Nạn lấy chồng tuổi 13 ở tây Nghệ An

Ngày 05/03/2017 12:25 PM (GMT+7)

Nhiều bé gái mới 13, 14 tuổi - lứa tuổi hồn nhiên, trong trắng, ngây thơ của tuổi học trò - đã bị… theo chồng bỏ cuộc chơi.

Hiện nay nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở miền tây xứ Nghệ vẫn còn đang phổ biến. Vấn nạn này đang là vấn đề xã hội phức tạp dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho chất lượng cuộc sống và xã hội...

13 tuổi đã làm mẹ

Hơn năm tiếng đồng hồ ngồi thuyền độc mộc vượt sông Giăng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Cọ Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Nơi đây có tộc người Đan Lai sinh sống. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những mái nhà tranh vách nứa mốc thếch nằm lẩn khuất dưới tán cây rừng. Vừa bước chân đến đầu bản chúng tôi đã thấy một đoàn bé gái 13-14 tuổi đang địu trẻ con, thoắt cái đã thấy vạch áo cho… con bú.

Anh Lo Văn M., nhà ở đầu bản, cho biết: “Ở đây 13, 14 tuổi đã lấy nhau rồi, lấy nhau trong anh em dòng tộc cũng nhiều. Chính tôi cũng lấy con cô ruột mình khi mới 14 tuổi”.

Theo chân anh M., chúng tôi đến nhà La Thị Q. Ngôi nhà lá cũ kỹ, trong nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá hơn 100.000 đồng. Q. kể rằng lúc em đang học lớp 7 thì bỏ học để lấy chồng. Hiện nay hai vợ chồng đã có hai đứa con nên cuộc sống rất nghèo đói, phải nhờ sự cứu trợ của Nhà nước.

Cũng như Q., chị La Thị L. ở gần đó cưới chồng “nhí” năm chưa tròn 14 tuổi và sinh liên tục ba đứa con. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn nên cả ba đứa trông ốm yếu, xanh xao, còi cọc. Cạnh túp lều của chị L. là vợ chồng La Thị N. cũng cưới nhau khi mới 13 tuổi, nay đã có hai con nhỏ, đang sống trong cảnh quanh năm thiếu ăn, thiếu mặc...

Bà Ngân Thị Hà, nguyên Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, cho biết: “Xã Môn Sơn có 12 bản, trong đó hai bản của tộc người Đan Lai với 168 hộ. Cuộc sống của bà con rất khó khăn. Hầu như thanh niên ở đây 13-14 tuổi đã lập gia đình. Không những vậy còn có một số kết hôn trong nội tộc khiến tuổi thọ thấp, trẻ em thì rắn rỏi nhưng thấp bé và ngơ ngác. Chúng tôi cũng đã có nhiều biện pháp giáo dục, tuyên truyền…, thế nhưng ở đây vừa nghèo đói vừa mang nặng hủ tục, lại xa xôi cách trở nên chính quyền chưa ngăn được nạn tảo hôn”.

Nạn lấy chồng tuổi 13 ở tây Nghệ An - 1

Những người mẹ nhí vùng cổng trời Kỳ Sơn vất vả mưu sinh. Ảnh: NGUYỄN TIẾN DŨNG

“Đang học thì anh ấy đến dắt em đi”

Tại huyện miền núi rẻo cao Kỳ Sơn nơi có đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, nạn tảo hôn cũng rất phổ biến. Chúng tôi đến xã Nậm Càn và được biết những ngày đầu xuân này đã có hai đám cưới vừa xảy ra. “Tân nương” Lầu Y Đ. tâm sự: “Em đang học lớp 7 Trường THCS Nậm Càn thì anh ấy đến dắt em đi. Chúng em yêu nhau nên em bỏ học về làm vợ thôi. Ở đây thế cả mà. Chị Lầu Y H. học lớp 9 ở cùng phòng với em cũng bị bắt về Nậm Cắn làm vợ”.

Theo thống kê, tại Trường THCS Huồi Tụ (Kỳ Sơn), năm học 2015- 2016 toàn trường có 16 em học sinh bỏ học lập gia đình. Thực trạng tương tự cũng xảy ra ở một số địa bàn khác như Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ, Nậm Cắn…

Một số bản làng ở Kỳ Sơn, vợ chồng có thể kết hôn rất sớm từ 13-14 tuổi, người thân có thể lấy nhau ví như con cô lấy con cậu, con bác lấy con dì, cháu lấy dì, chú lấy cháu, cháu lấy cô, con anh lấy con em… là chuyện bình thường.

Theo ông Mùa Xia Lữ, Giám đốc Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình huyện Kỳ Sơn, thì tình trạng hôn nhân cận huyết thống của đồng bào H’Mông ở Kỳ Sơn chiếm 15%-20% trong số các cặp vợ chồng kết hôn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hôn nhân cận huyết, trong đó lý do chính là tập tục. “Chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động nhiều nhưng thực trạng này vẫn xảy ra” - ông Lữ nói.

