Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cho biết, hiện chưa thay đổi lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu với lao động nữ.
Chia sẻ tại hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí ngày 26.12, ông Sơn cho biết, dự báo năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu, trong đó có trên 21.000 người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) dưới 30 năm, có tỉ lệ hưởng lương hưu thấp hơn từ 5% đến 10%. Trong đó, thời điểm ngày 1.1.2018 sẽ có 3.000 lao động nữ chịu thiệt thòi chính sách này, dù chỉ nghỉ muộn hơn người khác (ngày 31.12.2017) đúng một ngày.
Ảnh minh họa.
Trước đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình tính lương hưu cho nữ giới một cách từ từ để giảm thiệt thòi cho lao động nữ. Cụ thể, 15 năm đầu đóng BHXH, lao động nữ được tính bằng 45%; nghỉ hưu năm 2018 và 8 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải trình để Quốc hội xem xét.
Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết thêm, hiện cơ quan BHXH chưa nhận được ý kiến nào từ cơ quan cấp trên về việc thay đổi cách tính lương hưu.
Như vậy, nếu nghỉ hưu từ ngày 1.1.2018 trở đi thì 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau khoảng thời gian trên, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, người lao động được tính thêm 2%. Với việc thay đổi cách tính này, lao động nữ đủ 55 tuổi, nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75% (so với trước năm 2018 chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%).
Sau ngày 1.1.2018, lao động nữ nghỉ hưu đóng đủ 25 năm BHXH thì chỉ được hưởng 65% tiền lương tháng đóng BHXH.