Dịch vụ sửa chữa điều hòa tha hồ “hét” giá, nhà nghỉ hết phòng, thị trường điện lạnh lên “cơn sốt”… là cảnh thường xuyên bắt gặp trong những ngày này, khi người dân Thủ đô đang phải đối mặt với đợt nắng nóng lịch sử.
Điều hòa cũng “ngất” vì nóng
Hiện nay, dòng điều hòa tiết kiệm điện năng Inverter được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, trong những ngày nắng nóng vừa qua, không ít người dân Hà Nội đã phải “méo mặt” vì điều hòa thông minh tỏ ra “thông minh quá”, lăn đùng ra… ngất khi trời quá nóng.
Anh Nguyễn Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) buồn bã than: “Để chuẩn bị cho mùa hè khắc nghiệt, gia đình tôi cắn răng sắm 2 điều hòa thông minh loại 12.000 BTU, mỗi cái 19 triệu đồng, kể cả công lắp. Cách đây 2 ngày (hôm 30.6), khi nhiệt độ ngoài trời lên 41 độ C thì bỗng dưng cả 2 “ông” điều hòa bỗng dưng lăn đùng ra “ngất lịm”. Bực mình quá gọi điện thoại hỏi nhân viên lắp đặt “có phải bán đồ dởm không” thì được biết, nguyên nhân là do với loại điều hòa thông minh, cứ nhiệt độ ngoài trời quá cao thì điều hòa tự động ngừng hoạt động để... bảo vệ máy”.
Cận cảnh chiếc điều hòa "thông minh" của anh Tưởng.
Cái khó ló cái khôn, không chịu thua máy móc vô tri vô giác, anh Tưởng sau một hồi tham khảo ý kiến khắp nơi, đã đưa ra quyết định khá “táo bạo” là lấy nước mát dội thẳng vào 2 cục nóng của điều hòa, thậm chí trưng dụng thêm cả chiếc quạt để làm mát cho… cục nóng điều hòa. “Thật không thể tin nổi là gần một giờ sau, hai chiếc điều hòa thông minh nhà tôi bắt đầu nhúc nhích nhả hơi lạnh trở lại”, anh thở phào chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Minh Tuyết (78 Quán Sứ, Hà Nội) cũng đau đầu vì điều hòa thông minh. Mấy ngày qua trời quá nóng, điều hòa thông minh dở chứng tậm tịt. Do không hiểu nhiều về kỹ thuật, chị Tuyết gọi điện thoại tới các trung tâm hỏi giá bơm gas R410 thì được thông báo: Một lần bơm gas loại này, ít nhất cũng hơn 1 triệu đồng (?). Không còn cách nào khác, chẳng lẽ vì tiếc 1 triệu đồng mà phải chịu nóng, chị Tuyết đành gật đầu.
Không riêng anh Tưởng, chị Tuyết, nhiều gia đình khác tại Hà Nội có sử dụng điều hòa thông minh cũng gặp phải sự cố này. Có gia đình không biết cách sửa theo kiểu nói trên đành phải gọi điện thoại đến các trung tâm sửa chữa điện lạnh. Và từ đây, lại có thêm không ít sự cố phát sinh khiến gia chủ chỉ biết lắc đầu ngao ngán…
Giá cả tăng theo nhiệt độ
Anh Nguyễn Trọng Đông (ngõ 41 Phùng Chí Kiên, Hà Nội) cho biết: “Cuối tuần trước, điều hòa nhiệt độ của nhà tôi có chạy nhưng không có hơi mát. Mặc dù đã phải bật bổ sung thêm quạt nhưng vẫn nóng không thể chịu được”.
Trên khắp các ngả đường Thủ đô có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chuyến xe chở máy điều hòa mới đi lắp đặt cho khách hàng. Ảnh: Đàm Duy
Gia đình anh Đông có quen một thợ sửa chữa điện lạnh, nhưng gọi điện thì máy bận liên tục. Đến khi gọi được thì thợ báo: Phải 2 ngày nữa mới tới kiểm tra được vì lịch của anh này đã kín đặc. Dù là người quen, nhưng anh thợ này cũng nhắn thêm là do thời tiết nóng bức nên nếu đến được thì giá sửa chữa sẽ cao hơn trước, cụ thể từ 200.000 đồng/lần sửa thì sẽ lên từ 250.000 – 300.000 đồng.
Không gọi được thợ quen, anh Đông đành gọi điện tới các trung tâm sửa chữa điện lạnh mà số điện thoại quảng cáo nhan nhản trên các tờ rơi, bờ tường gần khu nhà anh.
