Với xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ, cơ hội và nhu cầu việc làm của ngành Kỹ thuật phần mềm rất lớn, luôn thu hút đông đảo các bạn trẻ và là ngành thời thượng trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.
Theo khảo sát, trong số 15 vị trí công việc của IT thì 3 vị trí được doanh nghiệp quan tâm nhất là người phát triển phần mềm (17,4% doanh nghiệp cần), tester/QA-QC (người kiểm tra, phát hiện lỗi,người chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm, người quản lý chất lượng 9,3%) và người phân tích kinh doanh (7,4%).
Các chuyên gia cho hay, 10 năm tới đây, sẽ có những dịch chuyển quan trọng từ công nghệ thông tin sang công nghệ số, từ phần mềm riêng lẻ sang nền tảng số, từ gia công sang phát triển những phần mềm mang thương hiệu Việt Nam, từ thị trường trong nước là chính sang thị trường quốc tế là chính. Điều này cho thấy những cơ hội ngành Kỹ thuật phần mềm rất rộng mở.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, ngành Kỹ thuật phần mềm đào tạo những kiến thức liên quan đến quy trình phát triển phần mềm một cách chuyên nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm phần mềm đạt chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu nghiệp vụ cụ thể trong nền sản xuất của xã hội.
Kỹ sư phần mềm mô tả và viết hướng dẫn (lập trình) để máy tính có thể từng bước thay thế con người điều khiển các thiết bị phần cứng, tự động hóa các quy trình, thao tác của con người trong công việc, hoạt động, giải trí. Với sự hỗ trợ của phần mềm, con người được giải phóng khỏi những công việc thủ công, nhàm chán, các quy trình hoạt động được tối ưu hóa, giảm thiểu các sai sót.
Kỹ thuật phần mềm là một trong những ngành phát triển nhanh nhất và được coi là một phần quan trọng của các doanh nghiệp công nghệ với nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng.
Theo chia sẻ của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, chương trình Kỹ thuật phần mềm đào tạo cử nhân nắm vững kiến thức cơ bản và chuyên môn; có khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi quyền hạn của một chuyên viên hoặc quản lý trong lĩnh vực công nghệ phần mềm như nắm bắt và phân tích nhu cầu thực tế (phân tích hệ thống, lập kế hoạch dự án phần mềm, phân tích yêu cầu), phát triển phần mềm (thiết kế phần mềm, lập trình, kiểm thử),…
Bên cạnh đó, sinh viên luôn được trao dồi kiến thức chuyên môn, nâng cao tay nghề, đồng thời được liên kết chặt chẽ với nhiều tổ chức, doanh nghiệp liên quan nhằm bám sát thực tế, liên tục cập nhật các chuẩn, công nghệ mới nhất để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và hội nhập, đồng thời đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Học Kỹ thuật phần mềm ra trường lương tới 140 triệu đồng
Các bạn yêu thích ngành Kỹ thuật phần mềm có thể theo học tại một số trường đại học như Đại học Công nghệ Thông tin; Đại học RMIT; Trường Đại học Bách Khoa; Học viện Bưu chính Viễn thông TP. HCM; Đại học Công Nghiệp TP. HCM; Đại học Kinh tế tài chính TP.HCM; Đại học Văn Lang; Đại học Kinh tế TP. HCM; Đại học Sư phạm Kỹ thuật; Đại học Nguyễn Tất Thành; Đại học Tôn Đức Thắng; Đại học FPT; Đại học Công nghiệp Hà Nội...
Điểm chuẩn ngành Kỹ thuật phần mềm năm 2023 dao động từ 15 đến 28,68 điểm.
Sinh viên tốt nghiệp sẽ trở thành các kỹ sư phần mềm có chất lượng tốt, có thể làm việc trong các dự án phần mềm vừa và lớn như sau: Các công ty phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm, game; bộ phận vận hành và phát triển CNTT của các cơ quan, nhà máy, trường học, ngân hàng… các doanh nghiệp có ứng dụng CNTT; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực CNTT.
Chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, quản trị, bảo trì các phần mềm máy tính đáp ứng các ứng dụng khác nhau trong các cơ quan, công ty, trường học...
Làm việc ở bộ phận công nghệ thông tin hoặc cần ứng dụng công nghệ thông tin của tất cả các đơn vị có nhu cầu (hành chính sự nghiệp, ngân hàng, viễn thông, hàng không, xây dựng…).
Làm việc trong các công ty sản xuất, gia công phần mềm trong nước cũng như nước ngoài. Làm việc tại các công ty tư vấn về đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các hệ thống thông tin
Có thể tự phát hành các sản phẩm game, ứng dụng trên thiết bị di động.
Nói về mức lương của ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường Đại học FPT cho biết, báo cáo thị trường IT Việt Nam – Tech Hiring 2022 do TopDev phát hành đã đưa ra bảng so sánh mức lương giữa các vị trí lập trình mới nhất trong năm 2022. Các vị trí ngành lập trình có mức lương dao động từ 8 – 140 triệu/tháng.
Để có được thu nhập như vậy, các bạn sinh viên cần có tốt chất riêng. Đam mê chính là yếu tố tiên quyết để lựa chọn ngành học cho bản thân. Vì vậy, ngành Kỹ thuật phần mềm phù hợp hơn với những bạn có niềm đam mê với công nghệ, máy tính, thích chủ động tìm hiểu các thông tin được cập nhật và xu hướng công nghệ hiện nay. Chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm đòi hỏi tính tự học, tự nghiên cứu khá nhiều nên nếu thực sự đam mê thì bạn sẽ không cảm thấy việc học tập quá khó khăn, áp lực.
Làm việc với máy tính đòi hỏi tư duy logic cao nên kỹ năng tư duy logic tất cần thiết khi học tập và làm việc trong lĩnh vực này. Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ thông tin bắt buộc bạn phải tiếp xúc với ngoại ngữ nhiều đặc biệt là tiếng Anh.