Nắm được tâm lý của người dân, một số cá nhân đã chớp lấy thời cơ trục lợi bằng cách quảng cáo bán các thiết bị tiết kiệm điện.
Nắng nóng đỉnh điểm, các gia đình hầu như sử dụng các thiết bị điện làm mát hết công suất, như tủ lạnh 24/24, điều hoà và quạt điện, quạt hơi nước 16/24... Cuối tháng, ai nhìn hoá đơn tiền điện cũng “chóng mặt”, tiếc tiền, thậm chí có người thốt lên “Giá như biết tiết kiệm điện thì giờ đỡ phải xót”…
Nắm được tâm lý của người dân, một số cá nhân đã chớp lấy thời cơ trục lợi bằng cách quảng cáo bán các thiết bị tiết kiệm điện. Họ sử dụng những lời mời chào có cánh như cam kết giảm 40% tiền điện sau 1 tháng sử dụng, hoàn tiền sử dụng nếu không hiệu quả, có thể giảm tới 50% lượng điện tiêu thụ mỗi tháng, giúp tăng tuổi thọ các thiết bị điện, tiện dụng, không nắn chỉnh dòng điện chính, không gây nhiễu điện, không có từ tính… đáng nói, giá thành của sản phẩm dao động từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng.
Thiết bị điện cam kết giảm 40% tiền điện sau 1 tháng sử dụng, hoàn tiền sử dụng nếu không hiệu quả, có thể giảm tới 50% lượng điện tiêu thụ mỗi tháng, giúp tăng tuổi thọ các thiết bị điện, tiện dụng, không nắn chỉnh dòng điện chính, không gây nhiễu điện, không có từ tính… được quảng cáo trên các trang thương mại điện tử.
Không ít người tiêu dùng đã tin vào lời quảng cáo trên dù biết sản phẩm chỉ là hàng hoá trôi nổi. Song họ sẵn sàng rút tiền để đặt mua về sử dụng với hi vọng hiệu quả như đúng lời mời chào. Và cái kết khiến nhiều người ngã ngửa, cảm thấy bản thân đã bị lừa đảo khi mất tiền mà lượng điện không giảm, thậm chí có phần tăng cao hơn trước đó.
Một số người sử dụng thiết bị tiết kiệm điện cho biết, theo hướng dẫn sử dụng, chỉ cần cắm chúng vào nguồn điện là lượng điện tiêu thị sẽ giảm 30-50% nhưng dùng sang tháng thứ 2 thì lượng điện tiêu thụ cao hơn những tháng chưa sử dụng. Có nghĩa họ phải đóng tiền điện nhiều hơn với tâm thế “Vì sao lại vậy? Có lẽ nào bản thân đã trở thành “nạn nhân” của người bán hàng?...”.
Và để “mục sở thị” xem thiết bị tiết kiệm điện có thực sự như lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội hay không, một nhóm phóng viên của VTV đã cắm bình siêu tốc vào ổ điện có đấu nối với công tơ để xem khi đun sôi bình nước, lượng điện tiêu thụ là bao nhiêu?
Theo đó, chỉ số ban đầu của công tơ điện là 1,9 kw/h. Đến khi bình nước được đun sôi, chỉ số công tơ là 2,0 kw/h. Sau đó họ tiếp tục thử nghiệm với thiết bị tiết kiệm điện trong khoảng thời gian như trên. Thực tế cho thấy, chỉ số công tơ điện sau khi đun sôi bình nước đã tăng từ 1,9 kw/h lên 2,1kw/h. Như vậy, lượng điện tiêu thụ đã tăng thêm 0,1 kw/h so với việc không sử dụng thiết bị tiết kiệm điện.
Bên trong một thiết bị tiết kiệm điện có giá chưa đến 100.000 đồng.
Các chuyên gia về điện cho biết, bên trong thiết bị này được cấu tạo khá đơn giản chỉ gồm có 1 tụ điện, 1 bảng mạch gồm 8 con điện trở, giúp chiếu sáng bóng đèn Led. Do vậy có thể khẳng định thiết bị này không có khả năng tiết kiệm điện như quảng cáo. Chúng chỉ có tác dụng bù công suất phản kháng, giảm tổn thất trên hệ thống điện. Vì thế việc mua các thiết bị này chẳng khác nào “ném tiền qua cửa sổ.”
Cũng theo các chuyên gia, người dân không nên tin một chiều vào các thông tin quảng cáo mà phải biết cách kiểm tra, đối chiếu thông tin bằng cách liên hệ với các đơn vị nghiên cứu hay bộ phận chăm sóc khách hàng của các công ty điện lực để tránh mất tiền oan khi mua phải các thiết bị điện kém chất lượng hay các thiết bị được quảng cáo không đúng sự thật.
Những thiết bị tiết kiệm điện bán trên một trang thương mại điện tử...
Trước thông tin quảng cáo các thiết bị tiết kiệm điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cảnh báo, đây chỉ là chiêu trò để móc túi người tiêu dùng. Mặt khác theo EVN, nếu thật sự có loại thiết bị có thể can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện, làm cho công tơ điện chạy chậm lại thì đồng nghĩa với việc người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi vi phạm sử dụng điện. “Người vi phạm sử dụng điện sẽ bị truy thu tiền điện, thậm chí có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Do vậy, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng trước các thông tin quảng cáo, bán hàng, thậm chí mạo danh là sản phẩm của những thương hiệu uy tín”, EVN cảnh báo.
Để tiết kiệm điện, người dân phải biết cách sử dụng điện đúng cách, đúng lúc và lựa chọn các thiết bị điện có công nghệ tiết kiệm theo tiêu chuẩn đã được ngành chức năng thẩm định. Nên sử dụng bóng đèn Led, thay cho bóng đèn sợi đốt; sử dụng các sản phẩm có nhãn chứng nhận tiết kiệm năng lượng điện, có nhiều sao… Đặc biệt trong ngày nắng nóng, người dân cần điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh, máy lạnh phù hợp, tốt nhất là nên để nhiệt độ điều hòa trên 26 độ C; vệ sinh, bảo dưỡng thường xuyên, thay thế các thiết bị điện công nghệ cũ, lạc hậu; ghi nhớ tắt các thiết bị điện, tốt nhất là nên ngắt cầu dao điện hoặc rút phích cắm ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng. |