Theo quan niệm dân gian, mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài. Ngày này nhiều nhà, công ty, cửa hàng… sắm lễ vật để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin một năm mới may mắn, làm ăn được thịnh vượng về tài lộc.
Theo tín ngưỡng cha ông, người dân muốn năm mới nhiều tài lộc, làm ăn thuận lợi, tiền bạc rủng rỉnh thì nên mua vàng vào ngày mùng 10 tháng Giêng lấy may.
Thực tế cho thấy, nhu cầu mua vàng của người dân vào ngày này là rất lớn, tuy nhiên chủ yếu là mua những miếng vàng từ 5 phân đên nửa chỉ cầu may mắn chứ không mang tính chất thương mại.
Nhiều người tin rằng, xuất tiền mua vàng đầu năm sẽ đem lại rất nhiều may mắn trong năm mới. Ảnh minh họa
Ngoài ra, vào ngày vía của Thần Tài mọi người cũng thường mua: 1 bình bông, 1 con tôm, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng heo quay, 1 bộ giấy tiền vàng mã, 1 đĩa ngũ quả, chum rượu, để cúng lấy vía Thần Tài, cầu xin cho năm mới làm ăn phát đạt.
Đồ cúng thường là các món ăn ngon như heo vịt quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày… Dân gian truyền miệng Thần Tài rất thích món Cua biển và heo quay, chuối chín vàng.
Theo chuyên gia Nguyễn Mạnh Linh - Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị - Đại học Xây dựng thì việc làm lễ đón thần tài được cho là rất quan trọng vì theo dân gian, có đón thần tài mới bổ sung thêm được tài lộc trong năm. Người làm kinh doanh, không làm kinh doanh đều làm lễ giống nhau, chỉ khác là địa điểm. Người làm kinh doanh thờ thần tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được, vì bản thân "thổ địa" thờ tại nhà cũng kiêm chức năng của thần tài.
Tốt nhất ở nhà riêng nên đặt mâm cúng trong nhà. Đồ lễ đơn giản, lễ vừa phải, không xa xỉ lãng phí mới được thần tài chú ý, chỉ cần hoa tươi, quả tươi, nước sạch.
Một số lưu ý nên làm vào ngày Thần Tài:
Ngoài ngày mùng 10 tháng Giêng, hàng tháng nên lau bàn thờ, tắm cho Thần Tài vào ngày cuối tháng và ngày 14 âm lịch với nước lá bưởi, hay rượu pha nước. Khăn lau và tắm cho Thần Tài không được dùng vào việc khác.
- Hương: Có nơi cho rằng thắp vào sáng, có nơi cho rằng cần thắp vào chiều tối, thực ra là không cần thiết và không có quy định cụ thể. Có thể chọn giờ tốt cho cúng lễ trong ngày hoặc chọn ngày giờ tốt có sao tốt đến để kích hoạt trường khí dễ hơn.
- Nước: Chén để nước cần rửa sạch trước khi lấy nước mới. Chỉ cần một chén nước là đủ, chứ không phải ba hay năm chén. Nước không để quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm. Cẩn thận không để nước tràn ra hoặc đổ lên bàn.
- Hoa: Bình hoa có thể bằng thủy tinh, gốm sứ... đều được. Chỉ nên chọn hoa tươi, hoa có nụ và có hương thơm càng tốt. Không nên dùng hoa giả.
- Quả: Quả nên chọn loại tươi, ngon, nhìn nguyên vẹn, thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt... Cũng như hoa, không dùng quả nhựa, quả nhân tạo không ăn được.
- Đèn, nến: Đèn cúng là đèn thật như đèn dầu, nến. Không dùng đèn nhấp nháy, đèn điện... vì đều tạo ra trường khí xấu, ảnh hưởng đến việc thờ cúng.
- Gạo, muối thì cất lại dùng cho có lộc, không được rãi ra ngoài.- Rượu hay nước thì đứng ngoài cửa tưới vào nhà, có ý nghĩa là đem lộc vào.
- Bộ tam sên hay bánh trái chia nhau trong nhà dùng không cho người ngoài.
- Tránh để các con vật chó mèo quậy phá làm ô uế bàn thờ Thần Tài.
Sự tích Thần tài và tục thờ thần tài Ngày xưa, có một lái buôn tên là Âu Minh, khi đi thuyền qua hồ Thanh Thảo, được Thủy Thần tặng cho một cô hầu gái tên là Như Nguyện. Âu Minh đưa Như Nguyện về nuôi trong nhà. Sự buôn bán từ ngày đó trở đi càng ngày càng phát đạt, chỉ trong vòng vài năm mà Âu Minh trở thành một nhà giàu có lớn. Một hôm, vào Tết Nguyên đán, Âu Minh tức giận đánh Như Nguyện làm nó sợ hãi, chui vào đống rác trốn mất. Kể từ đó, việc buôn bán của Âu Minh bắt đầu thua lỗ sa sút, chẳng bao lâu thì sạt nghiệp, trở nên nghèo khổ. Người ta cho rằng, Như Nguyện là Thần tài. Lúc Âu Minh nuôi Như Nguyện trong nhà thì Thần tài ủng hộ nên làm ăn phát đạt. Tới khi Như Nguyện bị đánh rồi bỏ đi thì Thần tài không còn chiếu cố Âu Minh nữa nên làm ăn sa sút, thất bại. Do sự tích nầy, người ta có tục kiêng cử quét rác và hốt rác trong ba ngày Tết, sợ Thần tài không có chỗ ẩn trốn mà đi nơi khác thì việc làm ăn trong năm sẽ bị xui xẻo thất bại. Cũng do sự tích nầy mà người ta lập bàn thờ Thần tài sát nền đất hay nền gạch, không đặt cao như các bàn thờ khác, và đặt ở góc nhà hay nơi hàng hiên. |