“Nhưng gọi thì mỗi nơi thông báo một kiểu, chẳng biết đâu mà lần. Mọi khi, gia đình tôi bơm gas loại R22 chỉ mất khoảng 200.000 đồng. Nhưng một số nơi tôi gọi đến hoặc thông báo giá đã lên 300.000 đồng hoặc nói phải đến kiểm tra cụ thể, nhưng cũng không dưới giá này. Các ông thợ nhân dịp nắng nóng nên hét mạnh lắm”, anh Đông than phiền.
Không chỉ sửa chữa, việc mua mới các sản phẩm điện lạnh cũng khiến nhiều khách hàng “lên cơn sốt”. Ở một cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội), nhân viên bán hàng cho biết: Hiện tại, giá của các loại điều hòa đều tăng do lượng tiêu thụ điều hòa tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Sản phẩm của các hãng Panasonic, National, Daikin, Sanyo hay Gree, cửa hàng tôi không còn để bán và khách hàng muốn mua phải đặt trước. Theo tìm hiểu của Dân Việt, ngoài việc phải chờ đợi và đặt trước, khách hàng còn phải chấp nhận giá mỗi chiếc điều hòa tăng từ 500.000- 1 triệu đồng/sản phẩm trong đợt nắng nóng này.
Tại một cửa hàng điện lạnh trên phố Tây Sơn (Hà Nội), chủ cửa hàng – chị Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Các loại điều hòa được khách hàng mua nhiều nhất là Toshiba, Panasonic, LG hay Daikin vì các loại này dễ dùng, khó hỏng, giá cả cũng phải chăng”. Trả lời nguyên nhân tăng giá sản phẩm, chị Huyền cho biết: “Đây là điều rất bình thường do sản phẩm được mua nhiều và luôn trong tình trạng “cháy” hàng".
Làm thế nào để “hạ hỏa” cho điều hòa? Trao đổi với Dân Việt, anh Tuấn - phụ trách Đường dây nóng trung tâm điện lạnh Bách Khoa cho biết: “Trong thời tiết nắng nóng như thế này, sử dụng điều hòa là giải pháp tối ưu. Mặc dù vậy, để nhiệt độ quá thấp (dưới 20 độ C) khi ngoài trời oi bức là không hợp lý bởi điều hòa sẽ không phát huy tác dụng. Khi điều hòa không hoạt động hoặc hoạt động nhưng nhiệt độ trong phòng không mát, cần kiểm tra cục nóng”. Anh Tuấn cho biết có thể đổ nước lên cục nóng để làm mát trong trường hợp quá nóng, nhưng nên hạn chế với điều hòa thông minh. Trong khi đó, chị My, tư vấn dịch vụ điện lạnh của Công ty CP điện tử chuyên dụng Hanel nhận định: Nếu điều hòa không cho nhiệt độ như ý thì phải kiểm tra tổng thể. Khi chưa có nhân viên kỹ thuật, người sử dụng có thể “sơ cứu” điều hòa bằng cách đổ nước lên trên cục nóng để làm mát. “Ngoài ra, để điều hòa, đặc biệt là điều hòa thông minh không “hắt hơi, sổ mũi” những ngày nắng nóng thì nên lắp đặt để cục nóng ở chỗ thoáng mát. Thậm chí có thể để dây nước từ cục lạnh chảy bên ngoài cục nóng để liên tục làm mát cho cục nóng”, chị My cho biết. Một số chuyên gia cho biết thêm, tình trạng điều hòa nhiệt độ hoạt động quá tải rất dễ xảy ra khi thời tiết quá nóng. Trường hợp này hay xuất hiện tại các cơ quan, công sở với số lượng người dùng lớn, nhiều thiết bị máy móc sinh nhiệt. Vì điều hòa không đủ mát nên người dùng thường để nhiệt độ quá thấp càng dẫn đến tình trạng điều hòa nhiệt độ bị quá tải, chạy ì ạch. Nếu để lâu, khi quá tải, điều hòa sẽ bị hỏng tụ hoặc nặng hơn là hỏng block, chi phí sửa chữa rất lớn. Các tụ thường được các nhà sản xuất tính sự chịu đựng độ nóng là 45 độ C. Với thời tiết ngoài trời 40 độ C, bên trong điều hòa có thể lên tới 50- 60 độ C gây ra nổ/hỏng tụ. Do đó, các loại điều hòa thông minh thường có chế độ tự ngắt điện khi thời tiết quá nóng, tránh nổ tụ. |