn kiệt. Để những chiếc xe lăn dọc hai phía hành lang lâu ngày không thấy chủ nhân cũng “buồn vu vơ” mà bám bụi. Mà nói như bác sĩ Dung, chỉ cần nhìn vào nó là biết bệnh nhân nào mất, bệnh nhân nào còn.
Một nửa thời gian của cuộc đời mình nữ bác sĩ ấy đã dành để khoác lên mình chiếc áo blouse, gắn bó với bệnh nhân chạy thận. Bà bảo niềm hạnh phúc bà nhận lại từ những năm tháng ấy không thể nào đong, đo, đếm bằng những khái niệm hữu hình. “Chỉ cần bệnh nhân thương, bệnh nhân nhớ, thì ngày nào với mình cũng là ngày 27/2”, bà nói.