Nắng nóng ở miền Bắc sẽ tập trung chính trong tháng 7 với nhiệt độ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm. Hiện tượng nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất.
Nắng nóng gay gắt hơn, mưa bão phức tạp hơn
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hiện tại, hiện tượng ENSO đang ở pha trung tính. Dự báo từ tháng 7-9/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75%.
Từ nay đến tháng 9/2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời gian này là từ 6-7 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 3 cơn). Đề phòng khả năng bão/ áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Từ tháng 7-9, trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh. Tại khu vực Bắc Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 8 và tập trung chính trong tháng 7. Tại Trung Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 9, tập trung chính trong tháng 7-8.
Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khô hạn ở khu vực Trung Bộ, khô hạn có khả năng còn kéo dài đến tháng 8/2024.
Cao điểm nắng nóng ở miền Bắc sẽ tập trung trong tháng 7.
Mùa mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm (vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9). Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.
Bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Hiện tượng nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất. Ngoài ra, mưa lớn, dông, lốc, sét có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.
Không khí lạnh bắt đầu hoạt động từ tháng 10
Nhận định xa hơn từ tháng 10 đến tháng 12, TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, thời kỳ này dự báo hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 80-90%. Trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 4-6 cơn bão/ áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/ áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời kỳ này là từ 4-5 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 2 cơn). Đề phòng khả năng bão/ áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Không khí lạnh bắt đầu hoạt động mạnh dần từ khoảng tháng 10. Bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Ngoài ra, mưa lớn, lốc, sét có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, với việc El Nino chuyển sang trạng thái trung tính rồi chuyển dần sang trạng thái La Nina thì hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng tập trung từ tháng 7-9 tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và từ tháng 10-12 tại khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Người dân và chính quyền địa phương cần đề phòng nguy cơ mưa, bão, lũ dồn dập ở khu vực miền Trung trong thời kỳ cuối năm.
"Như vậy, trong nửa đầu mùa mưa bão, thiên tai sẽ tập trung ở Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Tây nguyên. Với kịch bản La Nina xuất hiện, bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền vào nửa cuối của năm. Mưa lớn, bão, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở miền Trung trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 có dấu hiệu tương tự với mùa mưa bão năm 2020", ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh: "Để chủ động ứng phó với thiên tai trong thời gian tới, các khuyến cáo về ứng phó với từng loại hình thiên tai đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đưa ra và hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương và người dân thực hiện. Đối với góc độ người làm công tác dự báo và phòng, chống thiên tai, chúng tôi mong muốn người dân thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin dự báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các dự báo thiên tai có các bản tin cảnh báo từ sớm, từ xa ban đầu, sau đó được cập nhật liên tục khi có thêm dữ liệu tính toán mới, càng gần thì bản tin càng chính xác. Từ bài học kinh nghiệm ứng phó các loại hình thiên tai những năm qua, khi cộng đồng và người dân tuân thủ thực hiện các phương án ứng phó theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, chính quyền địa phương thì thiệt hại giảm đi đáng kể".
Ngoài ra, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng mưa lớn cục bộ với cường suất lớn sẽ suất hiện nhiều hơn có thể gây ra tình trạng ngập úng đô thị, các khu công nghiệp, vùng núi có khả năng xảy ra sạt lở đất và lũ quét. Vì vậy, chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng cần thường xuyên ra soát các điểm nghẽn trên các sông, suối để cảnh báo kịp thời cho người dân và hệ thống thoát nước đô thị nhằm giảm tác động khi xảy ra thiên tai.