Không riêng gì Con Cuông, Kỳ Sơn mà nhiều bản làng các huyện miền núi vùng cao xứ Nghệ như Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn thường xuyên xảy ra. Đây là vấn đề nhức nhối làm đau đầu chính quyền địa phương và các nhà xã hội học.

Dị tật bẩm sinh do anh em lấy nhau

Theo các chuyên gia về tâm lý, những bé gái còn non dại chưa có kiến thức gì về cuộc sống hôn nhân và gia đình cũng như sức khỏe về sinh sản mà sớm về làm vợ, làm mẹ thì cuộc sống rất vất vả, không hạnh phúc dẫn đến tan vỡ và bi kịch xảy ra là điều khó tránh khỏi. Những cuộc hôn nhân ấy chẳng những không xuất phát từ tình yêu hai phía mà còn không hợp pháp vì hầu như không có sự xác nhận của chính quyền địa phương. Vì thế phần lớn đều rơi vào bi kịch. Bằng chứng là đã có nhiều vụ tự tử xảy ra như trường hợp Già Y N., xã Đoọc Mạy, đã nhảy sông tự vẫn, để lại hai con nhỏ. N. bị cướp về làm vợ từ khi 15 tuổi. Lấy chồng không có tình yêu là một nỗi đau không dễ gì khỏa lấp. Những tưởng có con thì tình cảm có thể cải thiện nhưng càng ngày gia đình trẻ con ấy càng xảy ra nhiều xung đột. Người chồng mỗi lần say rượu thường về hành hạ vợ. Khi không còn chịu đựng được, hai người đành phải chia tay. Tục lệ người H’Mông rất kiêng kỵ việc bỏ vợ bỏ chồng. Và trong vòng nghĩ quẩn, N. đã nhảy cầu để giải thoát.

Tại Kỳ Sơn những năm qua, những nỗi đau từ hủ tục hôn nhân cũng đã làm cho nhiều vị thành niên tự tử bằng lá ngón. Anh Và Bá Chày, cán bộ y tế xã Huồi Tụ, cho biết hơn 20 năm ở trạm y tế, anh chứng kiến không biết bao nhiêu vụ ăn lá ngón tự tử. Những vụ tự tử này chủ yếu là người vị thành niên. Lý do thì lãng xẹt: Vợ chồng trẻ con giận nhau cũng ăn lá ngón; chưa đủ tuổi, gia đình không cho cưới cũng rủ nhau ăn lá ngón; bị cha mẹ mắng một câu cũng ăn lá ngón… “Hầu như năm nào cũng có người tự tử chết do ăn lá ngón. Có năm 3-4 trường hợp. Chứng kiến mà đau lòng” - anh Chày thở dài.

Đó là bi kịch về những cái chết thương tâm do hủ tục hôn nhân. Còn hệ lụy cho thế hệ sau về bệnh tật là một nỗi đau dai dẳng vì tình trạng hôn nhân cận huyết. Theo điều tra của Trung tâm Y tế tỉnh, tại bản Cọ Phạt - Đan Lai có gia đình có hai cặp hôn nhân cận huyết trực hệ. Trong đó, một cặp có hai con sinh ra đều bị dị tật bẩm sinh và chết sơ sinh. Cặp còn lại sinh con ra cũng bị dị tật.

Chính vì suy nghĩ lệch lạc của người lớn về hôn nhân cận huyết thống nên nhiều đứa trẻ bị dị tật và mang nhiều chứng bệnh khác. Như trường hợp của bé Vi K. ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương, do cha mẹ cùng trực hệ lấy nhau nên năm nay em đã bảy tuổi nhưng còi cọc như đứa trẻ lên hai. K. còn bị bệnh tan máu bẩm sinh, lách to, có nguy cơ dễ vỡ.

Hiện nay tỉnh Nghệ An đang tích cực thực hiện đề án giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chi cục Dân số tỉnh cũng đã tổ chức nhiều đợt truyền thông về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các huyện miền tây xứ Nghệ. Đây có thể xem là một bước chuyển động tích cực và hy vọng sẽ sớm có tác động đến nhận thức và tư tưởng người dân nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang nhức nhối hiện nay.

Hầu hết những trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống rất dễ mắc các bệnh di truyền do sự ảnh hưởng của môi trường đối với sự kết hợp của các gen lặn mang bệnh.

Các bệnh thường gặp phổ biến như hồng cầu hình liềm, rối loạn chuyển hóa, thiếu enzim G6PD, tan máu bẩm sinh, trẻ có thể bị biến dạng xương, bụng phình to, nguy cơ tử vong cao. Thực tế đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau, sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, lông mày trắng, vảy da cá, nhất là tan máu bẩm sinh.

Theo NGUYỄN TIẾN DŨNG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự