Tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều trường đại học có chính sách miễn giảm học phí, cấp học bổng dành cho sinh viên.
8 ngành học được miễn học phí
Theo Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, các ngành miễn học phí cho sinh viên bao gồm: Tư tưởng Hồ Chí Minh, Mác - Lê nin, ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y tâm thần, Giám định pháp Y, Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước.
Ngoài các ngành học trên, sinh viên đang học hệ cử tuyển, người dân tộc thiểu số ít người có cha/mẹ hoặc ông/bà thuộc hộ nghèo, cận nghèo cũng được miễn học phí. Các dân tộc thiểu số ít người theo quy định gồm: Pu Péo, Cống, Mảng, Si La, Bố Y, Cờ Lao, La Ha, Ơ Đu, Ngái, Chứt, Brâu, Rơ Măm, Lự, Pà Thẻn, La Hủ, Lô Lô.Các ngành học được giảm 70% học phí.
Bên cạnh các ngành miễn học phí thì hiện nay cũng có rất nhiều ngành giảm học phí cho sinh viên đến 70%. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 81 quy định các ngành học giảm 70% học phí cho sinh viên gồm:
Các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật bao gồm: Nhạc công kịch hát dân tộc; Nhạc công truyền thống Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ; Diễn viên sân khấu kịch hát, nghệ thuật ca trù, nghệ thuật biểu diễn dân ca, nghệ thuật bài chòi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống;
Nhiều ngành học được miễn giảm học phí, cấp học bổng năm 2023. Ảnh minh họa
Các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, tuồng, chèo, cải lương, múa, xiếc.; Một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định.
Ngoài ra các ngành học trên, chế độ giảm 70% học phí còn áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo.
Sinh viên ngành nào được cấp học bổng?
Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (mỗi năm học 10 tháng).
Tuy nhiên, muốn được hỗ trợ, sinh viên phải thuộc đối tượng được giao nhiệm vụ, đặt hàng và nộp đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cùng các hồ sơ liên quan. Hồ sơ của sinh viên phải đáp ứng điều kiện của địa phương và được địa phương xét chọn.
Đối với sinh viên không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng đã nộp đơn và các hồ sơ liên quan nhưng hồ sơ không đáp ứng điều kiện của địa phương và không được địa phương xét chọn, nếu đã nộp đơn đề nghị công tác trong ngành giáo dục thì khi đó cơ sở đào tạo giáo viên sẽ căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại trong phạm vi chỉ tiêu của Bộ GDĐT đã thông báo sau khi trừ đi chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng và sẽ lập dự toán kinh phí gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính.
Cơ quan tài chính sẽ bố trí dự toán theo quy định của luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên được cấp cho trường theo hình thức giao dự toán theo quy định phân cấp ngân sách hiện hành.
Kiến nghị miễn học phí cho những ngành khoa học cơ bản
Trước đó, cử tri tỉnh Thừa Thiên Huế cũng nêu thực tế rất nhiều ngành đào tạo tài năng, đào tạo khoa học cơ bản khó tuyển sinh, có nguy cơ ít được quan tâm đầu tư vì hiệu quả tài chính thấp như các ngành sư phạm, cử nhân Toán, Vật lý, Văn học,... Do đó, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét ưu tiên đầu tư cho những ngành chất lượng, khó tuyển sinh để thu hút học sinh giỏi nhờ miễn giảm học phí và chu cấp học bổng.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho hay, đối với sinh viên sư phạm, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo nơi sinh viên theo học và được Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Đồng thời, tại khoản 19 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP đã có quy định đối tượng miễn học phí là: "Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định".
Theo Bộ GD&ĐT, việc miễn học phí đối với ngành nghề khác như cử nhân Toán, Vật lý, Văn học,... sẽ tác động lớn đến ngân sách nhà nước, do đó, Bộ xin ghi nhận kiến nghị của cử tri để tham mưu, trình cấp có thẩm quyền quyết định về chính sách miễn, giảm học phí đối với các ngành đào tạo tài năng, các ngành khoa học cở bản vào thời điểm thích hợp, phù hợp với điều kiện và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.
Từ năm 2022, nhiều trường đại học đã đưa ra các chương trình hỗ trợ học phí, cấp học bổng nhằm thu hút thí sinh ứng tuyển vào các ngành khoa học cơ bản Chẳng hạn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai thí điểm các suất học bổng cho sinh viên các ngành khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong đó, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có 9 ngành được hỗ trợ, gồm: Tài năng Toán học, Tài năng Vật lý, Tài năng Hóa học, Tài năng Sinh học, Địa lý tự nhiên, Địa chất học, Tài nguyên và môi trường nước, Hải dương học và Công nghệ kỹ thuật hạt nhân. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hỗ trợ 35% học phí gồm 9 ngành: Hán Nôm, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học và Văn học. Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM cũng có quỹ học bổng hàng tỉ đồng cấp cho sinh viên trúng tuyển vào 7 ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học trái đất và khoa học biển gồm vật lý, hải dương học, kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật địa chất, địa chất học, khoa học môi trường và công nghệ kỹ thuật môi trường. |